Chị Trần Hải Minh trú tại Hà Đông, Hà Nội tâm sự cả hai lần sinh con chị đều bị tăng cân nhanh chóng. Lần sinh đầu tiên, chị Minh tăng 25 kg, đến lần này số cân nặng lại tăng thêm 24 kg.
Điều chị Minh đau khổ nhất là mỡ bụng dày. Chị Minh nghe mọi người chia sẻ về việc có thể làm phẫu thuật thẩm mỹ luôn thành bụng khi mổ sinh nên vẫn đang tìm hiểu và có nhu cầu làm luôn.
Chị Minh kể “đằng nào cũng mổ đẻ, đau một lần luôn nhưng có vòng hai như ý”. Lần sinh đầu tiên, chị Minh đã đau khổ vì bụng to, chảy và không thu nhỏ được dù chị đã sử dụng nhiều biện pháp thể dục, bôi rượu nghệ.
Cùng suy nghĩ với chị Minh, chị Vũ Thị Hà trú Thanh Xuân, Hà Nội kể sau hai lần sinh mỡ bụng của chị dày cộp lên. Chị Hà đã quyết định phẫu thuật lúc sinh bé thứ hai. Sau hơn 1 năm thành bụng cũng nhỏ đi và chị chờ thêm một thời gian nữa sẽ đi điều trị sẹo sau mổ là có thể tự tin mặc những bộ áo tắm gợi cảm.
Tiến sĩ.Bác sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Đại học Y dược, Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM cho biết anh nhận được nhiều lời đề nghị của sản phụ đề nghị thực hiện kết hợp khi bác sĩ mổ bắt con. Tuy nhiên điều này không được khuyến khích vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bác sĩ Trung cho biết bình thường không phải mọi trường hợp đều có thể áp dụng vừa mổ sinh, vừa căng da bụng được, nhất là những trường hợp thai nhi quá to.
Khi đó, nếu kết hợp hai phẫu thuật luôn một lần thì có thể nói là quá nặng nề cho thai phụ vì cuộc mổ sẽ kéo dài từ 40 phút cho trường hợp mổ sinh đơn thuần thành 120-180 phút cho trường hợp mổ kết hợp.
Đặc biệt các nguy cơ cao của việc thuyên tắc mạch máu do nằm lâu, mất máu nhiều do các mạch máu tăng sinh trong thai kỳ nên việc lựa chọn "phẫu thuật kết hợp" như vậy cần được tư vấn kỹ của bác sĩ phẫu thuật.
Hiện nay có 2 kỹ thuật tạo hình thành bụng căn bản là tạo hình thành bụng toàn bộ (abdominoplasty) (có di dời rốn đến vị trí mới), tạo hình thành bụng tối thiểu (mini-abdominoplasty) (không di dời rốn).
Phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn bộ chỉ nên thực hiện ở những trường hợp dư da và mỡ quá nhiều cả vùng trên và dưới rốn.
Cuộc phẫu thuật tạo hình thành bụng toàn bộ thường phải bóc tách toàn bộ thành bụng trên và dưới rốn, cắt bỏ một thể tích da và mỡ nhiều, máu mất nhiều hơn.
Ngược lại, kỹ thuật tạo hình thành bụng tối thiểu (mini abdominoplasty) chỉ bóc tách và cắt bỏ một phần da và mỡ vùng dưới rốn, lượng da và mỡ căt bỏ ít hơn nhưng ưu điểm là thời gian mổ không quá kéo dài, ít mất máu hơn so với phương pháp tạo hình thành bụng toàn bộ.
Bác sĩ Trung cho biết khi mang thai và sinh nở, không chỉ da, mỡ vùng bụng giãn nở mà các cân cơ thành bụng cũng bị giãn ra. Việc can thiệp căng da bụng không chỉ đơn thuần cắt bỉ da, mỡ mà còn phải phục hồi sức săn chắc của cân cơ thành bụng.
Hiện nay nhiều bà mẹ mong muốn lấy lại vóc dáng ngay sau sinh nên thường đặt ra việc phẫu thuật căng da bụng ngay sau sinh, nhất là các bà mẹ là những ca sĩ, diễn viên, hoạt động nghệ thuật.
Tuy nhiên, việc can thiệp phẫu thuật căng da bụng kết hợp như vậy tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các bà mẹ nên chờ đợi vài tháng sau khi sinh. Khi đó, cấu trúc của các cân cơ thành bụng phục hồi một phần nào đó.
Lúc này, việc phẫu thuật cắt bỏ da và mỡ dư thừa, phục hồi các cấu trúc cân cơ thành bụng sẽ tốt hơn và giảm đi các biến chứng.