Từ câu chuyện giả tưởng...
Các máy bay không người lái Nga chọc mù hệ thống do thám Mỹ; những đợt tấn công mạng ồ ạt làm tê liệt đội hình xe tăng Mỹ để cho các robot Nga dồn lên tấn công tiêu diệt chúng.
Đó là viễn cảnh được minh họa bằng những hình ảnh sống động xuất hiện trong một cuốn truyện tranh giả tưởng về cuộc chiến tranh tương lai do Viện Không gian mạng thuộc Học viện Quân sự West Point Mỹ phát hành.
Tình huống này liệu có xảy ra? Hoàn toàn có thể! Một số chuyên gia danh tiếng đã thừa nhận, và trên thực tế người Nga còn có thể gây ra cho Mỹ những điều tồi tệ hơn.
Được viết bởi nhà tương lai học Brian David Johnson thuộc trường Đại học bang Arizona với tựa đề "Silent Ruin" (Hủy diệt thầm lặng), cuốn truyện tranh không phản ánh bất cứ quan điểm chính thống nào của Quân đội hay Chính phủ Mỹ. Nó chỉ là một phần trong loạt truyện khoa học viễn tưởng được viết ra để giúp người đọc có thêm góc nhìn.
Silent Ruin mở đầu bằng cuộc khủng hoảng giả định khi lãnh thổ Moldova thuộc Liên Xô cũ tìm cách hợp nhất với thành viên NATO Romania. Các máy bay không người lái (UAV) của Nga tiến hành tác chiến điện tử, vô hiệu hóa UAV của NATO, chọc mù các lực lượng phương Tây và buộc họ phải điều xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams tới càn quét vùng biên giới.
Các cảm biến, thiết bị điều khiển hỏa lực và hệ thống lái nhanh chóng bị tấn công mạng tê liệt, sớm biến thành những "miếng mồi ngon" cho các xe chiến đấu bộ binh không người lái của Nga.
Trang cuối cuốn Silent Ruin
Tất nhiên, trong cuốn truyện tranh dài 10 trang thì câu chuyện đã được đơn giản hóa. Không rõ điều gì đã xảy ra với các phương tiện trinh sát khác của NATO như UAV tầm cao, máy bay không người lái hay hệ thống vệ tinh, mặc dù tác chiến mạng/điện tử, các tên lửa phòng không và vũ khí chống vệ tinh của Nga được cho là đều có thể phá hủy chúng.
Các xe tăng của NATO dường như cũng quên mất những bài học chiến thuật từ năm 1939 khiến chúng bị phơi mình trước các robot Nga dù được miêu tả vẫn còn khá thô sơ: không mở nắp đậy để quan sát xung quanh và hành tiến mà không có bộ binh yểm trợ. Cuốn truyện rõ ràng đã khơi dậy được suy nghĩ của người đọc, và đó chính là mục đích khiến nó ra đời.
...tới viễn cảnh thực tế
"Chúng ta đang phải đối diện với các hệ thống không người lái. Chúng ta đã đối diện với một số loại và xu hướng này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh", Rickey Smith, Đại tá Lục quân Mỹ nghỉ hưu và hiện đang là chuyên gia cao cấp của Bộ tư lệnh Huấn Luyện và Học thuyết (TRADOC) cho biết. "Nhưng Mỹ không hề bị bỏ lại phía sau".
Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Mark Milley là người đặc biệt quan tâm tới robot bộ binh. Chuẩn tướng David Lesperance - Giám đốc Chương trình Các xe Thiết giáp tương lai do ông đề xuất bổ nhiệm đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng phát triển các xe chiến đấu không người lái và có người lái, dự kiến sẽ khởi động vào năm tới.
Các robot chiến đấu thế hệ đầu tiên, so với tăng M1 Abrams, có thể chưa phải là những cỗ máy chiến tranh hiệu suất cao nhưng chúng sẽ giữ vai trò là những "khẩu pháo nối dài". Các robot này sẽ đảm trách nhiệm vụ lùng sục phía trước, rà phá bom mìn và đẩy lùi các đợt tấn công bất ngờ rồi chỉ thị mục tiêu cho con người tấn công.
"Có thể, đòn tấn công ồ ạt mở đầu sẽ sử dụng ở mức tối đa các hệ thống không người lái", Smith nói. "Thậm chí nếu chưa đạt được quy mô như thế, mỗi lần đối phương tiêu diệt một chiếc, họ cũng có thể để lộ vị trí... Trò "mèo vờn chuột" sẽ tiếp tục diễn ra, hệ thống không người lái góp phần tăng thêm độ phức tạp khi tác chiến".
Tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams
Thế còn Nga thì sao? Chuyên gia phân tích Samuel Bendett của CNA cho rằng, Nga đang rất tích cực đầu tư cho các phương tiện bộ binh không người lái (UGV), một phần để bù đắp cho dân số suy giảm, nhưng các robot của họ còn xa mới đạt tới mức như trong truyện khoa học viễn tưởng.
"Phải mất nhiều năm nữa thì Nga mới có thể phát triển được các UGV đối phó với tăng Abrams, Bendett nói. "Phần lớn vũ khí trang bị cho các UGV như vậy đều là các súng/pháo 300mm hoặc nhỏ hơn, cùng với các vũ khí chống tăng tiêu chuẩn như tên lửa dẫn đường - là những thứ mà các hệ thống phòng vệ chủ động mới nhất có thể bắn hạ".
"Nhưng nhìn từ bức tranh toàn cảnh, nó có vẻ khả thi", Bendett diễn giải. "Tác chiến điện tử là một cấu phần đang gia tăng trong cấu trúc lực lượng của Nga và khi được bổ sung trí tuệ nhân tạo (AI), họ có thể thực hiện những đòn đánh đáng gờm".
Trên thực tế, Nga đang phát triển các khái niệm chiến đấu tích hợp giữa các phương tiện không người lái và có người lái, vũ khí cứng và tác chiến mạng/điện tử.
"Còn quá sớm để đánh giá mô hình trên sẽ như thế nào, mặc dù cách mà cuốn truyện tranh mô tả, tức tấn công mạng/tác chiến điện tử tiếp nối bằng các phương tiện không người lái thực hiện đòn tấn công bất ngờ để phá hủy tối đa vũ khí phương Tây hoàn toàn là kịch bản có thể xảy ra ở ngay thời điểm này", Bendett kết luận.
Tăng M1 Abrams của Mỹ khai hỏa tại một trường bắn ở Ba Lan