Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Lộ bí mật lớn, "hàng độc" Armenia diệt hàng loạt UAV TB2 Thổ

Bảo Lam |

Chiến sự Azerbaijan-Armenia không chỉ cho thấy UAV Azerbaijan cực hiệu quả mà tên lửa phòng không của Armenia cũng chẳng vừa. Chiến sự vô cùng gay cấn và bí mật lớn vừa được hé lộ.

Trong bài viết nhan đề "Зачем «Гризли»? Просто сбили: ЗРК «Бук-М2» растерзал турецкие Bayraktar ТВ2 - Tại sao Grizzly? Đơn giản chỉ bắn hạ: Tổ hợp tên lửa phòng không "Buk-M2" đã cắn xé các UAV Bayraktar TB2" đăng trên trang thông tin quân sự Svpressa.ru, chuyên gia người Nga Victor Sokirko đã đưa ra những bình luận sắc sảo.

Theo ông, hy vọng rằng với sự có mặt của lính gìn giữ hoà bình Nga tại Nagorno-Karabakh, chiến sự Azerbaijan-Armenia sẽ lắng dịu và người ta không còn phải nghe thấy tiếng súng, các bên đối đầu cắm lưỡi lê thật sâu xuống đất và cuộc xung đột vũ trang kéo dài từ ngày 27/9/2020 cuối cùng sẽ chấm dứt thực sự.

Và từ giờ, như mọi cuộc chiến tranh, những sự kiện này sẽ được các chuyên gia phân tích mang ra "soi kỹ".

Trong số những kết luận và phân tích đó, ngay bây giờ có thể nói rằng, trong cuộc xung đột này có bóng dáng các kịch bản của những cuộc chiến tương lai, trong đó vị trí dẫn đầu là những vũ khí hủy diệt như UAV.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Lộ bí mật lớn, hàng độc Armenia diệt hàng loạt UAV TB2 Thổ - Ảnh 1.

UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo của Azerbaijan đã diệt được nhiều vũ khí trang bị của Armenia.

Armenia thảm bại trước UAV của Azerbaijan do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel chế tạo

Nhưng như đã biết, bất cứ điều gì cũng có sự khắc chế, giống như "có mâu thì rồi sẽ phải có thuẫn", trong trường hợp này đó là các tổ hợp phòng không có khả năng săn diệt hiệu quả những UAV tấn công.

Nhớ lại những ngày và tuần đầu tiên của cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh - các UAV quân đội Azerbaijan thống trị hoàn toàn bầu trời. Chúng triển khai trinh sát, tiêu diệt chính xác nhiều xe tăng, vũ khí trang bị và những cơ sở quân sự khác của quân đội Armenia.

Chúng như một bầy ong, lượn vòng trên toàn bộ phòng tuyến và sâu bên trong hậu phương của phía Karabakh và thường "chích" cho đối phương những cú đau điếng, khiến họ phải rút lui tại những vị trí quan trọng chiến lược.

Về bản chất, chính các UAV tấn công của Azerbaijan đã có đóng góp quan trọng, giúp cho các đơn vị bộ binh giành được thắng lợi. Và quân đội Armenia ngay từ đầu đã không biết điều đó, và thực tế là họ đã không thể đương đầu với đối thủ cực kỳ khó chịu này.

Armenia có vẻ như không quan tâm tới việc Azerbaijan trong vài năm gần đây tích cực mua sắm từ nước ngoài các loại UAV, thậm chí còn rất tích cực trong vòng hai tháng trước khi cuộc xung đột nổ ra.

Azerbaijan trong một thời gian ngắn đã sở hữu nhiều UAV do Israel sản xuất - Aerostar, Hermes, Heron, Harop, Orbiter 2M. Ba-cu đã chi khoảng 36 triệu USD để mua chúng.

Tuy nhiên, "những ông vua bầu trời" tại Karabakh là chính các UAV tấn công Bayraktar ТВ2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, với tầm hoạt động là 250km, có khả năng mang 2 quả tên lửa chống tăng hoặc 50kg bom.

Đó là những UAV tấn công (UCAV) khá bình thường, thực ra, được người Thổ tự quảng cáo khá tốt, nhưng chính chúng đã khiến những binh lính Armenia khiếp đảm bởi các cuộc tấn công bất ngờ của mình.

Cho tới khi tên lửa Buk-M2 xuất hiện. Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2 do Nga chế tạo (được NATO định danh là SA-17 Grizzly) này đã phá vỡ sự thống trị của các UCAV Bayraktar" trên bầu trời.

Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 tất nhiên không phải phương tiện phòng không duy nhất của Armenia, trong thành phần của quân đội nước này cũng có hệ thống tên lửa phòng không S-300V, tổ hợp tên lửa phòng không Tor-M2KM, S-125, Kub,…, và họ còn có cả những tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Vebra, Igla, Strela-2.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Lộ bí mật lớn, hàng độc Armenia diệt hàng loạt UAV TB2 Thổ - Ảnh 3.

Lực lượng khá hùng hậu của phòng không Armenia, có cả tên lửa S-300 lẫn Buk-M2.

Tuy nhiên, chính Buk-M2 Grizzly do Nga chế tạo có trong biên chế phòng không Armenia đã "cắn xé" được nhiều UAV hơn cả, khoảng 50-60 chiếc. Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung này có những tình năng độc đáo để chống các mục tiêu trên không trung các loại, như máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, và hiện giờ, hoá ra là thêm cả UAV nữa.

Bí mật lớn: Tại sao Armenia không tung Buk-M2 ra ngay từ đầu?

Trước khi chiến sự Azerbaijan-Armenia nổ ra, Erevan sở hữu một vài tổ hợp tên lửa Buk-M2 và nhiều khả năng, từ đầu chỉ được triển khai ở trên lãnh thổ Armenia, chứ không phải tại Nagorno-Karabakh và dường như chúng chỉ được đưa tới chiến trường trong quá trình giao tranh.

Thêm nữa, có thể nói về kinh nghiệm của các kíp chiến đấu để bắn các các mục tiêu kích cỡ nhỏ và tốc độ bay chậm là không nhiều bởi tên lửa Buk-M2 ban đầu được thiết kế để chống lại các mục tiêu trên không "khủng" hơn.

Các kíp chiến đấu tên lửa Buk-M2 Armenia cũng cần phải nghiên cứu cả chiến thuật sử dụng UAV của đối phương để xây dựng cách đánh tiêu diệt, những điều này đòi hỏi mất không ít thời gian. Bởi vậy, những thông tin về các UAV Bayraktar TB2 bị Buk-M2 bắn hạ chỉ xuất hiện khi chiến sự tại Karabakh đã diễn ra được một tháng.

Có cả một tình tiết nữa - ban đầu giới quân sự Armenia xem nhẹ các UAV của Azerbaijan - hệ thống phòng không chỉ chăm chăm truy tìm trên bầu trời Karabakh các tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ hay những chiếc máy cường kích Su-25, hoặc An-2 mà thôi.

Tuy nhiên, sự thành công của việc sử dụng các UCAV và tính hiệu quả của chúng đã khiến họ phải xem lại những thiết bị này và tổ chức "cuộc đi săn".

Dường như những đồng nghiệp phía Nga tại 2 căn cứ quân sự của họ ở Gyumri và sân bay Erebuni, vốn được bảo vệ bởi lưới lửa phòng không đáng tin cậy, trong đó có cả "Buk", đã thúc đẩy các tướng lĩnh Armenia đi tới quyết định đó.

Tới đây, có thể nhớ tới cả kinh nghiệm chống UAV của quân đội Nga ở Syria. Những nỗ lực tấn công căn cứ không quân đầu não tại Khmeimim, Syria thường xuyên được phiến quân tiến hành, tuy nhiên tất cả đều thất bại.

Bằng cả những tổ hợp tên lửa phòng không (áp chế cứng), lẫn những hệ thống tác chiến điện tử (áp chế mềm), Nga đã đánh bật các cuộc tấn công bằng UAV của phiến quân.

Ở Syria, người ta (phòng không Nga và Syria) sử dụng tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1, tổ hợp tên lửa phòng không Osa-AKM, S-125 Pechora-2M, hệ thống trên lửa phòng không tầm xa S-200VE Vega, thêm cả "chiến binh" nặng ký S-400 Triumf.

Trong danh sách này có sự hiện diện của cả các kíp chiến đấu tên lửa phòng không Buk-M2 tầm trung dày dạn kinh nghiệm chiến đấu với UAV, họ có thể chia sẻ những bài học xương máu và cách đối phó hiệu quả với những sĩ quan phòng không Armenia. Tóm lại, UAV không quá đáng sợ như người ta tưởng.

"Hiệu quả của việc sử dụng UAV chỉ có thể đạt được trong trường hợp đối phương không có khả năng đánh trả. Bản thân UAV cũng dễ bị tổn thưởng trước các phương tiện phòng không vì tốc độ bay chậm và khả năng cơ động hạn chế của mình.

Mặt khác, nếu UAV có khả năng thực hiện các cuộc tấn công từ khoảng cách xa, như những UAV "Bayraktar" của Thỗ Nhĩ Kỳ đã làm thì tên lửa phòng không vác vai, vì tầm bắn giới hạn trong 3-5km, sẽ trở nên vô dụng. Cần những tổ hợp tương tự như Buk-M2, với bán kính hoạt động rộng và trần bắn lớn hơn.

Chiến sự Azerbaijan-Armenia: Lộ bí mật lớn, hàng độc Armenia diệt hàng loạt UAV TB2 Thổ - Ảnh 5.

Tổ hợp tên lửa Buk-M2 của phòng không Armenia.

Và như thực tiễn chiến sự có sử dụng chúng tại Karabakh đã chứng minh, đó là vũ khí hiệu quả hơn cả để chống lại các UAV tấn công vào lúc này. Thêm vào đó, cũng tiết kiệm nữa - mỗi quả tên lửa của tổ hợp "Buk" rẻ hơn nhiều so với chiếc UCAV Bayraktar ТВ2.

Ở đây không nên tiết kiệm. Thêm nữa, luôn cần phải rút kinh nghiệm, hi vọng rằng các nhà chiến lược quân sự của chúng ta sẽ đưa ra được những kết luận nhất định trong việc chống lại UAV bằng lực lượng phòng không", chuyên gia, biên tập viên tạp chí "Kho vũ khí Tổ quốc" (Nga), ông Alexei Leonkov nói.

Những tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 mới được coi như phương tiện chủ lực để đánh chặn các tên lửa hành trình bay siêu thấp. Tổ hợp hiện đại hoá được trang bị thiết bị tính toán kỹ thuật số mới, những hệ thống trao đổi dữ liệu tốc độ cao và hệ thống quan sát ảnh nhiệt thay cho quang học đơn giản.

Một tiểu đoàn Buk-M2 có thể theo dõi và bắn cùng lúc hàng chục mục tiêu và tên lửa của chúng có thể đánh chặn gần như tất cả những vật thể bay hiện có, kể cả các loại có khả năng cơ động linh hoạt, trong môi trường nhiễu mạnh.

Tổ hợp tên lửa độc đáo này bắn được mọi góc, còn các tên lửa của nó, ngoài những mục tiêu trên không, có thể bắn hạ cả các mục tiêu trên mặt nước và trên bộ.

Thực tế chiến trường cho thấy nếu Buk-M2 được đưa vào tham chiến sớm hơn, dường như chúng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho UAV của Azerbaijan, nhưng rất tiếc phòng không Armenia đưa át chủ bài ra trận quá muộn, chỉ kịp gỡ gạc đôi chút hình ảnh chứ chẳng thể xoay chuyển cục diện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại