Chuyên gia ATTP: Chính thói quen xấu của người Việt khiến thực phẩm bẩn còn đất sống

Ngọc Anh |

Tại Hội thảo về An toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng, các chuyên gia về thực phẩm, dinh dưỡng đã mổ xẻ những thói quen cực xấu của người Việt trong sử dụng thực phẩm.

Sự ngặt nghèo của người Nhật Bản

Thực phẩm kém an toàn là nỗi lo của bất cứ gia đình nào, đặc biệt là đã có các mối liên quan đặc biệt giữa thực phẩm bẩn và bệnh ung thư. 30% bệnh ung thư đến từ thực phẩm kém chất lượng nhưng người Việt vẫn để cho thực phẩm bẩn sống chung cùng mình.

Nhiều chuyên gia đã cho rằng thực phẩm bẩn là quốc nạn của Việt Nam, là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ung thư gia tăng như hiện nay. Đó cũng là một trong những lý do khiến các tế bào ung thư sinh sôi, nảy nở, đột biến tế bào mới dẫn đến nhiễm trùng cấp và mãn tính, kể cả những thói quen ăn uống xấu của đại đa số người dân cũng dẫn tới việc gia tăng ung thư.

Thực phẩm bẩn khi được đưa vào cơ thể ban đầu có thể gây các phản ứng tức thời như: ngộ độc, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy. Về lâu dài có thể gây các bệnh mạn tính, đột biến gen, ung thư… dẫn tới tử vong. Dù rất sợ thực phẩm bẩn nhưng đa số người Việt lại chưa hiểu làm thế nào để bảo vệ sức khoẻ mình từ thực phẩm.

Tại Hội thảo về An toàn thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng do Cục An toàn thực phẩm và Hội chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia về thực phẩm, dinh dưỡng đã mổ xẻ những thói quen cực xấu của người Việt trong sử dụng thực phẩm.

Theo ông Đinh Quang Minh – Phó giảm đốc Trung Tâm Ứng Dụng và Đào Tạo An Toàn Thực Phẩm – Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đưa ra dẫn chứng thực trạng về an toàn thực phẩm ở các nước xung quanh trong đó có Nhật Bản . Người Nhật họ có tuổi thọ cao, sức khoẻ tốt là nhờ chế độ ăn uống tốt và việc kiểm soát an toàn thực phẩm rất ngặt nghèo.

Ngay từ sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản đã có luật an toàn thực phẩm (năm 1947) và nhiều pháp lệnh liên quan tới thực phẩm. Với hơn 10 nghìn nhân viên làm cho các cơ quan an toàn thực phẩm nhưng người Nhật vẫn có nhiều bức xúc trong vấn đề an toàn thực phẩm như thực phẩm nhiễm phóng xạ, đặc biệt người Nhật có nhu cầu sử dụng hải sản rất cao gấp 4 lần các quốc gia khác.

Chuyên gia ATTP: Chính thói quen xấu của người Việt khiến thực phẩm bẩn còn đất sống - Ảnh 1.

Bữa ăn của người Nhật Bản chủ yếu là hải sản

Nhưng nước Nhật từ trải qua chiến tranh thế chiến thứ 2 và là nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Sau đó, từ những năm 60 -70 của thế kỷ trước, việc phát triển công nghiệp khiến một số vùng biển ở Nhật nhiễm kim loại nặng khiến nguồn hải sản của họ cũng không còn là "an toàn" với người dân.

Với nỗ lực phòng chống ngộ độc thực phẩm, tìm các biện pháp an toàn cho thực phẩm thì tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản vẫn rất cao 84 tuổi. Hiện nay, người Nhật Bản 75 tuổi mới về hưu.

Vấn đề an toàn thực phẩm ở Nhật, ông Minh cho rằng họ được quan tâm và kiểm soát rất ngặt nghèo, chính vì thế, các sản phẩm để được lưu hành ở thị trường Nhật Bản đôi khi còn khó hơn cả thị trường Châu Âu và Mỹ.

Một số mặt hàng thực phẩm còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt khác mới được nhập vào Nhật Bản như: không chứa các côn trùng gây bệnh hoặc có hại tới sức khỏe con người có trong thịt và cá tươi, các sản phẩm thịt chế biến như hamberger, xúc xích…, trái cây, rau quả hoặc ngũ cốc.

Nước này còn quy định giấy phép nhập khẩu đối với một số loài cá đánh bắt tại các vùng duyên hải và rong biển ăn được.

Thói quen ăn uống, người Nhật thích nấu ăn tại nhà. Bữa ăn truyền thống của họ gồm một bát cơm, cá nướng, rau luộc, súp đậu hũ, trái cây tráng miệng và trà xanh. Người Nhật tiêu thụ gần 10% thực phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, tức mỗi người dân Nhật ăn cá gấp 5 lần so với người dân khác trên thế giới.

Người Việt dễ dãi

Trong khi đó ở Việt Nam, PGS Lê Bạch Mai cho rằng người Việt qua tuổi 70 thì 100% đều có các vấn đề về xương khớp, đủ các bệnh mãn tính từ tăng huyết áp, tim mạch và tất cả những vấn đề sức khoẻ trên đều có một phần của việc sử dụng thực phẩm sai lầm.

Bà Mai đưa ra ví dụ nếu ở Nhật người ta thiên về hải sản thì người Việt thích ăn thịt, thịt đỏ, cá thì cá to và lười ăn rau xanh, sử dụng các sản phẩm từ sữa, phô mai.

Chuyên gia ATTP: Chính thói quen xấu của người Việt khiến thực phẩm bẩn còn đất sống - Ảnh 2.

Thói quen ăn "chỗ bẩn" của người Việt chẳng giống ai

Ngoài ra, ông Minh cho rằng người Việt Nam quá dễ dãi cho việc sử dụng thực phẩm. Nhìn từ lịch sử các mùa dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc, giá gia cầm Trung Quốc chuyển sang Việt Nam rất thấp và tư thương Việt mua về bán lại cho người Việt và người Việt sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm này.

Ông Minh cho rằng một phần do gian thương nhưng cũng vì người Việt hay "dĩ hoà vi quý" trong thực phẩm nên thực phẩm kém an toàn vẫn có đất sống khoẻ.

Không chỉ có dễ mua thực phẩm chế biến mà ngay cả việc ăn uống "la cà" của người Việt cũng cần đáng lên tiếng. Ông Minh đưa ra ví dụ người ta có thể ăn ở ngay bãi rác, nước cống đen ngòm, ăn ở bất cứ nơi nào dù rất bẩn.

Người Việt rất lạ cứ quán nào bẩn bẩn, đông người ăn thì cho rằng đó là quán ngon là họ vào. Có thể người trước ăn người sau chưa kịp lau chùi sạch sẽ họ vẫn chấp nhận và dường như thực khách chỉ cần ngon, bổ, rẻ là được mà không quan tâm tới sạch.

Theo ông Minh, nếu mỗi người dân biết nói không với những quán ăn nhếch nhác, nhìn thấy người chế biến bẩn, không đảm bảo phải nhắc họ ngay thì người bán hàng thay đổi.

Ông Minh cho rằng, trong cuộc sống có thể dĩ hoà vi quý còn trong an toàn thực phẩm thì không nên mà nên nói thẳng để người bán hàng thay đổi và phải biết tẩy chay nhưng nơi không đảm bảo vệ sinh, dù ngon đến mấy cũng nói không để người bán hàng họ biết được rằng ngon thôi chưa đủ mà cần phải an toàn, sạch sẽ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại