Mới đây, Tư lệnh Không quân Israel Amikam Norkin tuyên bố rằng các máy bay tiêm kích F-35I Adir thế hệ thứ 5 của Israel đã hai lần triển khai các nhiệm vụ chiến đấu trên lãnh thổ Syria. Không có bất cứ tình tiết nào được hé lộ thêm, tuy nhiên, như vị tướng này nêu rõ, F-35I đã hoàn thành tất cả những nhiệm vụ được giao.
"Chúng tôi là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng F-35 trong các chiến dịch quân sự", ông Norkin chia sẻ. Vị tướng với nụ cười mỉm trên môi còn tiết lộ rằng, các hệ thống phòng không do Nga sản xuất như S-300 và S-400, chứ chưa nói đến Pantzir-S1 và Buk-M2, "hoàn toàn bất lực" trước chiếc máy bay đầy sức mạnh này.
Tư lệnh Không quân Israel, Thiếu tướng Amikam Norkin
"Quyền năng"
Adir dịch từ tiếng Hebrew có nghĩa là "quyền năng". Theo Jerusalem Post, để khẳng định tính chính xác của sự việc trên Tư lệnh Không quân Israel đã sử dụng bức ảnh F-35 bay trên bầu trời Beirut. Tuy nhiên, ông Norkin không nêu rõ thời điểm của bức ảnh này được chụp.
Sau tuyên bố của ông Amikam Norkin, Phó chủ tịch điều hành Lockheed Martin Rick Edwards nói rằng, ông không ngạc nhiên khi biết Israel bắt đầu triển khai các cuộc không kích bằng những đứa con thế hệ thứ 5 của họ. "Tôi nghĩ rằng điều đó diễn ra một tuần sau khi Isarel tiếp nhận chiếc máy bay đầu tiên", Edwards dí dỏm nói.
Vậy chiếc máy bay "mãnh thú" đáng sợ, mà theo lời vị tướng Israel, đã thoát khỏi gần như tất cả các hệ thống phòng không của Syria là như thế nào?
Tia sáng quyền năng
F-35I Adir là phiên bản của chiếc máy bay tiêm kích-ném bom F-35 Lighting II do Mỹ chế tạo dành cho Israel. Phiên bản này ứng dụng nhiều hệ thống điện tử do Israel sản xuất. Thiết bị sóng điện từ, hệ thống tác chiến điện tử, các bộ cảm biến, tên lửa và bom – tất cả đều "made in" Israel.
Chi tiết cấu tạo của F-35A Lightning II
F-35 có lẽ là chiếc máy bay quân sự tối tân bị chỉ trích nhiều nhất trong thời gian gần đây. Chỉ có kẻ "lười biếng" mới không thèm "ném đá" vào chiếc máy bay vốn gặp nhiều vấn đề liên quan tới hệ thống vũ khí, thiết bị máy tính, các tính năng bay yếu kém (đối với các cỗ máy hiện đại) và giá thành không thể chấp nhận này.
Tuy nhiên, mặc cho những vấn đề và ý kiến chỉ trích, Lockheed Martin không chỉ hoàn thành công tác chế tạo chiếc máy bay này, mà còn lắp đặt xong dây chuyền sản xuất hàng loạt, tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế và trao đổi công nghệ.
Những vấn đề, tất nhiên, vẫn còn đó, nhưng không nhiều như trước đây. Sự tham gia của F-35 vào các chiến dịch quân sự sẽ bổ sung thêm cho những chuyên gia của Lockheed nhiều thông tin đáng giá giúp họ hoàn thiện cỗ máy này hơn. Không nên coi thường người Mỹ - họ biết cách làm ra sản phẩm chất lượng.
Thoả thuận có lợi
F-35I Adir được mua trong khuôn khổ thỏa thuận hỗ trợ quân sự giữa Mỹ và Israel. Có thể nói rằng, đây là bản hợp đồng gần như miễn phí. Trong bản hợp đồng đầu tiên, Israel "mua" 19 chiếc F-35 với giá 125 triệu USD/chiếc, còn trong bản hợp đồng thứ hai gồm 14 chiếc, Tel Aviv trả 112 triệu USD/chiếc.
Dự kiến đến năm 2020 giá thành của một chiếc sẽ giảm tới 80 triệu USD, và khi đó mức giá trung bình của chiếc tiêm kích sẽ là 95-96 triệu USD.
F-35A Lightning II của Lockheed Martin
Số tiền chuyển lại liên quan tới các đơn đặt hàng của những công ty Israel (Israel Aerospace Industries, Elbit Systems,…) sản xuất cánh máy bay, phụ tùng mũ bảo hiểm và bình nhiên liệu, ước vào khoảng gần 4 tỷ USD. Nói chung, đây là thỏa thuận có lợi. Thậm chí không chỉ về mặt tài chính mà cả về mặt "phi vật chất".
Khi hỗ trợ tài chính-quân sự cho Israel, Mỹ muốn giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ chính trị và quân sự. Nhiệm vụ quan trọng nhất – Mỹ có được một đồng minh mạnh và pháo đài uy lực trong khu vực chiến lược quan trọng.
Thứ hai, Mỹ có được luồng thông tin tình báo chất lượng: các cơ quan an ninh của Israel là những đơn vị tốt nhất trên thế giới.
Thứ ba, thúc đẩy các hoạt động chi tiêu quân sự của những quốc gia Ả Rập giàu có nhưng luôn thù địch với Israel. Bản danh sách này có thể kéo dài hơn nữa. Thỏa thuận giữa Mỹ và Israel là hai bên cùng có lợi, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ có mối quan hệ thân thiết với Israel.
Câu châm ngôn quyền năng: Si vis pacem, para bellum (Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh) của Đế chế La Mã rất phù hợp dù hai nghìn năm đã trôi qua.
Chiến dịch quảng bá sức mạnh của Quân đội Israel (IDF) và ngọn giáo công nghệ cao với F-35 sắm vai đầu nhọn đang chạy hết tốc lực theo tất cả những nguyên tắc về PR. Tel Aviv muốn cho toàn bộ thế giới thấy rằng mình sẽ đi đến cùng, còn Mỹ muốn chứng tỏ rằng sẽ ủng hộ mọi quyết định của Israel.
Tư lệnh Không quân Israel, tướng Amikam Norkin đang công bố việc tiêm kích tàng hình F-35I Adir đã chính thức tham chiến