Bác sĩ Vi Vân, Phó trưởng khoa Huyết học và Miễn dịch, Bệnh viện Đông Phương thuộc Đại học Y dược Bắc Kinh (Trung Quốc) là người rất tâm huyết với nghề y và luôn mong mình "ít bận rộn" hơn nếu như bệnh nhân biết cách phòng bệnh tốt.
Bác sĩ Vân chia sẻ rằng, khi thăm khám bệnh, vì thời gian có hạn nên hầu như chỉ có thể chia sẻ với bệnh nhân về cách điều trị bệnh thay vì tư vấn cách phòng bệnh. Vì thế những lời khuyên "rút ruột" này của chị rất khó để đến với người bệnh một cách đầy đủ.
Sau đây là bài viết của Phó giáo sư Vân về cách sớm nhất để nhận biết các bệnh nguy hiểm thông qua các triệu chứng cảnh báo rất nhỏ mà lâu nay chúng ta vẫn thường bỏ qua. Đây cũng là những điều bà đặc biệt tâm huyết, chưa từng có cơ hội nói với bệnh nhân trong suốt bao năm chữa bệnh.
Ranh giới mong manh giữa tình trạng khỏe và bệnh
Cơ thể khỏe mạnh là khi bạn cảm thấy mọi thứ bình thường, thể chất và tinh thần đều tràn đầy năng lượng, có sức sống và luôn luôn cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn.
Nhưng khi cơ thể có một chút trục trặc ở đâu đó, ngay lập tức sẽ gửi tới bạn một tín hiệu, mặc dù rất nhỏ, thậm chí bạn không hề để tâm hay coi đó là vấn đề nghiêm trọng, nhưng không bao giờ là không báo trước.
Theo thống kê lâm sàng cho thấy, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nữ, một trong những lý do gây ra hiện tượng này có thể là vì nam giới có tỉ lệ hút thuốc cao.
Sự mất cân bằng trong cơ thể sẽ làm cho bệnh chuyển hóa từ lượng sang chất, chúng sẽ trải qua một quá trình khá dài với một phạm vi ảnh hưởng rộng lớn. Cụ thể là một căn bệnh nhỏ xuất hiện từ một triệu chứng, rồi nặng dần lên theo thời gian, cứ thế cho đến khi "vỡ" bệnh.
Cơ thể mất cân bằng có thể được chia thành 2 loại chính. Một là cơ thể cảm thấy khó chịu, có triệu chứng rõ ràng nhưng khi đi kiểm tra thì không phát hiện ra điều gì bất thường, không kết luận được là bạn đã mắc phải bệnh gì.
Trong trường hợp sức khỏe rơi vào trạng thái không rõ ràng như vậy cũng sẽ khiến cho bạn không biết đi khám ở đâu cho đúng.
Còn loại thứ hai là cơ thể không hề có dấu hiệu đau yếu gì, nhưng khi kiểm tra lại có rất nhiều điều bất thường, nhưng nó lại chưa đạt đến chỉ số để xác nhận đó là bệnh. Ví dụ như khi bạn đi khám, có chỉ số đường trong nước tiểu cao, nhưng nó chưa đạt đến cảnh báo là bạn đã bị bệnh tiểu đường.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy loại thứ hai khá phổ biến, thậm chí có thể xem là rất nhiều, biểu hiện đa dạng. Ví dụ như hội chứng mệt mỏi kéo dài, rối loạn chức năng thần kinh thực vật, rối loạn tiêu hóa mạn tính (bệnh tiêu chảy, táo bón xen kẽ hoặc tiêu chảy thường xuyên).
Bệnh cứ ở lưng chừng, không đủ nhẹ để bạn yên tâm, cũng không đủ nặng để phải chữa trị.
Hoặc như người bị thừa chất béo sẽ gây ra mệt mỏi (áp lực, căng thẳng tâm lý, luôn muốn ăn gì đó để giải quyết vấn đề).
Người bị rối loạn giấc ngủ (hay tỉnh giấc, giấc ngủ nông, chập chờn, hay mơ, khó ngủ, ngủ xong tỉnh dậy cảm thấy rất mệt mỏi).
Triệu chứng nhỏ có thể tích tụ thành một căn bệnh nghiêm trọng
Trong thực tế, đằng sau những hoạt động nhỏ có thể ẩn chứa tiềm tàng một vấn đề lớn. Ví dụ, bác sĩ Vân đã từng có một chẩn đoán và điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Ban đầu, bệnh nhân chỉ có biểu hiện như ngứa da, viêm da.
Điều trị một thời gian dài các bệnh về da đều không có tác dụng, sau đó tìm thấy nguyên nhân chính là bởi sự tác động của một khối u bên trong cơ thể.
Bác sĩ Vân kể, nói ra ví dụ về hiện tượng trên để miêu tả cho chúng ta biết rằng các triệu chứng vật lý của quá trình bệnh đang dần tích lũy trong cơ thể xảy ra rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu sự tích tụ của các triệu chứng đó tiếp tục diễn ra mà chúng ta không can thiệp, nó có thể trở thành một căn bệnh xảy ra sau đó.
Nếu can thiệp đúng lúc, dấu hiệu bệnh đó có thể sẽ biến mất, và cơ thể sẽ trở lại bình thường. Đây là một quá trình dài, mà khi bạn đi khám, bác sĩ sẽ không có đủ thời gian để tư vấn cho bạn, nó là một quá trình diễn ra liên tục, bệnh sinh ra và mất đi dựa trên những tác động của con người.
Trong y học Trung Quốc, các bác sĩ thường gọi đây là quá trình "chữa khi chưa có bệnh". Trong giai đoạn tiền phát bệnh đã phải "ra tay" can thiệp để bệnh bị tiêu diệt "từ trong trứng nước" làm cho mầm bệnh mất cơ hội phát triển.
Cách phòng ngừa bệnh này giờ đã trở nên vô cùng cần thiết và thịnh hành. Người Trung Quốc có cách nói rằng "mùa hè chữa bệnh mùa đông, mùa đông chữa bệnh mùa hè" để nói về trào lưu chăm sóc sức khỏe chủ động.
Khi chúng ta biết bệnh đã là lúc bệnh trong giai đoạn nặng. Việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn. Bác sĩ Vân chia sẻ điều này, để bất kỳ ai cũng có thể đón lấy cơ hội chữa bệnh vào thời gian sớm nhất.
Phó Giáo sư, Bác sĩ Vi Vân, Phó trưởng khoa huyết học miễn dịch, Bệnh viện Đông phương, Đại học Y dược Bắc Kinh, Trung Quốc.
*Theo Sina