Chiến tranh với Iran sẽ là thảm họa lịch sử và những giải pháp để Mỹ "hóa giải"

Thu Hằng |

Một cuộc chiến Mỹ - Iran sẽ là kịch bản tồi tệ nhất của mọi cuộc xung đột ở Trung Đông, vì thế nước Mỹ cần làm gì để hóa giải căng thẳng và bế tắc với Tehran.

16 năm trước, Chính quyền Tổng thống George W. Bush đã ngụy tạo thông tin tình báo để "hù doạ" công chúng Mỹ khiến họ ủng hộ một cuộc chiến chống Iraq. Những đám mây hình nấm mà Cố vấn An ninh quốc gia Condoleezza Rice khi đó cảnh báo đã không xảy ra, nhưng cuộc xâm lược mà phe diều hâu và bảo thủ chờ đợi từ lâu đã được tiến hành.

Nhưng sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, những người Iraq "được giải phóng" đã từ chối các kế hoạch của Mỹ về thành lập một nhà nước bù nhìn của Washington bên bờ sông Euphrates và hậu quả là đã dẫn đến một thảm họa địa chính trị và nhân đạo, tiếp tục gây chấn động Trung Đông.

Hàng ngàn người Mỹ tử vong, hàng trăm ngàn người Iraq thiệt mạng và hàng triệu dân thường phải di dời. Đã xảy ra những cuộc xung đột giáo phái, phá hủy cộng đồng Kitô giáo lịch sử, dẫn đến sự ra đời của khủng bố Al Qaeda ở Iraq, rồi sự hình thành nhóm Nhà nước Hồi giáo cực kỳ nguy hiểm.

Chiến thuật áp lực tối đa

Lúc này chính quyền Trump dường như cũng đang đứng trước con đường mòn đó. Tổng thống đã Trump đã "xé bỏ" thỏa thuận hạt nhân với Tehran và tuyên bố chiến tranh kinh tế đối với nước này cũng như bất cứ ai giao dịch với Iran. Ông đang thúc đẩy nước Mỹ tiến tới chiến tranh ngay cả khi khăng khăng rằng muốn hòa bình.

Đương nhiên, chính quyền Mỹ đổ lỗi cho Iran vì đã không chấp nhận lời đề nghị đàm phán được cho là hào phóng của họ. Tuy nhiên, về phần mình Tehran không có lý do để tin rằng Washington nghiêm túc.

Chiến tranh với Iran sẽ là thảm họa lịch sử và những giải pháp để Mỹ hóa giải - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Khordad 3 của Iran. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây đã đề xuất các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, ngoài việc Iran cần phải hành xử như một "quốc gia bình thường" và chấp nhận nhiều yêu cầu bất khả thi của Washington trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Nói cách khác, Iran cần đầu hàng trước, Mỹ sẽ không đàm phán trong những trường hợp khác. Nhưng tại sao Iran sẽ phải làm như vậy?

Năm ngoái, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015 và tuyên bố chiến tranh kinh tế. Sau đó, ông tuyên bố Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, một tổ chức quân sự tinh nhuệ của Iran, là tổ chức khủng bố.

Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng ông muốn đàm phán: "Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ. Chúng tôi đang tìm kiếm không có vũ khí hạt nhân". Nhưng chính sách của ông Trump lại đang thực sự thúc đẩy Tehran mở rộng chương trình hạt nhân.

Washington cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ buộc Iran phải đầu hàng tại bàn đàm phán hoặc sụp đổ giữa xung đột chính trị - xã hội.

Nhưng thay vì "nổ tung", Iran dường như đang lặp lại chính sách của mình vào những năm 2000. KHi đó, sau khi chính quyền Tổng thống Bush từ chối đàm phán, Tehran đã tăng đòn bẩy bằng cách lắp thêm máy ly tâm và mở rộng kho dự trữ uranium đã làm giàu.

Thông báo gần đây của Teheran rằng họ sẽ dần dần ngừng tuân thủ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) cho thấy họ dường như bắt đầu một quy trình tương tự.

Chiến tranh với Iran sẽ là thảm họa lịch sử và những giải pháp để Mỹ hóa giải - Ảnh 2.

Iran công bố xác máy bay Mỹ bị bắn hạ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cuộc chiến thua – thua

Để phát động chiến tranh, Chính quyền Mỹ phải có sự chấp thuận của quốc hội, theo đạo luật Ủy quyền sử dụng lực lượng quân sự mà Quốc hội đã thông qua sau loạt vụ khủng bố 11/9/2001.

Quan trọng hơn, Washington cũng không muốn gây chiến với Iran, quốc gia lớn hơn Iraq, có dân số gấp ba lần và là một cường quốc khu vực. Tehran sở hữu vũ khí, tên lửa và các đồng minh có thể gây hỗn loạn khắp khu vực. Các lực lượng Mỹ ở Syria và Iraq sẽ dễ bị tổn thương, trong khi sự ổn định của Baghdad có thể gặp nguy hiểm.

Iran cũng không mong muốn chiến tranh, cuộc chiến mà họ có nguy cơ cao sẽ thua. Tuy nhiên, chính sách kinh tế và quân sự mạnh mẽ của Washington đã tạo ra áp lực buộc Tehran phải đáp trả.

Đặc biệt, các lệnh trừng phạt được thiết kế để phá vỡ nền kinh tế, các động thái quân sự chuẩn bị cho chiến tranh của Mỹ gần như chắc chắn đã khiến những người theo phe cứng rắn, bao gồm cả Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, càng được ủng hộ ở Tehran.

Washington nên làm gì?

Theo tờ National Interest, thay vì tiếp tục một vòng xoáy quân sự, Washington nên xoa dịu căng thẳng Vùng Vịnh. Chính quyền Mỹ đã khiến Trung Đông sôi sục, họ có thể làm nguội nó.

Washington nên từ bỏ lựa chọn quân sự, đề nghị tổ chức các cuộc thảo luận đa phương với các quốc gia tiêu thụ dầu, các công ty năng lượng và các nhà khai thác tàu chở dầu để thiết lập an ninh hải quân chung ở các tuyến đường thủy nhạy cảm, bao gồm cả ở Trung Đông.

Do nước Mỹ sản xuất năng lượng ở trong nước ngày càng tăng, vấn đề an ninh cho các tuyến vận tải dầu mỏ không còn được coi là trách nhiệm của Washington. Các quốc gia công nghiệp giàu có khác cũng nên làm những gì cần thiết cho an ninh kinh tế của họ.

Chính quyền cũng cần đưa ra một đề nghị nghiêm túc cho các cuộc đàm phán. Sẽ không dễ dàng bởi Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố đàm phán không có lợi ích gì và còn gây hại. Ông lập luận rằng các cuộc đàm phán là một chiến thuật áp lực của Mỹ.

Nếu Tổng thống Trump mong muốn các cuộc đàm phán nghiêm túc với Tehran, thì ông nên chứng minh rằng ông không yêu cầu Iran phải "đầu hàng" trước. Chính quyền nên tạm dừng chiến dịch áp lực tối đa và đề xuất các cuộc đàm phán đa phương về việc thắt chặt thỏa thuận hạt nhân để đổi lấy các nhượng bộ bổ sung của Mỹ và đồng minh.

Song song với đó, Washington nên đề xuất các cuộc đàm phán để giảm căng thẳng trong các vấn đề khác. Nhưng thực sự không nên có điều kiện tiên quyết, do đó Tổng thống nên ném danh sách điều kiện của ông Pompeo vào lò sưởi Nhà Trắng.

Để đáp lại việc Iran sẵn sàng từ bỏ hành vi đối đầu trong khu vực, Mỹ cần đề nghị có hành động đối ứng, chẳng hạn sẵn sàng cắt giảm bán vũ khí cho Saudis và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, chấm dứt hỗ trợ cho cuộc chiến Yemen và rút lực lượng Mỹ khỏi Syria và Iraq.

Tehran có mối quan tâm lớn hơn nhiều đối với an ninh khu vực so với Mỹ, điều mà Washington phải tôn trọng nếu muốn tìm cách giải giáp Iran một cách hiệu quả. Chính quyền nên mời người châu Âu tham gia một sáng kiến ​​như vậy, vì họ có lý do thậm chí còn lớn hơn để lo lắng về tên lửa của Iran.

Chiến tranh với Iran sẽ là thảm họa lịch sử và những giải pháp để Mỹ hóa giải - Ảnh 4.

Máy bay do thám MQ-4C cùng loại mà Mỹ tuyên bố bị Iran bắn hạ trong khi Tehran thông báo chiếc máy bay đó là RQ-4A. Ảnh: AP

Trong chính sách đối ngoại với các nước thù địch, Chính quyền Tổng thống Trump về cơ bản đã áp dụng bộ tiêu chuẩn là áp lực kinh tế lớn và kêu gọi đầu hàng. Cách tiếp cận này đã thất bại trong mọi trường hợp.

Washington đã gây ra khó khăn kinh tế to lớn, nhưng không có chế độ mục tiêu nào phải đầu hàng. Ở Iran, cũng như Triều Tiên, chính sách của Mỹ chỉ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột.

Chiến tranh sẽ là một thảm họa. Thay vào đó, Chính quyền Mỹ phải kiên nhẫn khi muốn thay đổi hành động của một chính phủ mà động cơ của họ Mỹ cũng chưa hiểu rõ. Đều đó đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải nhanh chóng xây dựng một chiến lược mới nghiêm túc, khả thi hơn đối với Tehran.

https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-tranh-voi-iran-se-la-tham-hoa-lich-su-va-nhung-giai-phap-de-my-hoa-giai-20190627003451874.htm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại