Cỗ xe tăng bất tử: Chiếm Berlin, tham chiến Triều Tiên, sát cánh cùng T-90 diệt IS ở Syria

Bảo Lam |

Không chỉ là huyền thoại của cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, xe tăng T-34 còn tung hoành trên khắp các châu lục trên thế giới, và gần đây nhất nó lại được phát hiện thấy ở Syria.

Trong nhận thức của số đông, chiếc xe tăng T-34-85 xuất xưởng giai đoạn 1944-1958 gắn liền với Chiến tranh Vệ quốc của Nga. Đúng là nó thuộc thế hệ vũ khí Chiến thắng. Nhưng nó cũng xuất hiện sau đó ít nhiều ở tất cả những điểm nóng trên thế giới.

Trong hàng ngũ của Liên Xô

Xe tăng T-34-85 là sự phát triển tiềm năng của chiếc T-34-76, và ngoài khẩu pháo 85 mm với sức mạnh công phá hủy diệt hơn, nó còn sở hữu hàng loạt những cải tiến về thiết kế. Các góc nghiêng của lớp vỏ thiết giáp đã được tối ưu hóa – thép dày hơn và sử dụng công nghệ cán thép đồng nhất.

Tất cả những thứ này giúp cho khả năng phòng vệ của T-34-85 tốt hơn, mà không làm giảm đi tính năng cơ động và tốc độ của nó (55km/h trên đường bằng phẳng, 24km/h trên địa hình gập ghềnh). Khẩu pháo được trang bị 56-60 viên đạn. Tầm bắn – 3,8 km bằng ống ngắm Tsh-15 (viễn vọng có khớp nối) hoặc 5,2 km - bằng ống ngắm Tsh-16. Tổ lái gồm 5 người.

Chiếc xe tăng được sản xuất tại các nhà máy của Liên Xô và theo ủy quyền tại các nhà máy ở Ba Lan (trong vòng 5 năm) và Tiệp Khắc (6 năm). Tại Liên Xô, tổng cộng có 25.914 chiếc được xuất xưởng, thêm 4.665 chiếc ở nước ngoài.

Được bàn giao cho Hồng quân Liên Xô vào ngày 23/1/1944 theo quyết định số 5021 của Uỷ ban quốc phòng Liên Xô, T-34-85 là hiện thân của sự kết hợp truyền thống giữa các giải pháp về thiết kế và công nghệ để đáp ứng tốt nhất các tính năng kỹ thuật-tác chiến đối với một chiếc xe tăng chủ lực trong giai đoạn cam go nhất của Thế chiến Thứ hai.

Việc T-34-85 phải xuất hiện là một câu trả lời đối với sự hiện diện của các xe tăng "Tiger", "Panther" và "Ferdinand" trong hàng ngũ quân đội Phát xít Đức.

Trong quá trình sản xuất hàng loạt, các nhà máy đã đưa vào những thay đổi về thiết kế để giảm thiểu giá thành, nâng cao tính ổn định, khả năng sinh tồn và hiệu quả chiến đấu, cho nên các xe do các nhà máy sản xuất có sự khác biệt.

Các xe tăng T-34 do Ba Lan và Tiệp Khắc chế tạo có những đặc điểm thiết kế riêng. Quân đội các nước cũng tiếp nhận cả những phiên bản súng phóng hoả, tuy nhiên với số lượng hạn chế.

Đến giữa thập niên 50, T-34-85 là nền tảng của các đơn vị tăng thiết giáp Liên Xô cho đến khi T-54 thay thế chúng. Chính thức T-34-85 phục vụ quân đội Nga cho đến năm 1993. Nó được cung cấp rất nhiều cho các đối tác địa chính trị và đồng minh của Liên Xô, được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch quân sự ở khắp các châu lục.

Do các đơn vị của quân đội Syria được trang bị những khí tài tăng thiết giáp hiện đại hơn nên T-34-85 được bàn giao cho các đơn vị huấn luyện cũng như lưu kho dài hạn.

Chúng được sử dụng tại các cuộc tập trận dưới dạng những mục tiêu di động và cố định. Công tác huấn luyện lính xe tăng tại một loạt các quân khu của Nga, lấy ví dụ như tại Zabaikal và Viễn Đông, được thực hiện với sự trợ giúp của các xe tăng T-34-85 cho tới đầu thập niên 70.

Cỗ xe tăng bất tử: Chiếm Berlin, tham chiến Triều Tiên, sát cánh cùng T-90 diệt IS ở Syria - Ảnh 1.

T-34/85 cùng các chiến sĩ Hồng quân giải phóng Châu Âu

Khắp các quốc gia và châu lục

Trong thời gian diễn ra cuộc chiến của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc Dân Đảng (1946-1950), T-34-85 đã đập tan các đơn vị của Tưởng Giới Thạch. Theo thống kê đến năm 2000, quân đội Trung Quốc sở hữu khoảng không dưới 700 chiếc xe tăng loại này. Tuy nhiên, chưa có con số chính thức tính đến thời điểm hiện nay.

Nhưng trận chiến quy mô đầu tiên đối với T-34-85 sau Thế chiến Thứ hai là cuộc chiến tranh Triều Tiên, nơi mà các cỗ máy của Liên Xô đã đụng độ với các xe tăng và phương tiện chống tăng của Mỹ.

Chính chiến dịch vượt vĩ tuyến 38 lúc 5h sáng ngày 25/6/1950 bằng các xe tăng T-34 của Trung đoàn xe tăng số 109 Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KNA) là phát súng đầu tiên cho cuộc chiến kéo dài 3 năm. Khi đó KNA từng sở hữu 258 chiếc xe tăng T-34-85.

Các cựu binh Mỹ nhớ lại rằng sự xuất hiện của T-34-85 trên chiến trường đã gây ra sự hoảng loạn trong các đơn vị của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Chính vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi các xe tăng hạng nhẹ M24 "Chaffi", và hạng trung M4AZE8 "Sherman" không thể chiến đấu "sòng phẳng" với T-34. Thậm chí cả xe tăng M26 "Pershing" cũng gặp nhiều vấn đề với những xe tăng của Triều Tiên.

Còn các khẩu pháo 57 mm và 75 mm, cũng như súng bazoka của Hàn Quốc và Mỹ không hề làm T-34-85 sứt mẻ. Chỉ đạn pháo 105mm mới có thể ngăn bước tiến của T-34. Chỉ các xe tăng M46 "Patton" với lớp giáp phòng vệ và vũ khí mạnh hơn mới có thể giáp chiến ngang sức với T-34-85.

Tại Đông Nam Á và Đông Dương, người ta phải ghi nhận sự thành công của T-34-85 trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Vào năm 1959, đơn vị đầu tiên của Quân đội Việt Nam – Trung đoàn xe tăng 202 với các xe tăng T-34 – đã được thành lập.

Trong giai đoạn 1967-1975, các xe tăng này cùng với những xe tăng hiện đại hơn như T-54, T-55, PT-76 được sử dụng trong những trận chiến chống lại các đơn vị của Mỹ và chứng tỏ được khả năng của mình. Lô xe tăng T-34 cuối cùng được Liên Xô bàn giao cho Việt Nam vào năm 1973.

Cỗ xe tăng bất tử: Chiếm Berlin, tham chiến Triều Tiên, sát cánh cùng T-90 diệt IS ở Syria - Ảnh 2.

T-34/85 huấn luyện cùng với Hải quân Nhân dân Việt Nam

Tại Trung Đông, T-34-85 đã được người Ai Cập sử dụng để chống lại người Israel trong cuộc chiến giành kênh Suez vào năm 1956 và trong cuộc chiến tranh kéo dài 6 ngày năm 1967.

Các cỗ máy chiến lợi phẩm đã được quân đội Israel sử dụng để chống lại những nước láng giềng của mình. Về phần mình, người Syria đã tiêu diệt những xe tăng "Sherman" và AMX-13 trong các trận đấu tay đôi.

Điều thú vị là tại các đơn vị tăng thiết giáp của Syria, T-34 sát cánh chiến đấu cùng với những cỗ máy trước đây từng là đối thủ - các xe tăng Pz.III và Pz.IV các phiên bản nâng cấp của Đức.

T-34-85 cũng chứng tỏ được năng lực của mình tại châu Phi trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang của chính phủ các nước cũng như các nhóm nổi dậy. Nó bắt đầu tham chiến tại lục địa đen vào năm 1970 ở Tây Sahara.

Lực lượng quân sự của Cuba tại Angola đã sử dụng T-34 để chống lại quân đội Nam Phi. Các xe tăng này khá hiệu quả trong việc tiêu diệt các xe bọc thép "Panar" AML-90. Một chiếc xe tăng T-34-85 cho quân đội Nam Phi chiếm được hiện đang trưng bày ở Viện Bảo tàng Pretoria.

Ethiopia sử dụng T-34-85 để chiến đấu chống lại Eritrea và Somali. Quân đội Somali cũng sử dụng T-34-85 để đánh chiến Ogaden.

Cho đến nay, trong các cuộc xung đột với tần suất thấp tại Châu Phi, việc một bên tham chiến nào đó có trong tay một hay vài chiếc T-34-85 sẽ mang lại ưu thế về chiến thuật. Dễ hiểu thôi: chiếc xe tăng ổn định, bảo dưỡng dễ dàng, dễ điều khiển đối với những tổ lái ít kinh nghiệm, không đòi hỏi quá cao về chất lượng nhiên liệu.

Bên cạnh đó, nó có khả năng phòng vệ tốt trước những loại đạn súng trường và súng cối - những vũ khí thông dụng của các bên tham chiến tại khu vực này.

Không phải trận đánh cuối cùng

Trong những cuộc đụng độ ở Cộng hòa Síp vào năm 1974, người Síp đã dùng T-34 do Nam Tư và Ba Lan cung cấp để chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cuộc đụng độ mở cuối cùng giữa các khí tài thiết giáp của Liên Xô và Mỹ (xe tăng M47 và M48).

30 chiếc xe tăng T-34-85 được tập hợp thành tiểu đoàn xe tăng 23 (gồm 2 đại đội). Đạn dành cho mỗi chiếc xe tăng này là 25 đạn xuyên giáp và 21 đạn công phá. T-34-85 được sử dụng như các tổ hợp pháo tự hành chứ không phải như xe tăng.

Các đơn vị của Afganistan sử dụng T-34-85 trong cuộc chiến chống lại quân khủng bố Hồi giáo. Các lực lượng vũ trang ít người của Nga đã biến những xe tăng này thành các điểm triển khai hỏa lực cố định. Còn trong cuộc nội chiến xảy ra sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi Afganistan, T-34 được tất cả các bên tham chiến cho xung trận.

T-34-85 cũng xuất hiện trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq vào thập niên 80. Sau khi NATO đưa quân vào Iraq hồi năm 2003, một chiếc xe tăng T-34-85 đã bị các lực lượng này chiếm được.

Trong cuộc chiến ở Nagorny Karabakh (Kavkaz), T-34-85 được cả Armenia và Azerbaizan sử dụng. Trong quá trình Nam Tư tan rã (1991-1997), T-34-85 từng chiến đấu trong hàng ngũ của Serbia, Croatia, Bosnia và Albania.

Chiếc xe tăng này cũng có mặt trong quân đội của các nước tư bản như Áo, Phần Lan và Nam Phi. Isarel đã được đề cập ở trên. Tại Trung Đông, ngoài Ai Cập và Syria, T-34-85 cũng được quân đội Libya và Nam Yemen tin dùng.

Những lính xe tăng Cuba đã đẩy lui cuộc đổ bộ của những phần tử phản cách mạng lên Vịnh con Lợn (năm 1960) chính bằng các xe tăng T-34-85. Cuba là quốc gia châu Mỹ Latinh duy nhất sử dụng loại xe tăng này. Và cho đến nay trong các đơn vị của Cuba còn khoảng gần 200 chiếc T-34-85.

Bây giờ T-34-85 lại được nhìn thấy ở khu vực xảy ra chiến sự tại Syria. Không một chiếc xe tăng nào trong lịch sử lại được sử dụng trực tiếp tại nhiều quốc gia trên thế giới như vậy.

T-34/85 trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại