Theo The Diplomat, Ấn Độ đã trả trước cho Nga 5 tỷ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga S-400. Thông tin này được người đứng đầu Tập đoàn Rostec Sergey Chemezov cho hay.
"Việc trả trước đã được triển khai. Tôi không muốn đưa ra chi tiết nhưng chắc chắn đã có sự trả trước. Chúng tôi cùng hợp tác để sản xuất và công việc đang diễn ra, mọi thứ diễn ra theo đúng lịch trình. Hợp đồng sẽ hoàn thành vào năm 2025", ông Chemezov chia sẻ với hãng thông tấn TASS trong bài trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện diễn ra ở Dubai.
Theo Reuters, Ấn Độ trả trước cho Nga 800 triệu USD trong bản hợp đồng trị giá 5 tỷ USD để mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Chi tiết sự việc không được làm rõ nhưng Ấn Độ nhiều khả năng trả tiền bằng Euro thông qua ngân hàng Nga nhằm tránh mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ chiểu theo đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Phát biểu trước các phóng viên, ông Chemezov nhấn mạnh quá trình đàm phán về thương vụ mua bán S-400 giữa Nga - Ấn vẫn đang được tiến hành và dự định, thương vụ này sẽ hoàn tất vào năm 2025.
Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD để mua các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của Nga vào tháng 10/2018 nhân chuyến thăm tới thủ đô New Delhi của Tổng thống Vladimir Putin.
Ấn Độ đã trả trước cho Nga 5 tỷ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga S-400.
Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra ở Brazil hồi tuần trước, ông Putin cũng cho biết quá trình chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Ấn Độ "vẫn đang được tiến hành theo kế hoạch".
"Mỹ ngày càng ít có tín hiệu cho thấy sự đồng thuận hay phản đối với thương vụ mua S-400 của Ấn Độ. Dường như Mỹ sẽ không giáng đòn trừng phạt với Ấn Độ", ông Ajai Shukla, một nhà phân tích quốc phòng Ấn Độ nhấn mạnh.
Moscow từng là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ. Cụ thể, vũ khí Nga chiếm 62% trong tổng số vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu trong 5 năm qua, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, New Delhi lại thiên về nhập khẩu các mặt hàng vũ khí do Mỹ và Israel sản xuất.
Theo ông Shukla, thương vụ tên lửa S-400 dường như không gây ra tác động xấu tới mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ.
"Ấn Độ đã mua vũ khí Nga suốt mấy thập niên. Gần đây, Ấn Độ mới chuyển sang mua vũ khí Mỹ. Mỹ cảm thấy vui vì họ đã bán được số lượng lớn vũ khí sang Ấn Độ. Washington cũng nhận ra rằng, họ không thể ngăn cản Ấn Độ có mối quan hệ quốc phòng với Nga bởi đây là mối quan hệ mang tính lịch sử", ông Shukla nhận định.
Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ đang rơi vào cảnh sóng gió do New Delhi áp đặt mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với một số mặt hàng của Mỹ nhằm trả đũa Mỹ từ chối loại Ấn Độ khỏi danh sách các nước bị áp thuế nhôm và thép.
S-400 là hệ thống phòng không tầm xa hiện đại nhất của Nga, được thiết kế để đánh chặn máy bay và tên lửa của kẻ địch.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ký một hợp đồng tương tự giữa Nga và Ấn Độ và hợp đồng này đã dẫn tới một sự rạn nứt lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ gây sức ép lên đồng minh NATO của mình, buộc Thổ Nhĩ Kỳ không mua hệ thống vũ khí của Nga nhưng thất bại. Mỹ đã đáp trả bằng cách loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích F-35, tuyên bố rằng họ cần phải bảo vệ những bí mật của tiêm kích F-35 trước Nga.
Ông Chemezov nhận xét rằng vũ khí Nga thu hút được nhiều quốc gia quan tâm vì "chúng tôi không bao giờ áp đặt điều kiện chính trị".