Những tên lửa đáng gờm của Iran
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran – Tướng Mohammad Hossein Bagheri đã hoàn tất thỏa thuận hợp tác phòng không với Syria – đối tác quốc phòng hàng đầu của Tehran trong thế giới Ả Rập, trong đó Iran cam kết sẽ giúp Syria củng cố năng lực phòng không.
Thỏa thuận này đạt được sau cuộc gặp giữa ông Bagheri với Tổng thống Syria Bashar Al Assad tại Damascus. Ông Assad cho biết, quyết định được đưa ra dựa trên "nhiều năm hợp tác chống khủng bố" giữa hai phía tại Syria sau làn sóng nổi dậy của phiến quân Hồi giáo từ năm 2011.
Tướng Bagheri cho biết, thỏa thuận sẽ "nâng cao quyết tâm của Iran-Syria nhằm đối phó với áp lực từ Mỹ" nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
Iran đã xây dựng sự hiện diện tại Syria và đóng góp vào các nỗ lực chống lực lượng nổi dậy kể từ những ngày đầu nhen nhóm.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria từ năm 2015 và hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad đẩy lùi các nhóm phiến quân thánh chiến nhưng trong phần lớn trường hợp, Moscow vẫn "nhắm mắt làm ngơ" trước các cuộc không kích của Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc một số thành viên khác của NATO nhằm vào các mục tiêu Syria và Iran.
Mạng lưới phòng không của Syria hiện nay đã đánh chặn thành công một số cuộc tấn công tên lửa với độ ổn định cao, các hệ thống phòng không tầm xa S-200 ít ỏi của Damascus đã ít nhất một lần bắn hạ máy bay Israel xâm phạm không phận nước này.
Tuy nhiên, S-200 chủ yếu được thiết kế để ngăn chặn các loại máy bay hỗ trợ như máy bay cánh báo sớm, thay vì các loại chiến đấu cơ của đối phương.
Ngoài hệ thống S-200 đã già nua, Syria đang thiếu hụt các hệ thống phòng không tầm xa có khả năng đối phó với các cuộc xâm nhập của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ vào không phận nước này.
Mặc dù Damascus đã triển khai S-300PMU2, tổ hợp tên lửa phòng thủ tinh vi có thể tấn công các mục tiêu cách xa trên 200km và ở tốc độ Mach 14 nếu nó được trang bị loại đạn tên lửa mới nhất, nhưng nhìn chung hệ thống này vẫn nằm dưới sự giám sát của Nga kể từ khi nó được Moscow chuyển giao vào năm 2019.
Trong khi đó, Moscow không sẵn lòng vì ra mặt thay đồng minh mà để xảy ra rủi ro ngoại giao với Tel Aviv hay Ankara. Do vậy, có thể thấy là S-300 vẫn "im hơi lặng tiếng" bất chấp các cuộc không kích nhằm vào lãnh thổ Syria.
Hệ thống phòng không Bavar-373. Ảnh: MW
Theo tạp chí MW, Iran hiện đang có trong tay một số hệ thống phòng không tầm trung và tầm xa có tiềm năng tăng cường đáng kể năng lực phòng không của Syria, cho phép Damascus không còn phải phụ thuộc vào mình tên lửa S-300.
Có thể kể đến tên lửa Khordad 3 từng bắn hạ máy bay không người lái MQ-4 Global Hawk trị giá hơn 200 triệu USD vào mùa hè năm 2019, khiến Mỹ "trả giá đắt" vì xâm phạm không phận Iran, hay tên lửa tầm xa Bavar-373 mà Tổng thống Iran Hassan Rouhani từng tuyên bố "ưu việt hơn S-300, có thể cạnh tranh với S-400 Nga và tổ hợp Patriot của Mỹ".
(Tuy nhiên, theo MW, các phương thức chống tác chiến điện tử của Bavar còn thua kém S-300, tên lửa của hệ thống này cũng có tốc độ chậm hơn, không thể vượt quá Mach 9. Ngoài ra, Bavar chỉ có thể tấn công đồng thời một phần số lượng mục tiêu).
Một hệ thống tên lửa tầm xa mới nữa cần phải kể đến của Iran là Khordad 15. Có nguồn tin cho biết Khordad 15 sử dụng một số loại đạn tên lửa tương tự Bavar và có tầm bắn tối đa tương tự hệ thống này. Khordad 15 có thể theo dõi cùng lúc 6 mục tiêu và được thiết kế để tấn công máy bay tàng hình ở tầm ngắn.
Hệ thống tên lửa Khordad 15. Ảnh: Wiki
Nhân tố thay đổi cuộc chơi?
Khác với các hệ thống phòng không của Nga, Triều Tiên và Trung Quốc, Iran không có hệ thống theo cơ chế phóng lạnh, tức là tên lửa không thể được phóng theo phương thẳng đứng và không thể tấn công mục tiêu ở tất cả các hướng.
Tuy nhiên, MW cho rằng chúng vẫn có thể đại diện cho một nhân tố thay đổi cuộc chơi tiềm năng đối với cán cân sức mạnh trên bầu trời Syria.
Chưa rõ mức chi phí mà Damascus sẽ phải trả nếu muốn triển khai các tên lửa của Iran, nhưng thỏa thuận dựa đôi bên có thể tồn tại dưới hình thức trao đổi, trong đó Syria cho phép Iran duy trì sự hiện diện với quy mô lớn hơn trên lãnh thổ của mình.
Dù có phải thanh toán trực tiếp bằng tiền đi nữa thì chi phí mà Syria phải bỏ ra sẽ thấp hơn nhiều so với khi mua các hệ thống phòng không Nga.
Cần lưu ý các hệ thống phòng không Iran được thiết kế để có thể tích hợp vào mạng lưới phòng không cùng các tổ hợp của Nga, do đó nếu S-300 Syria được kích hoạt, nó có thể chia sẻ dữ liệu mục tiêu và bổ trợ hiệu quả cho các hệ thống của Iran.
Mặc dù quân nổi dậy trên phần lần lãnh thổ Syria đã bị đánh bại nhưng tình hình tại Idlib [gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ] có thể leo thang bất cứ lúc nào.
Sự hiện diện của các hệ thống phòng không Iran có thể mang lại cho Syria phương thức đối phó hiệu quả cao trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là khi các hệ thống tác chiến điện tử trang bị trên máy bay chiến đấu của Thổ tỏ ra thua kém những hệ thống tương tự trên tiêm kích Israel.
Bên cạnh đó, Ankara còn đang phụ thuộc khá nhiều vào các tiêm kích F-16 thế hệ cũ cùng các UAV tấn công không có khả năng tàng hình.