Theo SCMP, sự kiện giới thiệu tiêm kích tàng hình J-20B, mới được tổ chức hôm 8.7, có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Trung Quốc, bao gồm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), tướng Zhang Youxia.
Zhang là người chịu trách nhiệm đề ra phương phát triển vũ khí cho quân đội Trung Quốc.
“Tiêm kích J-20B là phiên bản được sản xuất hàng loạt, là chiến đấu cơ tàng hình toàn diện, cực kỳ nhanh nhạy và đáp ứng yêu cầu chiến đấu”, nguồn tin nói trên SCMP. “Điểm đáng chú ý nhất của J-20B là được trang bị hệ thống kiểm soát vectơ lực đẩy (TVC)”.
TVC cho phép phi công kiểm soát máy bay tốt hơn với khả năng chuyển hướng lực đẩy của động cơ. Bước tiến mới là nhờ sự kết hợp giữa công nghệ TVC của Trung Quốc và động cơ AL-31 mạnh mẽ của Nga.
Các kỹ sư Trung Quốc đã tìm cách đưa TVC vào động cơ nội địa WS-15 để trang bị cho tiêm kích J-20, nhưng cho đến nay chưa thành công.
“Động cơ nội địa trang bị cho J-20 vẫn chưa đạt yêu cầu, nhưng chắc chắn tiêm kích J-20 sẽ sử dụng động cơ nội địa trong vài năm tới”, nguồn tin cho biết.
Trung Quốc từng tuyên bố sẽ sản xuất 50 chiếc J-20 trong năm 2019, nhưng trục trặc ở động cơ nội địa khiến kế hoạch bị trì hoãn.
Tuyên bố mới của quân đội Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh có thể đã tiếp nhận được một số lượng lớn động cơ AL-31 trang bị cho tiêm kích J-20.
Ở Mỹ, hãng Lockheed Martin sản xuất tới 134 tiêm kích F-35 tại nhà máy ở Texas. J-20 là mẫu tiêm kích tàng hình với sức mạnh được cho là sánh ngang tiêm kích F-35 và F-22 của Mỹ.
Nhưng những chiếc J-20 đầu tiên chỉ được coi là máy bay đánh chặn, vì động cơ quá yếu kém.
Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô (CAC), khẳng định J-20B sử dụng động cơ Nga là tiêm kích tàng hình đúng nghĩa và CAC đã nhận được đơn đặt hàng lớn từ quân đội.
CAC hiện có 4 dây chuyền sản xuất tiêm kích J-20, mỗi dây chuyền tạo ra 1 chiếc J-20 mỗi tháng.