Xe bọc thép chở quân M113 của quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K (Campuchia)
LTS: Trong chiến tranh biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc, giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Polpot, Sư đoàn bộ binh 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đội hình Quân đoàn 3.
Chỉ trong một tuần lễ (từ 07/01-14/01/1979), Sư đoàn 10 đã tiến công trong hành tiến, thần tốc vượt quãng đường 400km, giải phóng 4 tỉnh, tiêu diệt và làm tan rã nhiều đơn vị mạnh của địch, cùng các đơn vị bạn giải phóng Thủ đô Phnom Penh.
Xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, nguyên Đại úy, cán bộ tuyên huấn Sư đoàn bộ binh 10, Quân đoàn 3 về chiến công đặc biệt của đơn vị trong chiến dịch giải phóng Campuchia và những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế trên Chiến trường K.
---------------
Kỳ 1. Đập tan tuyến phòng ngự đường số 7
Dày công chuẩn bị, luồn sâu đánh hiểm
Cuối năm 1978, tình hình biên giới Tây Nam Việt Nam, tiếp giáp với Campuchia ngày càng trở nên căng thẳng. Quân Polpot từ chỗ hung hăng gây hấn với ta, đã phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới.
Bè lũ diệt chủng đã huy động 19 trên tổng số 23 sư đoàn ra hướng biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngày 13/12/1977, chúng cho 2 sư đoàn đánh vào huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, 2 sư đoàn đánh vào Bảy Núi - An Giang , 1 sư đoàn đánh vào Trà Phô, Trà Tiến - Kiên Giang.
Tác giả - CCB Nguyễn Đình Thi, nguyên Đại úy, sĩ quan tuyên huấn Sư đoàn 10
Trên hướng biên giới Tây Ninh, chúng đưa 3 sư đoàn 340, 221, 703 tấn công vào hướng Bến Sỏi với ý định đánh chiếm thị xã Tây Ninh của ta trong tháng 12/1978.
Nhằm đập tan âm mưu của địch, đồng thời tận dụng thời cơ về mặt pháp lý khi đối phương vượt biên giới tiến hành xâm lược Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu của ta quyết định cùng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở chiến dịch để giải phóng nước bạn khỏi chế độ diệt chủng Polpot.
Chiến dịch phản công trên biên giới Tây Nam huy động lực lượng nhiều quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, gồm hàng chục vạn quân với nhiều vũ khí, khí tài hiện đại.
Quân đoàn 3 được Tiền phương Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ: "Tấn công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ 5 sư đoàn địch ở Nam, Bắc đường 7, ... Mở rộng căn cứ cho lực lượng cách mạng Campuchia ... Nhanh chóng ổn định nhân dân, phát triển lực lượng cách mạng, giành thắng lợi trọn vẹn về cả quân sự và chính trị" .
Thực hiện nhiệm vụ của Tiền phương Bộ Quốc phòng giao, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ra "Mệnh lệnh tiến công A88" cho các đơn vị thuộc quyền. Sư đoàn bộ binh 320 sẽ 320 được giao nhiệm vụ tấn công quân địch ở thị trấn Suông, Chúp. Sư đoàn 31 đánh từ bình độ 50 xuống phía Nam đường 7.
Sư đoàn 302 của Quân khu 7 bổ sung cho Quân đoàn có nhiệm vụ đánh địch từ tuyến biên giới Lò Gò, Xa Mát lên phía Nam đường 7 phối hợp với cánh quân của Sư đoàn 10.
Riêng Sư đoàn bộ binh 10 được Quân đoàn 3 giao nhiệm vụ chủ công: Đánh vào giữa phòng tuyến của địch trên trục đường số 7, tiêu diệt lực lượng địch ở khu vực phía Đông Bắc đường 7, sau đó thọc sâu, bao vây tiêu diệt Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 và các mục tiêu Krếc, Mô Lu, Tà Hiêu, Xtoeng.
Đồng thời, Sư đoàn 10 cũng tổ chức một mũi luồn sâu vào hậu phương địch, cắt đường 7 tại Chrưm, chặn địch từ phía trong ra và diệt địch từ phía ngoài chạy về. Phạm vi khu vực tác chiến của sư đoàn có chiều dài 80 km, chiều sâu từ 35 đến 40 km.
Để hoàn thành nhiệm vụ, ngoài lực lượng trong biên chế, Sư đoàn bộ binh 10 được tăng cường 4 đại đội xe tăng - thiết giáp (37 chiếc), 1 đại đội pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh công trình, 1 tiểu đoàn và 2 đội công tác của chính quyền cách mạng Campuchia. Ngoài ra, trong quá trình chiến đấu sư đoàn được không quân ta chi viện tích cực.
Hướng tấn công của Sư đoàn 10 là hướng địch phòng thủ mạnh nhất trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh - Campuchia. Ở hướng tấn công của Sư đoàn 10 lúc này có hai sư đoàn 310 và 450 của địch, cùng Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7. Đây là những sư đoàn sừng sỏ nhất của quân đội Polpot, đã giao chiến với Sư đoàn 10 trong suốt hai năm 1977 và 1978.
Phát hiện ta có khả năng tấn công trên tuyến đường 7, địch tổ chức bố phòng khá vững chắc, lập thành hai tuyến phòng thủ: Tuyến thứ nhất chạy dọc theo đường 7, suốt từ Phsâm, Chư Piêng, Krếch, Mô Lu, XTưng tới Suông, Chúp. Tuyến thứ hai chặn ngang đường 7 kéo dài từ Tà Nột, Tà Âm qua Krếch tới Chông Chếch, Đầm Be. Ở giữa hai tuyến chúng rải rất nhiều mìn các loại.
Thực hiện nhiệm vụ của Quân đoàn giao, ngay trong tháng 12/1978, sư đoàn 10 đã khẩn trương tiến hành trinh sát nắm địch và lập kế hoạch tác chiến. Các công tác đảm bảo vũ khí, súng đạn, xăng dầu, lương thực, thực phẩm cũng được tiến hành rất khẩn trương.
Do lần này thực hiện nhiệm vụ trên đất nước bạn nên Sư đoàn đã giành nhiều thời gian để quán triệt cho toàn thể cán bộ chiến sỹ thấy trách nhiệm vẻ vang trong chiến dịch đặc biệt này.
Với tinh thần "giúp bạn cũng chính là giúp mình", Bộ Tư lệnh Quân đoàn và Sư đoàn đã đề ra những quy định rất chặt chẽ cho cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ trên nước bạn.
Người lính tình nguyện khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp không được sử dụng bất kỳ thứ gì ngoài hai thứ là củi khô và nước lã.
Có thể nói vào những ngày cuối của năm 1978, không khí chuẩn bị ra trận của Sư đoàn bộ binh 10 nhộn nhịp, náo nức chẳng khác gì khí thế trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Sau khi nghiên cứu kỹ cách bố phòng của địch, Sư đoàn 10 xây dựng kế hoạch tác chiến như sau:
- Sử dụng Trung đoàn bộ binh 66 cùng xe tăng, xe bọc thép tấn công trên hướng chủ yếu của Sư đoàn, đánh theo trục đường 7;
- Trung đoàn bộ binh 28 đảm nhiệm mũi phối hợp, có nhiệm vụ bí mật luồn rừng, ém sẵn lực lượng ở phía Đông và Đông Bắc bình độ 125, đánh chiếm khu vực Nam và Bắc đường đất, từ bản Dài xuống. Sau đó, Trung đoàn 28 tập trung lực lượng đánh vào sườn quân địch ở Krếc 1 và 2, Phum Sâm, truy quét địch tại Mô Lu, En ni Mít .
- Trung đoàn bộ binh 24 sử dụng tiểu đoàn 5 luồn sâu vào hậu phương địch, cắt đứt đường 7 ở đoạn Chrưm, lực lượng còn lại làm dự bị cho Sư đoàn.
Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K - Ảnh minh họa
Tiểu đoàn luồn sâu chặn đứng cả trung đoàn Polpot
Ngày 27/12/1978 , đơn vị đầu tiên của Sư đoàn là Tiểu đoàn bộ binh 5 của Trung đoàn 24 do Trung đoàn phó Lê Văn Lâm và tiểu đoàn trưởng Phạm Quang Hợi chỉ huy đã bí mật luồn sâu 40km vào hậu phương địch, cắt đứt đường 7 từ phía sau.
8 giờ sáng ngày 30/12/1978, khi tiểu đoàn tới En ni Mít cách đường 7 chừng 5 km thì bị địch phát hiện Cả một trung đoàn quân Khmer Đỏ dàn quân bao vây Tiểu đoàn 5.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong suốt ngày 30/12. Cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 5 mặc dù bị áp đảo về quân số, nhưng đã kiên cường bám trụ, đánh lui 13 đợt phản kích của địch. Lúc này, quân ta chưa phát động phản công trên toàn tuyến, nên địch có điều kiện dồn lực lượng về bao vây, định nuốt gọn tiểu đoàn 5.
Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe lệnh cho công binh khẩn trương mở đường để đưa pháo lên phía trên bắn hỗ trợ cho Tiểu đoàn 5, yêu cầu đơn vị giữ vững trận địa, cầm chân địch, chờ đại quân ta tấn công vào ngày hôm sau.
Trên hướng tấn công của Trung đoàn bộ binh 66, đã xảy ra tổn thất lớn về cán bộ: Đêm 29/12/1978, Sư đoàn phó Vũ Đình Thước cùng đoàn cán bộ của Trung đoàn 66 đi lên chiến tuyến nghiên cứu hướng đột phá cho đơn vị thì bị địch phát hiện.
Quân Polpot cho nổ mìn, và bắn như vãi đạn về phía ta. Sư đoàn phó Vũ Đình Thước, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Phương Đức Từng bị thương nặng, một số chiến sỹ ta bị thương vong.
Bất chấp những khó khăn của lực lượng luồn sâu và tổn thất của mũi phối hợp, kế hoạch tấn công của Sư đoàn 10 vẫn được diễn ra đúng thời gian cấp trên qui định.
Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K - Ảnh minh họa
Tấn công toàn tuyến, thần tốc chiếm sở chỉ huy địch
5 giờ 30 phút sáng ngày 31/12/1978, lệnh tấn công trên toàn mặt trận được phát ra, cùng với các đơn vị bạn, những cánh quân của Quân đoàn 3 trên toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh đã đồng loạt nổ súng tấn công.
Mở đầu trận đánh, pháo binh của Sư đoàn đã tới tấp nã đạn vào tuyến phòng thủ của địch và Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 ở Mô Lu. Kết hợp cùng pháo binh, Không quân ta cũng ném bom vào Sở chỉ huy quân địch ở Mô Lu, thị trấn Suông, Kampong Chàm.
Trong lúc pháo binh và không quân ném bom, bắn phá các mục tiêu địch, bộ binh và xe tăng , xe thiết giáp của Sư đoàn cũng được lệnh tấn công đánh thẳng vào tuyến phòng thủ của địch ở Bắc đường 7.
Trên hướng tấn công chủ yếu của Trung đoàn 66, bộ binh và xe tăng ta tập trung hỏa lực bắn phá liên tục vào các trận địa chốt của địch. Trước sức tấn công dũng mãnh của quân ta, tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Thừa thắng xông lên, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Bùi Thanh Sơn lệnh cho tiểu đoàn 9 phát triển đánh chiếm ngã ba Stoang, tiểu đoàn 7 cùng xe tăng, xe thiết giáp đánh vào Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận đường 7 ở nam Mô Lu.
Bị hỏa lực của ta đánh mạnh, bọn địch ở Sở chỉ huy Mặt trận đường 7 (có cả cố vấn Trung Quốc) phải vứt lại đồ đạc, tài liệu, vũ khí để tháo chạy. Xe tăng, xe thiết giáp chở bộ binh của ta tiếp tục xông lên truy kích, tiêu diệt rất nhiều tên địch.
10 giờ sáng ngày 31/12/1978, Trung đoàn 66 đã chiếm được ngã tư Công Cang (giao điểm giữa đường 7 và đường 24). Khi phát triển tới ngã ba Chrum, các chiến sỹ đại đội 3 phát hiện 2 xe thiết giáp chở đầy lính đang mở hết tốc độ tháo chạy về phía thị trấn Suông.
Lập tức, quân ta vận động chặn đánh, 2 chiếc xe địch hoảng sợ lao cả xuống đầm nước chạy trốn nhưng cũng không thoát. Các chiến sỹ đại đội 3 đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ bọn địch này.
Trong khi đó, mũi tấn công của tiểu đoàn 7 (có xe tăng, xe thiết giáp tăng cường) dưới sự chỉ huy của Trung đoàn phó Vũ Minh Thái tiếp tục tiến đánh Sở chỉ huy Sư đoàn 450 ở Kra Nhung, bọn địch ở đây chống trả yếu ớt rồi cũng bỏ chạy. Quân ta thu được rất nhiều vũ khí, xe cộ …
Mũi tiến công của tiểu đoàn 7 tiếp tục đánh theo đường 7 về hướng thị xã Kampong Chàm. Đến 17 giờ ngày 31/12/1978, những chiếc xe tăng, xe bọc thép chở theo cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 7 đã phát triển tới thị trấn Suông, bắt liên lạc được với cánh quân của Sư đoàn 320 từ hướng Đầm Be đánh xuống.
Ở hướng tấn công của tiểu đoàn 9, sau khi pháo binh bắn, tiểu đoàn cùng xe thiết giáp đánh thẳng vào cụm quân địch ở ngã ba Stoang. Sau 30 phút chiến đấu, tiểu đoàn đã chiếm được ngã ba, và tiếp tục phát triển theo đường 7, chiếm Âm Púc.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bộ binh 10, Quân đoàn 3 hôm nay
Xe tăng địch "hành quân" giữa đội hình quân ta
Trên hướng phối hợp của Trung đoàn 28 ở sườn bên phải, sáng 31/12/1978, sau khi được lệnh tấn công, Tiểu đoàn 2 đã dùng đại đội 6 đánh chiếm trận địa pháo địch ở bản Luông, đại đội 7 tấn công quân địch ở điểm cao 113, đại đội 5 chốt chặn địch ở bản Dài.
Trong khi đó, Tiểu đoàn 1 dùng hỏa lực tấn công địch ở điểm cao 125. Bị tấn công bất ngờ cả ở phía trước và phía sau thế trận của địch đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Lúc 7 giờ sáng ngày 31/12, Trung đoàn đã chiếm được điểm cao 113 và trận địa pháo ở bản Luông. Bị mất một số vị trí, địch rút về tuyến công sự ở phía sau tổ chức chống trả.
Trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua lệnh cho tiểu đoàn 1 dùng xe tăng, xe thiết giáp tiếp tục đột phá vào tuyến phòng thủ thứ hai của địch ở điểm cao 114 và 125. Địch tuy có tổ chức chống trả nhưng vẫn không chặn được các mũi tấn công của ta.
Đến 11 giờ trưa ngày 31/12, tiểu đoàn 1 đã làm chủ được các điểm cao 114 và 125. Lúc này, ban chỉ huy mũi phối hợp nhận được thông báo từ Sư đoàn: Cánh quân chủ công của Trung đoàn 66 đã phá vỡ được tuyến phòng thủ của địch ở đường 7, đang truy kích địch tháo chạy về hướng Kampong Chàm.
Nhận thấy thời cơ phát triển tiến công đang thuận lợi, Trung đoàn trưởng Vũ Khắc Đua lệnh cho tiểu đoàn 1 cùng 6 xe tăng, xe thiết giáp tiếp tục phát triển tiến công ra hướng đường 7 để phối hợp với cánh quân của Trung đoàn 66.
16 giờ ngày 31/12, tiểu đoàn 1 tổ chức tấn công cụm quân địch ở căn cứ Krếc 2, và đánh chiếm mục tiêu chỉ sau 45 phút. Phát triển tiến công, Trung đoàn 28 đánh tiếp sang Krếc 1. Mặc dù quân địch ở Krếc 1 chống trả quyết liệt, nhưng được sự chi viện của pháo binh Sư đoàn, lúc 17 giờ, Trung đoàn 28 đã làm chủ hoàn toàn trận địa.
Tối ngày 31/12, biết tuyến đường 7 ở phía sau đã bị ta chiếm giữ, một xe chở đầy lính và ba xe tăng địch từ phía trước đã xuyên rừng chạy về hướng Kampong Chàm.
Khi tới Mô Lu chúng gặp bộ đội Trung đoàn 28 đang hành quân trên đường. Vì trời tối, xe tăng của ta và địch lại giống nhau, bộ đội ta lầm tưởng là xe tăng của ta nên không đề phòng.
Tuy nhiên, vì luống cuống, những chiếc xe địch đã chèn lên đội hình bộ đội tiểu đoàn 3 đang hành quân để trốn chạy. Lúc này, các chiến sỹ ta mới nhận ra là xe tăng địch. Quân ta lập tức nổ súng tiêu diệt chiếc xe vận tải chở đầy lính.
Về phần ba chiếc xe tăng, chúng chạy thoát lên phía trên nhưng bị xe tăng của Lữ đoàn 273 và các khẩu ĐKZ của Đại đội 15, Trung đoàn 66 chốt chặn ở đây bắn cháy.
Sau một ngày chiến đấu liên tục, tất cả các mũi tấn công của Sư đoàn bộ binh 10 đều lập công xuất sắc, toàn bộ tuyến phòng thủ Mặt trận đường 7 mà địch dày công xây dựng đã bị phá vỡ.
Toàn bộ lực lượng địch, bao gồm 2 sư đoàn 310 và 450 của địch đã bị Sư đoàn 10 đánh thiệt hại nặng. Sở chỉ huy Mặt trận đường 7 bị xóa sổ. Quân ta thu nhiều vũ khí, súng đạn của địch.
Chỉ sau một ngày đêm, Sư đoàn 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của giai đoạn 1 mà Quân đoàn 3 giao cho, mở toang cánh cửa để đại quân ta tiến đánh thị xã Kampong Chàm.
Đêm 31/12/1978, Sư đoàn 10 được lệnh chuyển sang giai đoạn 2: Truy quét địch trên chiến trường K!