Mặc dù Mỹ liên tục đưa ra những lời đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ về kế hoạch mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga nhưng các chuyên gia quân sự ở cả hai nước này đều cho rằng S-400 vẫn là hệ thống phòng không tốt nhất thế giới hiện nay.
Thậm chí họ còn khẳng định các tổ hợp mà Mỹ chào bán thay thế không thể so sánh được với hệ thống đã được kiểm nghiệm này của Nga.
Chia sẻ trên hãng thông tấn Anadolu Agency, cựu Phó Tư lệnh Không quân Ấn Độ (IAF) Kapil Kak và nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Liên ngành (ISI) của Pakistan, tướng Ehsanul Haq đều cho rằng việc Mỹ cố gắng can thiệp vào các quốc gia có chủ quyền sẽ chỉ phản tác dụng.
Cả hai cựu quan chức trên đều tin rằng cách hành xử của Mỹ đã xâm phạm đến quyền tự quyết của các quốc gia này.
"Quan điểm của tôi là Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ phải bảo vệ tinh thần tự chủ trong các quyết định chiến lược của mình. Họ khó mà tuân theo mệnh lệnh của Mỹ về vấn đề S-400. Chính quyền Mỹ nên tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề và nên tiếp tục duy trì các quan hệ chính trị và quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ", tướng Ehsanul Haq nói.
Mỹ và các nước thành viên NATO lo ngại Nga có thể thu thập các bí mật của máy bay chiến đấu NATO qua thương vụ bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: DW
Phó Tư lệnh Không quân đã nghỉ hưu Kapil Kak, người từng tham gia vào các chương trình hoạch định chiến lược của Ấn Độ cho biết, xét trên khía cạnh bám bắt mục tiêu, các tham số về độ cao và khu vực bao quát thì S-400 là hệ thống tốt nhất thế giới.
Ông Kapil Kak cũng nói rằng việc Mỹ chào bán hệ thống Patriot thay thế cho Ấn Độ không phải là một lựa chọn đáp ứng được các yêu cầu chiến lược của New Delhi.
"Các tính toán của tôi cho thấy, S-400 ưu việt hơn bất cứ hệ thống phòng không nào, kể cả hệ thống Patriot của Mỹ. Tất nhiên, điều đó cũng còn phụ thuộc vào biến thể Patriot mà Mỹ chào bán", ông Kapil Kak bình luận.
"Nhưng với S-400, chúng tôi hiểu được giá trị của nó là như thế nào. Patriot đã từng được sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh và được nâng cấp sau đó. Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi được biết, nó không tốt hơn S-400. Vì vậy tôi không nghĩ Patriot sẽ hấp dẫn Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ".
Theo cựu quan chức Không quân Ấn Độ, việc Mỹ lập luận rằng thương vụ S-400 sẽ làm lộ cấu hình của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 là không có cơ sở. Đều là các thành viên của NATO nên Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ buộc phải tuân thủ Hiệp định Tương thích và An ninh Truyền thông (COMCASA), một thỏa thuận được ký kết để đảo bảo an toàn cho các thiết bị quân sự Mỹ.
Ấn Độ cũng đã ký hiệp định này vào tháng 9 năm ngoái sau cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước ở New Delhi. Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng đã đưa ra các giải pháp thay thế cho Ấn Độ.
"Trước đây, Mỹ đã chào hàng cho chúng tôi không chỉ máy bay F-21, biến thể nâng cấp của F-16 mà còn cam kết sẽ thiết lập dây chuyền sản xuất tại Ấn Độ. Vì vậy Ấn Độ có thể trở thành nhà xuất khẩu dòng máy bay này", Kapil Kak cho biết.
Lời đề nghị xây dựng dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ đúng là một khoản mời chào hấp dẫn nếu xét tới thực tế có khoảng 4.000 chiếc F-16 và F-21 trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khi quyết định mua các máy bay Rafale của Pháp, IAF đã từ chối thương vụ F-16 với Mỹ. Tháng 4/2015, Ấn Độ đã mua 36 tiêm kích Rafale trong khi từ chối mua của Mỹ hay các quốc gia khác.
Nga thử nghiệm tên lửa S-400 tại trường bắn Kamchatka