"Gấu Nga nuôi quân ba năm, dùng một giờ": Trở lại và lợi hại hơn xưa!

Ngọc Huy |

Vài năm trở lại đây, hình ảnh các đơn vị máy bay ném bom chiến lược Nga tiến hành các chuyến bay xuyên lục địa, vượt đại dương đã trở thành một hình ảnh quen thuộc.

Đây rõ ràng là hành động ẩn chứa nhiều thông điệp từ Nga, siêu cường đang trỗi dậy mạnh mẽ từ thời Liên Xô tan vỡ.

Thể hiện sức mạnh của siêu cường

Có thể khẳng định rõ, việc các máy bay ném bom chiến lược của Nga phô trương sức mạnh tại nhiều địa điểm trên thế giới không phải là mới. Động thái này từng là hành động thường nhật dưới thời Liên Xô.

Chúng chỉ bị gián đoạn khi Liên Xô tan vỡ và Nga gặp khủng hoảng trong thập kỷ 1990. Giờ đây, khi Nga đang trên đường khẳng định lại vị thế siêu cường của mình, việc các máy bay ném bom chiến lược Không quân Nga nối lại các chuyến bay vòng quanh thế giới cũng là điều dễ hiểu.

Việc Không quân chiến lược Liên Xô, Nga thực hiện các chuyến bay liên lục địa, xuyên đại dương thực tế là một phần trong chiến lược tác chiến của "bộ ba hạt nhân". Đây là hành động có lịch sử lâu đời từ khi chiến tranh Lạnh bùng nổ giữa Liên Xô và Mỹ.

Sau Thế chiến thứ 2 và đặc biệt là cuộc chạy đua vũ trang nóng bỏng giữa Mỹ và Liên Xô trong chiến tranh lạnh, có một điều có thể thấy rõ, Hải quân Mỹ có đủ lực lượng và năng lực kiểm soát hoàn toàn các đại dương.

Gấu Nga nuôi quân ba năm, dùng một giờ: Trở lại và lợi hại hơn xưa! - Ảnh 1.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS Nga tuần tra khắp thế giới.

Và tất nhiên, Liên Xô phải tìm phương án đối trọng và răn đe. Đây chính là một trong những nền móng khơi mào cho sự phát triển các dòng tên lửa tấn công và phương tiện chuyên chở chúng của Liên Xô. Máy bay chính là bệ phóng hoàn toàn thích hợp để Liên Xô cân bằng con bài chiến lược với sức mạnh hải quân vượt trội của Mỹ.

Tại sao Liên Xô lại sử dụng con bài máy bay ném bom chiến lược bay áp sát không phận các quốc gia đối địch, trong đó có Mỹ, mà không phải là phương tiện quân sự nào khác? Liệu các phi đội máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô và Nga có bị tổn thương khi "đơn thương, độc mã" áp sát không phận các quốc gia thù địch?

Xét về khả năng cơ động, rõ ràng máy bay ném bom cơ động hơn so với các phương tiện chiến đấu khác. Đặc biệt, khi mang tên lửa hạt nhân, sức mạnh phá hủy của máy bay chiến lược không thua kém gì tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Mặt khác, Nga không đủ nguồn lực để chạy đua với các thế mạnh hải quân của Mỹ, thì việc lựa chọn máy bay ném bom mang tên lửa chiến lược hoàn toàn là hợp logic về chi phí, cũng như khả năng răn đe.

Một vấn đề có thể thấy rõ ràng, các phi đội máy bay ném bom chiến lược Nga khi bay tuần tiễu đều hoạt động trên không phận quốc tế. Không có cớ gì để bất kỳ quốc gia nào có thể ngăn chặn hoặc tấn công.

Gấu Nga nuôi quân ba năm, dùng một giờ: Trở lại và lợi hại hơn xưa! - Ảnh 2.

Không quân phương Tây luôn cảnh giác trước sự xuất hiện của các máy bay ném bom chiến lược Nga.

Mặt khác, liệu quốc gia, kể cả Mỹ muốn mạo hiểm tấn công máy bay ném bom chiến lược Nga để ăn đòn trả đũa từ "bộ ba hạt nhân" thừa sức hủy diệt cả thế giới của Liên Xô và Nga.

Có thể nói nếu Mỹ có ngoại giao chiến hạm, thì với Liên Xô và Nga hiện nay, hoạt động tuần tra của các phi đội máy bay ném bom chiến lược cũng mang ý nghĩa tương tự.

Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô, đang nỗ lực khôi phục vị thế siêu cường của mình và chính sự xuất hiện trở lại của các phi đội máy bay ném bom chiến lược Nga trên khắp thế giới chính là một phần trong chiến lược đó.

Vũ khí chiến lược cần được…"thử lửa"

Đối với bất kỳ loại vũ khí nào, việc kiểm tra, đánh giá chất lượng và tiếp tục hoàn thiện là điều cần thiết. Điều này càng quan trọng đối với vũ khí cấp chiến lược vì chúng chính là nền tảng của an ninh quốc gia. Điều này cũng đúng với Nga và có liên hệ với việc nối lại hoạt động bay tuần tiễu khắp thế giới của các phi đội máy bay ném bom chiến lược.

Hầu hết máy bay ném bom chiến lược của Nga hiện nay được thiết kế và chế tạo dưới thời Liên Xô.

Dù có các gói nâng cấp, nhưng rõ ràng chúng cần được kiểm tra và hoạt động thường xuyên để đảm bảo khả năng chiến đấu khi cần. Hành động này thật đúng với câu "nuôi quân ba năm, dùng một giờ".

Các chuyến bay tuần tiễu của máy bay ném bom chiến lược Nga sẽ giúp kiểm tra khả năng chuyển trạng thái hoạt động, độ ổn định khi hoạt động ở cường độ cao với các chuyến bay dài. Đây là yếu tố kỹ thuật quan trọng đối với khí tài quân sự, đặc biệt là với các đơn vị chiến đấu cấp chiến lược.

Gấu Nga nuôi quân ba năm, dùng một giờ: Trở lại và lợi hại hơn xưa! - Ảnh 4.

Máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 cũng thường xuyên xuất kích tuần tra ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Mặt khác, việc Nga khôi phục hoạt động tuần tiễu của các đơn vị máy bay chiến lược sẽ buộc các quốc gia đối địch phải triển khai lực lượng hộ tống khi máy bay Nga tiếp cận không phận.

Hình ảnh, máy bay ném bom Tu-95MS hay Tu-160 được hộ tống bởi máy bay chiến đấu Mỹ và đồng minh có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.

Một điều quan trọng khác là hoạt động liên tục của máy bay ném bom chiến lược Nga trên thế giới sẽ buộc Mỹ và đồng minh phải tái cấu trúc lại lực lượng để ngăn ngừa mọi khả năng có thể xảy ra.

Điều này được giải thích rõ ràng trong nhiệm vụ tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria của máy bay ném bom chiến lược Tu-160, khi phi đôi này đã thực hiện đường bay đặc biệt áp sát không phận hàng loạt quốc gia phương Tây, Địa Trung Hải rồi quay trở lại Nga.

Rõ ràng, sự xuất hiện trở lại của máy bay ném bom chiến lược Nga tại nhiều khu vực không phải là điều ngẫu nhiên, mà là hành động có nhiều tính toán của Moscow. Đây là một trong những động thái rõ ràng truyền tải thông điệp của Moscow rằng: Nước Nga đang trở lại và lợi hại hơn xưa!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại