Hầu hết bố mẹ nào cũng nhận thấy rằng việc cãi nhau trước mặt con là điều không nên xảy ra. Nhưng một khi có một xung đột giữa 2 vợ chồng, theo bản năng, họ không có khả năng kiềm chế cảm xúc.
Từ đó, những cuộc cãi cọ vẫn nổ ra như thường. Và con trẻ là người phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất.
Bố mẹ cãi nhau ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ
Mới đây, một nghiên cứu của trường Đại học York (Canada) phát hiện con cái của các cặp vợ chồng ly dị bị những cuộc cãi vã làm tổn thương nhiều hơn cả việc chia tay của bố mẹ.
Theo đó, vệc phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau trong nhà khiến con trẻ của những gia đình đã ly hôn gia tăng 30% các vấn đề liên quan đến hành vi.
Nghiên cứu này "nối gót" một bản báo cáo của Tổ chức Can thiệp Sớm (EIF) thuộc Trường Đại học Sussex (Anh) được công bố vào năm ngoái.
Tức là những xung đột chưa được giải quyết của bố mẹ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sớm của trẻ, cũng như sức khỏe tinh thần và cuộc sống tương lai của chúng. Điều này đúng ngay cả khi các cặp vợ chồng vẫn sống cùng nhau hay đã ly dị.
Trẻ em ở mọi độ tuổi đều bị tác động từ những cuộc cãi nhau của bố mẹ.
Chuyện bất đồng quan điểm là hết sức bình thường. Cái quan trọng nhất chính là cách giải quyết mâu thuẫn như thế nào. Và con cái sẽ nhìn vào các hành động đó để cuộc sống được tiếp diễn trong hòa thuận.
Bên cạnh đó, xung đột đang tiếp diễn giữa bố mẹ có thể đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, sự phát triển kỹ năng xã hội lẫn cảm xúc và thành tích học hành của con trẻ.
Các nhà khoa học cũng nhận định các cuộc tranh cãi còn tác động đến khả năng hình thành các mối quan hệ tương lai của con cái và cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe thể chất của trẻ, thậm chí kéo dài trong suốt quá trình trưởng thành và thế hệ sau đó.
Những tác động nghiêm trọng này xảy ra rất sớm.
Khi chứng kiến bố mẹ chúng cãi nhau công khai, em bé dù mới 6 tháng tuổi đã có phản ứng cảm xúc mạnh ví dụ như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ.
Còn trẻ ở lứa tuổi lớn có thể bị ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt thường có biểu hiện bên ngoài như hung hăng, thù địch và bạo lực hơn, còn bên trong thì tự kỷ, lo lắng, buồn phiền và thậm chí có ý nghĩ tự tử.
Giáo sư Gordon Harod, giảng viên Khoa tâm lý học của trường Đại học Sussex kết luận nghiên cứu này chỉ ra việc thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau gây ra nhiều hậu quả khôn lường cho trẻ.
Những đứa trẻ từng trải qua nhiều vấn đề về gia đình có nhiều khả năng mắc bệnh tâm lí hay bị rối loạn sức khỏe tâm thần khi trở thành cha mẹ.
Những ảnh hưởng đến trẻ khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau:
- Lo lắng, buồn nghiền
- Không tự tin
- Cô đơn, tự kỷ
- Trở nên hung hăng, bạo lực
- Có suy nghĩ tự tử
Lời khuyên của các chuyên gia với bậc cha mẹ
Phần lớn chúng ta đều cho rằng con trẻ không để ý gì đến chuyện tranh cãi của bố mẹ nhưng kỳ thực, chúng rất nhạy cảm và luôn dõi theo mối quan hệ của người lớn.
Tất cả những hành động mà bố mẹ sẽ thể hiện trong quá trình xung đột sẽ để lại trong đầu và bé sẽ học theo. Do đó, các ông bố không nên có hành động hung hãn, thô bạo, còn các bà mẹ không nên nói những điều không hay trước mặt trẻ.
Ngược lại, các bậc phụ huynh cần phải có thái độ tích cực và bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Nếu mâu thuẫn chưa thể giải quyết được, một trog hai người phải đề nghị tiếp tục trao đổi với lúc khác.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu lỡ để con chứng kiến cuộc nói chuyện không hay giữa bố mẹ, họ cần phải quan tâm hơn đến cảm xúc của con cái, từ đó thấu hiểu tâm lý xáo trộn của con để ngăn chặn những đổ vỡ leo thang, cụ thể là chứng trầm cảm và xu hướng muốn tự tử ở trẻ.
"Việc cải thiện mối quan hệ của họ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần và cơ hội sống trong tương lai của trẻ", Carey Oppenheim, giám đốc điều hành Tổ chức Can Thiệp Sớm cho biết.
Và bố mẹ nên nhớ rằng không phải bất cứ đề tài nào bạn cũng có thể tranh luận trước mặt con, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ vợ chồng hoặc những chuyện liên quan đến việc giáo dục con cái.
Và nghĩa vụ của bố mẹ là phải giải quyết càng sớm càng tốt những mâu thuẫn dai dẳng trong gia đình để con trẻ được thật sự vui sống trong mái ấm của mình.
* Theo Telegraph, Huffington Post