Căng thẳng đã trở lại ở Vịnh Ba Tư giữa Mỹ và Iran sau khi Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm ngoái; áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngành kinh tế quan trọng của Tehran và chỉ định lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) là một tổ chức khủng bố.
Tất cả những hành động này đã dẫn đến việc Iran phải đối mặt với viễn cảnh kinh tế suy thoái nghiêm trọng, tác động đến cán cân quyền lực trong nội bộ chính trị và dẫn đến loạt phản ứng trả đũa Mỹ.
Tehran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ như một cách để gửi thông điệp cứng rắn, nhưng đồng thời tránh sự trả đũa ồ ạt từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Những cuộc tấn công này có thể dẫn đến xung đột giữa Mỹ và Iran, không chỉ tác động đến an ninh và sự ổn định ở Vịnh Ba Tư mà còn đối với lợi ích của Nga ở Trung Đông, theo International Policy Digest.
Bất hòa
Mỹ và Iran đã có quan hệ bất hòa trong bốn thập kỷ qua và Vịnh Ba Tư không phải là khu vực duy nhất mà hai nước nằm ở thế đối đầu nhau.
Ở Syria, Mỹ đang cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Iran khi cuộc chiến tại đây dần lắng xuống. Theo đó, Mỹ đang cố gắng tận dụng căng thẳng Nga-Iran để đạt được mục đích.
Iran và Nga - với tư cách là những quốc gia ủng hộ Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria - đã liên kết chặt chẽ để bảo vệ chính quyền trong vài năm qua. Dẫu vậy, những căng thẳng mới đã xuất hiện khi cả hai nước đang cố gắng gây dựng ảnh hưởng nhiều hơn ở Damascus trong giai đoạn hậu chiến tranh.
Khi căng thẳng nổi lên trong quan hệ hợp tác Nga-Iran tại Syria, vai trò của Mỹ bắt đầu lộ rõ.
Tuần này, các quan chức an ninh hàng đầu từ Mỹ, Israel và Nga đã họp tại Jerusalem để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Iran, cũng như sự hiện diện của quốc gia này tại Syria.
Mỹ dường như coi đây là cơ hội để "thọc gậy" vào mối quan hệ Moscow và Tehran.
Khi căng thẳng đang xuất hiện ở Vịnh Ba Tư giữa Mỹ và Iran, Washington quyết tâm kiềm chế Iran cả ở Syria và eo biển Hormuz bằng cách tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực và gửi một tàu sân bay vào tháng trước.
Nhưng mục đích của Washington trong việc khắc chế Iran sẽ không đơn giản chỉ là dùng sức mạnh mà không có sự giúp đỡ của Moscow. Câu hỏi quan trọng là liệu Mỹ có thể khai thác thành công căng thẳng giữa Iran và Nga hay không?
Tính toán của Nga
Nga và Iran về cơ bản không phải là đồng minh (hai nước có lịch sử cạnh tranh lâu dài trong thời kỳ đế chế), đặc biệt là ở Syria. Do đó, một số nhà phân tích và nhà bình luận tin rằng Moscow sẽ có thể lựa chọn một trong hai bên giữa căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay.
Một số quan điểm đi xa hơn, lập luận rằng, những căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Iran ở Vịnh Ba Tư là cơ hội để Nga tăng xuất khẩu dầu mỏ nhằm khỏa lấp khoảng trống mà Iran để lại do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Căng thẳng Mỹ-Iran có những lợi ích cho Nga.
Gần đây, Tổng thống Vladimir Putin cũng ngụ ý rằng, Iran không nên dựa vào Nga trong căng thẳng hiện tại với Mỹ. Cũng có thông tin cho rằng Moscow đã từ chối đề nghị bán S-400 cho Tehran (hai nước đã lên tiếng bác bỏ).
Tuy nhiên, những điều trên cũng chưa chắc chắn sẽ là một sự đảm bảo rằng người Nga sẽ ngả theo Mỹ để chống lại Iran.
Khía cạnh đáng quan tâm ở đây đó là: Mỹ và Israel sẽ trao đổi gì để đổi lấy việc hợp tác với Moscow trong việc giảm dấu chân của Iran ở Syria. Cùng với đó, Nga cũng tự đặt ra câu hỏi rằng, một sự đánh đổi với Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu chiến lược của mình ở Trung Đông hay không.
Đánh đổi
Quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức thấp mọi thời đại, bắt đầu từ những bất đồng trong việc sáp nhập Crimea vào năm 2014, cho đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử năm 2016, xung đột ở Syria v.v…
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga về các vấn đề nói trên, tuy nhiên Tổng thống Putin chưa bao giờ cho thấy ông sẽ khuất phục trước áp lực để thay đổi chính sách đối ngoại.
Đây có thể là một lĩnh vực mà sự đánh đổi có thể xảy ra, nơi Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt (có thể là một vài trong số đó) để đổi lấy sự hợp tác giữa Mỹ và Nga chống lại Iran.
Nhưng đây mới là vấn đề khó. Mặc dù Tổng thống Trump từng nhiều lần khẳng định rằng, gây dựng lại quan hệ tốt đẹp với Nga là điều có lợi cho nước Mỹ, nhưng khả năng của ông luôn bị bó hẹp khi Quốc hội mới là nơi quyết định tất cả.
Do đó, ít có khả năng chính quyền Trump đánh đổi lệnh trừng phạt để tìm kiếm sự hợp tác từ phía Moscow.
Thứ hai, mặc dù Nga trong quá khứ đã từng đánh đổi Iran để tìm cách cải thiện quan hệ với Mỹ nhưng chưa lần nào thành công. Sẽ không có lý do nào để Moscow lại một lần nữa mạo hiểm quan hệ đối tác với Iran để đáp ứng người Mỹ vào lúc này.
Thay vì là một đối tác tích cực của Mỹ trong căng thẳng với Tehran và đẩy ra Iran ra khỏi chiếc thuyền đang đi cùng nhau, điều khả dĩ nhất có thể xảy ra là Moscow đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran để giải tỏa căng thẳng.
Quan hệ giữa Iran và Nga rất phức tạp. Nó không phải là một liên minh chiến lược và hai nước không phải lúc nào cũng có chung lợi ích ở Syria, nhưng cả hai lại có chung một số lợi ích vượt ra ngoài quốc gia Trung Đông. Bất chấp việc có sự khác biệt ở Syria, cả hai sẽ không từ bỏ quan hệ đối tác.
Trong ngắn hạn, Nga có thể hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ-Iran hiện tại như tăng cường chỗ đứng ở Syria, tăng xuất khẩu dầu, nhưng Moscow không sẵn sàng làm xấu thêm quan hệ đối tác với Iran vì lợi ích chung của cả hai.
Vì vậy, dựa vào Moscow để buộc Iran ra khỏi Syria không phải là một bước đi khôn ngoan của Tổng thống Trump.