Lật ngược thế cờ, cứu Armenia khỏi thất bại thảm hại trước Azerbaijan: Chỉ có thể là Nga!

Anh Tú |

Khi thuyết phục Azerbaijan cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào khu vực, Moscow cũng đã tự khẳng định vai trò trung tâm trong bất kỳ giải pháp cuối cùng nào cho vấn đề.

Nga đã cứu Armenia khỏi một bàn thua trông thấy!

Thỏa thuận hòa bình ngày 9/11/2020 giữa ArmeniaAzerbaijan liên quan tới cuộc xung đột ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh được coi là một thắng lợi ngoại giao to lớn của Nga.

Ngay hôm thứ Hai trước khi thỏa thuận được ký kết, mọi thứ dường như đang diễn biến theo chiều hướng không tốt cho vị thế của Nga ở Nam Caucasus. Vài tuần sau khi chiến sự bùng phát, Armenia đứng trước nguy cơ thất bại rõ ràng và nhiều khả năng sẽ thua một cách thảm hại.

Tung hỏa lực giáng trả mạnh mẽ vào các lực lượng của Yerevan, đến hôm Chủ Nhật cuối tuần trước, Azerbaijan đã chiếm được thành phố trọng yếu Shusha nằm ở phía Nam Nagorno-Karabakh.

Quân đội Azerbaijan đã khép chặt vòng vây thủ phủ Stepanakert của khu vực tự trị trong bối cảnh tinh thần chiến đấu của quân Armenia rệu rã và suy sụp trông thấy. Một chiến thắng toàn diện cho Azerbaijan là kịch bản gần như chắc chắn sẽ xảy ra.

Mặc dù chưa hẳn đã là thảm họa nhưng những tác động từ chiến thắng này khó có thể được gọi là mang tính tích cực đối với chính sách đối ngoại của Nga. Ngay từ ban đầu, cuộc xung đột đã làm suy yếu uy tín của Nga với tư cách là một đồng minh của Armenia.

Thứ hai, chiến sự ở Nagorno-Karabakh có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm đối với chính nước Nga. Những khu vực ly khai như ở Gruzia và Ukraine sẽ nhìn vào đó và cho rằng vấn đề của họ có thể được giải quyết bằng các biện pháp quân sự tương tự.

Lật ngược thế cờ, cứu Armenia khỏi thất bại thảm hại trước Azerbaijan: Chỉ có thể là Nga! - Ảnh 1.

Đoàn xe của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tới Nagorno-Karabakh. Ảnh: RT

Để yên cho Armenia bị đánh bại hoàn toàn cũng không nằm trong lợi ích của Nga. Mặt khác, Nga cũng không muốn quan hệ với Azerbaijan diễn biến xấu đi chứ đừng nói đến việc gây chiến với nước này.Do đó, trực tiếp trợ giúp cho Armenia không phải là một lựa chọn.

Ngay cả khi Nga đóng vai trò là một bên trung gian hòa giải dường như cũng không thành công, vì Azerbaijan rõ ràng không có nhu cầu hòa giải. Nga tưởng chừng như đã bị mắc kẹt trong tình thế "mất trắng".

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vào đêm thứ Hai (9/11) khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã đạt được thỏa thuận với người đồng cấp Azeri Ilham Aliyev và với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về việc chấm dứt chiến tranh ở Nagorno-Karabakh.

Nghệ thuật đàm phán đỉnh cao giúp Nga giành thắng lợi ngoại giao

Tại sao Armenia chấp thuận đình chiến là điều khá dễ hiểu vì tình hình quân sự khiến họ không còn lựa chọn nào khác. Nhưng lý do để Azerbaijan đồng ý là điều ít rõ ràng hơn vì họ có thể giành được nhiều hơn nữa bằng cách tiếp tục tiến công. Tuy vậy, các điều khoản thỏa thuận mà Nga đưa ra đủ thuận lợi để họ khó từ chối.

Trước khi xảy ra xung đột cuối tháng 9/2020, gần như toàn bộ Nagorno-Karabakh nằm ngoài sự kiểm soát của Azerbaijan còn Armenia chiếm giữ tới 7 huyện liền kề của Azerbaijan.

Khi chiến sự bùng phát, Azerbaijan đã chiếm lại phần phía Nam Karabakh và gần hết 4 huyện nêu trên. Theo các điều khoản của thỏa thuận ngày 9/11, lực lượng vũ trang của mỗi bên sẽ giữ nguyên ở vị trí hiện tại nhưng đến ngày 1/12, Armenia phải giao lại cho Azerbaijan ba huyện còn lại mà nước này vẫn chiếm giữ, gồm Lachin, Kalbajar và Agdam.

Như vậy, trên thực tế thỏa thuận đảm bảo cho Azerbaijan sẽ lấy lại toàn bộ lãnh thổ của mình, ngoại trừ phần phía Bắc Nagorno-Karabakh. Đây có thể coi là một chiến thắng quyết định của Azerbaijan.

Lật ngược thế cờ, cứu Armenia khỏi thất bại thảm hại trước Azerbaijan: Chỉ có thể là Nga! - Ảnh 2.

Phương tiện quân sự Nga lên đường tới Nagorno-Karabakh. Ảnh: RT

Tuy nhiên, thỏa thuận không giải quyết những gì thuộc về phần phía Bắc Nagorno-Karabakh, địa bàn vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người dân địa phương Armenia. Bị cắt giảm xuống chỉ còn một phần nhỏ so với diện tích cũ và bị chia cắt với bên ngoài thì những gì còn lại ở Nagorno-Karabakh khó có thể là một đơn vị khả thi.

Kết nối duy nhất giữa vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh còn lại với Armenia sẽ là một trục đường chạy xuyên qua cái gọi là “Hành lang Lachin”. Tại đây, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ giữ vai trò kiểm soát và chính họ cũng sẽ trực tiếp giám sát tiền tuyến.

Qua dàn xếp hòa bình này, Nga đã cứu Karabakh khỏi bị Azerbaijan chiếm đóng hoàn toàn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Bằng cách đó, Moscow có thể khẳng định họ đã làm những gì có thể để bảo vệ người dân Armenia.

Khi thuyết phục Azerbaijan cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga vào khu vực, Moscow cũng đã tự khẳng định vai trò trung tâm trong bất kỳ giải pháp cuối cùng nào cho vấn đề.

Đồng thời, Nga cũng duy trì được thiện chí với Azerbaijan bằng cách thu xếp một thỏa thuận nhằm khôi phục hầu hết các lãnh thổ đã mất của quốc gia này.

Theo cách nhìn của phương Tây, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga là thứ gì đó mang tính phá hoại, chỉ làm đóng băng xung đột hơn là giải quyết chúng. Thế nhưng, ở Nagorno-Karabakh họ đã đóng một vai trò tích cực, giúp Armenia có thể ký kết được hiệp định hòa bình với mức độ trấn an nhất định.

Tóm lại, Moscow có lý do chính đáng để hài lòng với thỏa thuận ngày 9/11 nhưng cũng không nên cho rằng mọi việc đã ổn thỏa hết.

Giả dụ lệnh ngừng bắn vẫn duy trì được hiệu lực, Armenia sẽ có 5 năm để đàm phán một thỏa thuận với Azerbaijan. Trong thời gian này Nga sẽ có một số chính sách ngoại giao cứng rắn phía trước để cố gắng biến điều đó thành hiện thực.

400 lính gìn giữ hòa bình đầu tiên của Nga đã tới Nagorno-Karabakh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại