Chuối tiêu: “thần dược” đẩy lùi các loại bệnh thường gặp

Nguyễn Liên |

Các bài thuốc từ chuối tiêu với cách thực hiện cực đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu, đặc biệt trong điều trị các loại bệnh thường gặp.

Chuối tiêu là một loại quả không còn xa lạ với nhiều người. Quả chuối tiêu chín xuất hiện rất thường xuyên sau mỗi bữa ăn của người Việt, là loại quả tráng miệng "được lòng" cả người lớn và trẻ nhỏ bởi vừa ngọt thơm, vừa rất dễ ăn.

Quả chuối tiêu xanh hay hoa chuối cũng là nguyên liệu chính trong những món khoái khẩu của người Việt như "Chuối xanh nấu đậu thịt", "Nộm hoa chuối", "Bún bung hoa chuối"…

Trong y học dân gian, chuối tiêu được đánh giá là bài thuốc rất thần kì khi có thể điều trị được rất nhiều loại bệnh phổ biến nhưng cách thực hiện lại hết sức đơn giản.

Cuốn sách "Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam" – nơi tập hợp nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Dược liệu - Dược cổ truyền tại Việt Nam đã phân tích rất chi tiết về những lợi ích từ và cách thức áp dụng chuối trong điều trị nhiều bệnh thường gặp.

Theo đó, không chỉ phần ruột quả chuối mà ngay cả vỏ quả, thậm chí ngay cả củ chuối, lá chuối hay dịch nhựa chảy từ thân cây cũng vô cùng hữu ích.

Quả chuối tiêu chín có vị ngọt, tính rất lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khát (làm giảm khát), nhuận tràng, giải độc.

Quả chuối chín cũng có tác dụng cực hữu hiệu trong việc làm dịu và thúc đẩy sự lên da non ở các vết thương tổn của ruột trong viêm ruột kết có loét, đồng thời chống các rối loạn ở ruột và dạ dày, các bệnh tiêu chảy cấp tính và mãn tính, bệnh viêm ruột, táo bón và bệnh thiếu vitamin C.

Theo các chuyên gia dược học cổ truyền, chuối tiêu chín rất tốt cho trẻ thơ, trẻ đang độ lớn hay người cần dưỡng sức, người già, người lao động trí óc và chân tay. Chuối cũng rất tốt cho hệ xương, sự sinh trưởng và giúp cân bằng thần kinh.

Những người mắc bệnh suy nhược được khuyến cáo nên ăn chuối hàng ngày. Tuy nhiên, có một lưu ý là trong chuối rất giàu hydrat carbon, người đái tháo đường không được tự ý dùng nếu không có ý kiến của thầy thuốc.

Không chỉ phần ruột quả, mà ngay cả phần vỏ quả cũng là bài thuốc rất hữu ích. Theo đó, vỏ quả chuối tiêu chín vị ngọt, chát, tính ôn, có tác dụng chỉ tả (làm giảm triệu chứng tả), sát trùng.

Vỏ quả chuối tiêu chữa lỵ, đau bụng, thổ tả theo phương thức sắc uống với liều từ 15 đến 30g một ngày. Ngoài ra, cũng có thể dùng vỏ quả chuối tiêu sắc lấy nước để rửa những chỗ bị mẩn ngứa, lở loét.

Chuối tiêu: “thần dược” đẩy lùi các loại bệnh thường gặp - Ảnh 1.

Quả chuối tiêu xanh (Hình minh họa: kadalys.com)

Chuối tiêu xanh cũng có rất nhiều công dụng bên cạnh chuối tiêu chín. Quả này thường được dùng chữa bệnh tiêu chảy và kiết lỵ trong khi bột quả chuối tiêu xanh để phòng và chữa loét dạ dày. Bên cạnh đó, vỏ quả chuối xanh có tác dụng làm se và diệt nấm, nhựa của quả xanh thì có thể dùng để chữa hắc lào.

Ngoài quả chuối, những bộ phận khác của cây chuối đều rất hữu ích trong điều trị các loại bệnh thường gặp.

Cụ thể, lá chuối tiêu non còn ở trong thân giả, giã nát để đắp là thuốc giúp cầm máu vết thương, làm dịu vết bỏng.

Củ chuối tiêu thì có vị ngọt, lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân và rễ chuối tiêu vị ngọt chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết (thanh giải nhiệt tà ở phần huyết), giải độc, trị nhiệt suyễn (khó thở do nhiệt), tiểu ra máu và mụn nhọt.

Bài thuốc uống từ củ và rễ chuối tiêu giã lấy nước cốt hoặc dịch lấy từ thân cây có thể giúp chữa sưng tấy, nhọt sưng đau, nóng quá phát cuồng, mê sảng, co giật, kiết lỵ, tiêu chảy.

Các bài thuốc cụ thể có chuối tiêu:

- Chữa trúng độc do ăn uống: củ chuối tiêu thái miếng, cho đầy nồi, đổ ngập nước, sắc đặc lấy một bát cho uống để làm nôn mửa.

- Chữa nhọt sưng ở sống lưng, vết sưng tấy, mụn nhọt: củ hoặc rễ chuối tiêu giã nát đắp.

- Chữa phế nhiệt (bệnh do nhiệt tà xâm phạm phế, thường gây ra các triệu chứng như má đỏ hồng, ho đờm đặc, đau ngực hay suyễn thở mạnh, khạc ra máu.) và bệnh đàm xuyễn: rễ chuối tiêu tươi 60g, rau sam 30g giã nát, ép lấy nước sau đó đun âm ấm, bỏ bã uống nước.

- Chữa tiểu ra máu: rễ chuối tiêu tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g, sắc nước uống.

- Chữa sốt cao phát cuồng, phiền khát (bồn chồn không yên và khát nước), mê sảng, co giật: dùng một lóng trúc hay nứa, vót nhọn đầu, chọc vào giữa thân cây chuối cho nước chảy ra. Hứng lấy một bát để uống. Có thể dùng củ và rễ, giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

- Chữa hắc lào: rửa sạch chỗ hắc lào bằng nước nóng, gãi cho trượt da ra, lau khô. Lấy một quả chuối xanh còn non trên cây, bẻ hoặc cắt cho nhựa chảy ra, chấm bôi vào chỗ có nấm. Làm từ 4 đến 5 lần.

- Phòng và chữa viêm loét dạ dày: thịt quả chuối tiêu xanh, phơi sấy khô ở nhiệt độ dưới 50 độ C, tán bột, ăn hàng ngày với liều từ 20 đến 30g.

- Chữa đại tiện táo bón: ăn quả chuối tiêu chín, mỗi lần từ 3 đến 4 quả.

- Chữa trĩ ra máu: chuối 2 quả, để cả vỏ nấu chín ăn. Dùng nhiều lần.

- Chữa cao huyết áp: vỏ và cuống quả chuối tiêu, từ 30 đến 60g sắc uống. Dùng nhiều lần.

- Chữa phụ nữ ít sữa và người già táo bón: hoa chuối thái nhỏ, luộc chín, trộn với muối vừng hoặc muối lạc rang, ăn từ 2 đến 3 bữa liền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại