Bạn đọc Minh Yến ( yennguyen...@gmail.com), hỏi: Con gái tôi năm nay 3 tuổi, rất lười ăn rau, đã làm đủ cách từ dọa dẫm đến năn nỉ mà không xong. Được cái bé rất thích ăn trái cây nên 1 tháng nay tôi có thử cho bé ăn trái cây thay rau, có lúc thấy chuyện tiêu hóa của bé rất tốt nhưng cũng có tuần táo bón liên miên. Xin cho hỏi, việc cho ăn trái cây thay rau như vậy có ổn không, ăn thế nào thì tốt?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:
Trong thời gian bé chưa thể thay đổi thói quen lười ăn rau, việc cho bé ăn thêm nhiều trái cây để bù đắp phần dinh dưỡng bị thiếu hụt do không chịu ăn rau là rất nên, miễn là bạn chọn các loại trái cây giàu chất xơ, ít ngọt, ví dụ như táo, lê, nho, các trái cây có múi như bưởi, cam...
Trong đó, các trái cây có múi như bưởi, cam còn bù đắp được phần thiếu hụt kali do bé lười ăn rau. Kali giúp tăng cường nhu động ruột, bé tiêu hóa tốt hơn, không bị táo bón. Nên chú ý cho bé dùng trái cây "nguyên bản" là tốt nhất, tức ăn mà không cho thêm đường, muối, không lạm dụng việc xay sinh tố hay ép thành nước trái cây.
Những trái cây có nhiều đường thì nên hạn chế bởi dễ làm gan hoạt động quá tải gây hiện tượng mà dân gian gọi là "nóng gan", sinh ra mụn nhọt, đồng thời dễ táo bón. Trái cây nhiều đường có thể kể đến sầu riêng, chôm chôm, mãng cầu xiêm....
Về lâu dài, bạn nên tập dần cho bé ăn rau bởi trái cây thực sự không thể thay thế hoàn toàn những gì mà rau cung cấp. Khi bé lớn hơn, việc chỉ ăn trái cây mà không ăn rau còn gây nhiều bất tiện khi đi học, ăn cùng bạn bè. Thực ra, việc ăn uống của một người bị ảnh hưởng bởi thói quen nhiều hơn, gọi là "tập tính ăn uống". Muốn bé ăn rau, người lớn trong gia đình phải chăm chỉ ăn rau trước. Với trẻ con tuổi này, bé thấy cha mẹ ăn sẽ tò mò mà đòi thử, từ đó chúng ta cho bé làm quen với từng món rau.
Nếu bạn có thêm con, hãy tập cho bé làm quen với rau từ khi còn nhỏ, ví dụ như xay nhuyễn rau bổ sung vào món bột, cháo ăn dặm của bé, như vậy khi bé lớn hơn sẽ không lười ăn rau.