Vì sao nói điều trị bệnh nan y cần phải có đến 3 người thầy?
Chuyên gia ung thư, Giáo sư bác sĩ Lâm Lệ Châu, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện số 1, Đại học Trung y dược Quảng Châu (Trung Quốc) chia sẻ về nguyên tắc điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư.
Bất kỳ ai khi đối mặt với ung thư đều có rất nhiều trạng thái cảm xúc, làm sao để chấp nhận rằng mình đã có bệnh, cách đối phó thế nào với tin sốc. Trong tình huống này, bác sĩ, gia đình và bản thân người bệnh cần điều chỉnh tâm lý để bắt tay vào quá trình điều trị phức tạp.
GS Châu cho biết, theo kinh nghiệm nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các trường hợp chữa bệnh đạt hiệu quả, đều nhờ vào 3 yếu tố, người Trung Quốc gọi là "Tam sư" (3 vị thầy). Nếu thiếu một trong 3 vị này, thì khả năng điều trị sẽ giảm. Vậy, chúng ta hãy biết bí mật này sớm để áp dụng ngay.
Người thầy thứ nhất: Bác sĩ (Y sư)
Các bác sĩ thường có câu cửa miệng rằng, muốn khỏi bệnh, trước hết phải điều trị đúng, khám bệnh sớm, điều trị sớm, thì mới có cơ hội hồi phục sớm.
Trong Đông y, việc chữa trị ung thư chủ yếu dựa trên 2 cơ sở, một là giữ sự cân bằng, hai là phá vỡ hoặc làm giảm nhẹ "tế bào xấu" trong cơ thể.
Trong phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, phương pháp điều trị của y học Trung Quốc coi trọng sự cân bằng. Lấy sự cân bằng đó để tiết chế các khối u, làm cho tế bào tốt tăng lên, tế bào ung thư giảm xuống, cải thiện chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ.
Vì nhiều bệnh ung thư không có triệu chứng sớm điển hình, đợi cho đến khi các triệu chứng xuất hiện thì đã quá muộn để điều trị, trong nhiều trường hợp còn mất đi cơ hội để phẫu thuật, đành phải hóa trị.
Hóa trị sẽ làm ức chế chức năng tạo máu của tủy xương, dẫn đến giảm máu ngoại vi, xuất hiện các dấu hiệu như da mặt tối xỉn, thiếu máu, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, thiếu năng lượng, tim đập nhanh, mộng mị, lưỡi nhạt trắng, mạch máu yếu ớt.
Trong trường hợp này, cách điều trị của Đông y sẽ là khẩn trương hỗ trợ các hoạt động của lá lách và thận, làm giảm sự mất khí huyết. Tốt nhất nên cho bệnh nhân ăn canh Bát trân, Lục vị địa hoàng, bổ huyết kiện tì thận, ích khí dưỡng huyết, có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy và phục hồi chức năng của tủy xương, tăng cường sự tạo máu.
Đối với một số bệnh nhân ung thư, thuốc hóa trị có thể gây khô miệng, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, mất cảm giác ngon miệng và phản ứng có hại tại đường tiêu hóa.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân nằm nhiều, ít vận động, có thể khiến cơ thể bị dư thừa độ ẩm, từ đó cản trở các hoạt động của lá lách và dạ dày, dẫn đến chức năng hoạt động của các cơ quan này giảm sút.
Ngoài ra, châm cứu và phương pháp điều trị truyền thống khác cũng có thể cải thiện hệ miễn dịch, không chỉ thúc đẩy sự phục hồi chức năng tiêu hóa, mà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị.
Đối với những trường hợp xạ trị có cảm giác khô miệng, đau họng, loét và một số tác dụng phụ khác có thể dùng thuốc đông y để thanh nhiệt, giải độc như xuyên bối, triết bối nấu canh để giảm sưng viêm. Dùng hoàng thị, nữ trinh tử, kỷ tử, long nhãn, hoàng tinh làm các vị thuốc giúp kiện tì vị, ích huyết, bổ thận tráng dương.
Người thầy thứ hai: Đầu bếp (Trù sư)
Khi bị bệnh, muốn chữa bệnh khỏi nhanh thì phải đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Nếu bạn không phải là đầu bếp của chính mình, thì bạn luôn cần một người làm bếp hiểu tình trạng bệnh để nấu nướng phù hợp.
Thực đơn ăn uống hàng ngày phải cân bằng dinh dưỡng, có gia vị phù hợp, thực phẩm an toàn, những thực phẩm có tác dụng hỗ trợ phòng chống ung thư, lựa chọn lượng và chất hợp lý.
Người mắc bệnh thường hay lo lắng, liệu món này có phải kiêng không, có được ăn không, dẫn đến kiêng khem quá mức. Bác sĩ Châu cho rằng, chỉ cần bạn không nên ăn quá nóng, quá lạnh. Còn lại các món như thịt gà, trứng gà hay những thực phẩm khác đều có thể ăn bình thường, với lượng thích hợp, đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Việc chăm sóc sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng là rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, cải thiện khả năng miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại bệnh, nâng cao chất lượng sống, giảm nhẹ tác dụng phụ trong quá trình điều trị, giảm bớt hoặc tránh nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Lời khuyên dành cho bệnh nhân là hãy duy trì chế độ ăn uống thanh đạm, cân bằng, chú trọng ngũ cốc, ăn nhiều rau, trái cây, các vitamin và chất xơ. Một số sản phẩm từ sữa, đậu và các chế phẩm từ đậu nành. Nên ăn đủ lượng cá, thịt gia cầm, trứng, thịt nạc.
Một số món ăn được khuyến nghị như sau:
1. Canh thịt rùa nấu thổ phục linh
Cách làm: Dùng 200-300g thổ phục linh, 1 con rùa nhỏ, 200g xương lợn. Làm thịt rùa, bỏ nội tạng, giữ nguyên mai rùa. Cắt nhỏ thổ phục linh và xương lợn thành miếng vừa ăn.
Thêm khoảng 1,5 lít nước, đun sôi nhỏ lửa trong vòng 3 tiếng, thêm muối hoặc gia vị rồi ăn nóng ấm.
Công dụng: Giải độc, giảm ẩm, bổ âm dưỡng huyết. Phù hợp với những bệnh nhân ung thư có dấu hiệu chân tay phù thũng do thừa nước, thể trạng gầy yếu, thể chất hư nhược.
Thổ phục linh (Ảnh minh họa)
2. Canh mộc nhĩ, hoa hiên, gà đen
Cách làm: Mọc nhĩ 15g, hoa hiên 30g, thịt gà đen 500g.
Làm sạch mộc nhĩ và hoa hiên để riêng. Thịt gà đen làm sạch, cắt miếng vừa ăn, thêm nước nấu khoảng 1 tiếng, sau đó cho mộc nhĩ và hoa hiên vào tiếp tục nấu cho đến khi chín mềm, thêm muối hoặc gia vị là có thể ăn nóng ấm vừa.
Công dụng: Bổ trung ích khí, mát máu, giảm đi ngoài kiết lị. Phù hợp cho bệnh nhân ung thư liên quan đến đại tràng, đường ruột, miệng khô, chán ăn.
3. Canh sườn hà thủ ô
Cách làm: Dùng 250g sườn lợn rửa sạch, cắt thành từng miếng vừa ăn. Hà thủ ô 20g, nhục thung dung 30g, táo tàu 20 quả, cho vào nồi thêm nước, hầm chín mềm vừa ăn, thêm gia vị, ăn ấm nóng.
Công dụng: Tốt cho thận và tủy, lợi âm ích khí, nuôi dưỡng gan. Thích hợp cho những bệnh nhân điều trị ung thư phổi có cảm giác mệt mỏi, thiếu máu, phân khô, táo bón.
Hà thủ ô (Ảnh minh họa)
4. Cháo xuyên bối bạch quả
Cách làm: 5g hạt xuyên bối già tán thành bột, thịt lợn nạc 60g băm nhỏ, bạch quả 50g gọt vỏ, rửa sạch phần nhựa, đun sôi trào lần 1 thì cho 100g gạo vò sạch nấu sôi, cho tiếp bạch quả, thịt lợn nạc và lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo.
Nấu chín cháo thì cho thêm bột hạt xuyên bối trộn đều với cháo, nấu thêm một chút xíu rồi ăn nóng ấm.
Công dụng: Tốt cho phổi, giảm đờm, dưỡng dạ dày, bổ âm. Rất phù hợp đối với bệnh nhân đang điều trị bệnh liên quan đến âm hư, đờm nhiều, khó nuốt, suy nhược cơ thể, ho và đờm.
Hạt xuyên bối (Ảnh minh họa)
Bạch quả (Ảnh minh họa)
Người thầy thứ ba: Ý chí tinh thần (Thiền sư)
Thái độ và sự hiểu biết của người bệnh về tình trạng bệnh là vô cùng quan trọng. Khi bạn hiểu biết về khối u, về ung thư, bạn sẽ giảm bớt sự hoảng loạn, sống cùng ung thư như bè bạn, chiến đấu với tinh thần lạc quan, có kiến thức và chiến lược cụ thể trong điều trị bệnh.
Khi đối mặt với bệnh ung thư, nhiều người sẽ than thân trách phận, luôn tự đặt câu hỏi, tại sao ung thư lại rơi vào tôi, liệu bệnh này có thể chữa không, ai là người cứu sống tôi, rồi sợ hãi, đau khổ, phủ nhận, hoài nghi, tâm trạng bất an, khép mình, cô lập, rơi vào mọi hình thái cảm xúc và mơ hồ về mọi thứ.
Cảm xúc tiêu cực là một trong những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển khối u. Muốn ngăn ngừa khối u, phải học cách mỉm cười, học cách giải toả căng thẳng.
Người xưa có lời khuyên nổi tiếng rằng, khi có bệnh, 3 phần là chữa, 3 phần là dưỡng. Người bệnh hãy nghĩ đến ý nghĩa của lời dặn này, từ đó mới có thể suy nghĩ nghiêm túc, nghỉ ngơi hợp lý, vui chơi vừa phải, tập thể dục hợp lý.
Có những người sau khi biết mình mắc bệnh, hầu như cả ngày nằm ủy mị sầu não ở trên giường, không làm gì nữa. Còn một số gia đình thì gần như cấm cung, không cho người bệnh ra ngoài. Đây đều là những sai lầm phổ biến.
Khái niệm nghỉ ngơi hợp lý không có nghĩa là bạn không làm gì nữa. Mà là làm mọi việc trong khả năng sức khỏe cho phép. Một số động tác thể dục quan trọng cho bệnh nhân ung thư như khí công, thái cực quyền, bát đoạn cẩm, đi bộ, làm việc nhà đều là những hoạt động hiệu quả.
Một số hoạt động vui chơi giải trí khác cũng nên duy trì để thay đổi không khí như xem TV, nghe radio, nhạc, gặp gỡ giao lưu bạn bè và các thành viên khác trong gia đình.
Hãy luôn tạo tâm trạng thoải mái và hạnh phúc, trạng thái tinh thần là người thầy quan trọng để chống lại bệnh tật, giúp chúng ta đi tiếp con đường tương lai dài hơn.
Chuyên gia ung thư, Giáo sư bác sĩ Lâm Lệ Châu, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện số 1, Đại học Trung y dược Quảng Châu (Trung Quốc)
* Theo Health/Lifetimes