Một số luật sư, kiểm sát viên được mời đến phiên tòa nhưng vắng mặt
Sáng 6/5, phiên tòa giám đốc thẩm đối với bị cáo Hồ Duy Hải (SN 1985, trú tại huyện Thủ Thừa, Long An) về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” đang được diễn ra tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày 6/5-8/5.
Phát biểu khai mạc phiên toà, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình nêu rõ, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008, khiến 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong, gây bức xúc dư luận. Vụ án đã qua 2 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm.
Sau đó, đã có báo cáo về vụ án đến Văn phòng Chủ tịch nước và có quyết định tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Đến cuối năm 2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mở phiên xét xử giám đốc thẩm để xem xét lại vụ án này.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, nhiệm vụ của phiên giám đốc thẩm là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp, có căn cứ của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của Viện KSND tối cao.
Ảnh: An Vũ.
Khi cần thiết, những nội dung khác không bị kháng nghị cũng nêu ra để làm rõ tổng quan của vụ án. Ngoài ra, Hội đồng cũng xem xét, làm rõ các chứng cứ, tài liệu mới gửi tới Hội đồng thẩm phán. Nếu những nội dung kháng nghị chưa làm rõ hết thì phiên tòa có thể kéo dài quá 3 ngày.
"Yêu cầu đặt ra với phiên tòa là phải xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện, đúng thủ tục pháp luật trên cơ sở phán quyết chặt chẽ, thận trọng, công tâm, không cho phép sai, oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm", Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Trong phiên tòa sáng 6/5, đã mời đại diện của tòa án, viện kiểm sát, các cơ quan tố tụng các cấp sơ thẩm, phúc thẩm có liên quan.
Theo đó, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, được Viện trưởng ủy quyền tham dự phiên tòa. Các điều tra viên tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Nguyễn Văn Linh (hiện là Phó trưởng phòng PC06 Công an tỉnh Long An) có mặt tại phiên tòa.
Ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là Phó trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải) vắng mặt.
Các cán bộ giám định hiện trường, bác sĩ khám nghiệm tử thi được mời đều có mặt. Ông Lê Quang Hùng, thẩm phán phiên tòa sơ thẩm có mặt tại phiên tòa.
Luật sư Nguyễn Văn Đạt và luật sư Nguyễn Văn Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) vắng mặt. Tuy nhiên, người có nghĩa vụ liên quan, cung cấp chứng cứ vụ án là luật sư Trần Hồng Phong có mặt tại phiên xét xử
Quy trình xét xử phiên tòa giám đốc thẩm như thế nào?
Liên quan việc mở lại phiên tòa, Chánh án Văn phòng kiêm Người phát ngôn Tòa án nhân dân tối cao Ngô Tiến Hùng cho biết, đây là thủ tục xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Đặc biệt là sau khi Viện trưởng VKSND TC, Chánh án TAND TC ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm, Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá và đã có quyết định thi hành án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Theo Điều 21 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định về cơ cấu tổ chức TAND tối cao, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là cơ quan cao nhất gồm có: Chánh án, các Phó Chánh án và Thẩm phán TAND tối cao (gồm 17 người).
Đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có kháng nghị của Viện trưởng VKSND TC hoặc Chánh án TAND TC thì Tòa án sẽ xem xét giám đốc thẩm để xét lại Bản án hoăc Quyết định đã có hiệu lực pháp luật được quy định tại chương 15 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2016.
Đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì việc xét xử giám đốc thẩm thành phần là toàn thể Hội đồng Thẩm phán TAND TC.
Khi xét xử bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia, do Chánh án TAND TC làm Chủ tọa phiên tòa, quyết định của Hội đồng Thẩm phán phải được quá nửa số thành viên tán thành.
Nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
Còn tại Điều 383 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2016 quy định: Những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm gồm: Kiểm sát viên của VKS cùng cấp.
Việc triệu tập những người tham gia tố tụng để xét hỏi hoặc trình bày ý kiến tại phiên tòa do Hội đồng Thẩm phán TAND TC quyết định.
Về phạm vi giám đốc thẩm, Điều 387 quy định, Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.
Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm được quy định tại Điều 388 Bộ luật Tố tụng hình sự:
Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Theo Điều 395 BTTTHS, quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 22 Luật Tổ chức TAND năm 2014, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Căn cứ khoản 4 Điều 22 Luật TAND năm 2014, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm là quyết định cao nhất không bị kháng nghị.
Chánh Văn phòng TANDTC Ngô Tiến Hùng cho biết, trên thực tế mỗi năm TAND TC tổ chức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán, trong đó có hàng trăm vụ án do Chánh án TAND TC làm Chủ tọa.