Chiến sự Syria: Liều lĩnh tấn công quân nhân Nga, phiến quân đối diện đòn mưa bay bão đạn ở Latakia

Vũ Thu Hương |

Máy bay của lực lượng Không gian Vũ trụ Nga đã phát động cuộc không kích nhằm vào các phiến quân ở tỉnh Latakia, Tây Bắc Syria.

Theo Bulgarian Military, các máy bay của lực lượng Không gian Vũ trụ Nga đã phát động cuộc không kích nhằm vào các phiến quân ở tỉnh Latakia, Tây Bắc Syria, sau khi cuộc tuần tra quân sự Nga bị phiến quân tấn công.

Vào sáng 14/7, một số quân nhân của lực lượng quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria bị thương do trúng bom trên đường tuần tra. Vụ đánh bom nhắm vào chiếc xe bọc thép của lực lượng vũ trang Liên bang Nga và xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ba quân nhân Nga bị thương nhẹ và được đưa đến căn cứ không quân Khmeimim.

Trong cuộc đánh bom này, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị thương nhưng chi tiết chưa được báo cáo. Theo phía Nga, phiến quân đặt thiết bị nổ dọc theo tuyến đường mà xe bọc thép đi qua.

Cùng ngày, quân đội Syria đã bắt giữ ba chiến binh của tổ chức cực đoan Magavir al-Saura. Những nhân vật này được đưa đến thành phố Tadmor, nằm gần Palmyra. Những kẻ bị bắt giữ nằm trong nhóm vũ trang đã vướng vào một bãi mìn.

"Nhóm của chúng tôi gồm có tám người, bảy chiến binh và một người hướng dẫn buôn lậu và vận chuyển ma túy. Chúng tôi đang đi xe máy thì đâm vào một bãi mìn", tay súng Jasem al-Ali cho biết.

Theo tay súng này, thủ lĩnh của nhóm và 2 người đàn ông khác đã chết do mìn nổ.

"Chúng tôi bị lạc và không biết đường đi vì chỉ huy của nhóm đã chết. Chúng tôi cố đi tìm lối thoát nhưng đang đi thì bị bắt và quân đội Syria đưa chúng tôi đến đây", một người bị giam giữ giải thích. Tuy nhiên, sau đó, người đàn ông này thừa nhận nhóm của ông đang thực hiện nhiệm vụ gián điệp.

Những kẻ cực đoan đang nỗ lực thu thập dữ liệu các cơ sở quân sự của Nga, Iran và Syria. Và đúng như lời phiến quân thừa nhận, những chiến binh này được điều đến tỉnh Rakka, thành phố Al Mansoura. Và, điểm đến đầu tiên của những người này nhắm tới là làng Al-Tanf.

Những người bị giam giữ nói rằng chỉ huy đã trả công họ một khoản tiền lớn, tới hàng ngàn USD để thực hiện nhiệm vụ, nhưng chỉ huy của nhóm vẫn giữ tiền.

"Thủ lĩnh trúng mìn chết và chúng tôi đã mất tất cả mọi thứ", ông Abdullah al-Mishuat nói với các phóng viên.

Trước đó, phòng không của căn cứ quân sự Liên bang Nga ở Khmeimim đã chặn và phá hủy hai máy bay không người lái tấn công. Theo RIA Novosti, bộ Ngoại giao Nga gọi cuộc tấn công này là một cuộc tấn công khủng bố.

Không thể nhân nhượng với những kẻ khủng bố, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nói với các phóng viên. Nhà ngoại giao khẳng định, an ninh quân sự và thường dân Nga đang ở Syria là điều đáng lưu tâm hơn cả.

Căn cứ Nga không bị phá hoại do phòng không Moscow đã chặn mục tiêu từ khoảng cách vài km.

Hồi cuối tháng 6, một cuộc tấn công khác của phiến quân cũng đã nhằm vào căn cứ không quân Nga. Cùng với lực lượng phòng không Syria, hai chiếc máy bay không người lái đã bị bắn hạ khi đang cố gắng tiếp cận Khmeimim. Không có thương vong từ vụ tấn công và căn cứ không quân tiếp tục hoạt động bình thường.

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Syria, ông James Jeffrey, trong một cuộc hội thảo trực tuyến tại viện Trung Đông, nói rằng Mỹ đã không tìm cách hạn chế sự hiện diện của Nga ở Syria.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, Mỹ không xem xét rút quân khỏi Cộng hòa Ả Rập, người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận.

Ông Jeffrey cũng nói về các lệnh trừng phạt quy mô lớn mới của Mỹ đối với Syria. Ông cho rằng các lệnh trừng phạt không nhắm đến nền kinh tế của Cộng hòa Ả Rập.

Cuộc chiến khó có hồi kết ở Syria

Hồi tháng 2, ít nhất 62 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và gần 100 binh sĩ khác bị thương tại Syria. Ngoài ra, hàng chục xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị phá hủy, hàng chục máy bay không người lái bị bắn hạ. Washington đã nhiều lần cáo buộc Moscow liên quan đến cái chết của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên Nga bác bỏ những cáo buộc này.

Đầu tháng 3, Tổng thống Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vladimir Putin và ông Recep Tayyip Erdogan, đã ký kết một thỏa thuận, theo đó lệnh ngừng bắn có hiệu lực tại khu vực xuống thang Idlib.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau đó nói rằng nếu quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không rời khỏi đất nước, Damascus sẽ có thể sử dụng vũ lực.

Lý do đưa đến các cuộc đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là sự gia tăng căng thẳng ở Idlib. Hồi tháng 1, một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhằm vào các vị trí của phe đối lập vũ trang và khủng bố đã bắt đầu.

Các lực lượng chính phủ đã chiếm lại gần một nửa khu vực xuống thang Idlib và để lại một số trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, Ankara tăng mạnh đội ngũ quân sự trong khu vực và triển khai chiến dịch nhằm đẩy lùi quân đội Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại