Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil, hơn 26.000 vụ cháy đã được ghi nhận ở Amazon vào tháng 8, con số cao nhất trong gần một thập kỷ. Khoảng 60% diện tích của Amazon, bao gồm hơn 2 triệu dặm vuông (gần 5,2 triệu km²) là tại Brazil.
Các nhà bảo tồn tuyên bố hầu hết các vụ hỏa hoạn là do cố ý để giải phóng mặt bằng cho việc chăn nuôi gia súc và các mục đích khác.
Rừng Amazon bị cháy. Ảnh: worldwildlife.org
Các chuyên gia về bảo tồn và sức khỏe cho biết nếu đám cháy không sớm được dập tắt, Amazon có thể chạm đến điểm bùng phát quan trọng. Rừng nhiệt đới Amazon thường được gọi là "lá phổi của hành tinh", là một bể chứa carbon, hút khí carbon dioxide và cung cấp khoảng 20% oxy cho thế giới.
"Nếu chúng ta không thể bảo tồn Amazon, chúng ta sẽ thua cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu, chúng tôi đã mất khoảng 20% rừng nhiệt đới", bà Kerry Cesareo, phó chủ tịch cấp cao của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới nói. Theo báo cáo năm 2018, điểm bùng phát là 25%.
Kerry Cesareo, phó chủ tịch cấp cao của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới. Ảnh: World Wildlife Fund
Nhà bảo tồn học Paul Rosolie nói rằng các đám cháy đang thổi bay toàn bộ khí hậu Trái đất. "Chúng ta thường không nhận ra mọi thứ liên kết với nhau như thế nào. Nếu bạn đột nhiên không còn Amazon, nhiệt độ và mưa sẽ thay đổi ngay lập tức. Đây là một vết thương con người tự gây ra cho mình."
Ảnh hưởng sức khỏe, gần và xa
"Có những tác động xuất hiện ngay lập tức từ các vụ hỏa hoạn đối với những người sống trong khu vực", bà Cesareo nói. Quỹ Động vật hoang dã Thế giới ước tính có khoảng 34 triệu người sống ở Amazon, bao gồm khoảng 385 nhóm người bản địa. Những ảnh hưởng này cũng rất sâu rộng:
Chất lượng không khí: "Nếu rừng tiếp tục cháy, nó sẽ thải ra một lượng ô nhiễm carbon dioxide khổng lồ vào khí quyển ", ông Adrian Forsyth, Tiến sĩ, đồng sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Amazon và Giám đốc điều hành của Quỹ Andes Amazon cho biết.
Ông Adrian Forsyth, Tiến sĩ, đồng sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Amazon và Giám đốc điều hành của Quỹ Andes Amazon. Ảnh: caaap.org.pe
Tiến sĩ Douglas Morton, trưởng phòng thí nghiệm Sinh – Thủy quyển trực thuộc Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết, các chất ô nhiễm dạng hạt vào ban đêm đủ nhỏ để bám vào phổi đã được tìm thấy ở mức rất cao gần rừng nhiệt đới.
Nồng độ của chúng lên tới 20 lần so với tiêu chuẩn EPA (EPA là tên viết tắt của Environmental Protection Agency – tiêu chuẩn EPA là tiêu chuẩn do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đặt ra).
Tiến sĩ Douglas Morton, trưởng phòng thí nghiệm Sinh – Thủy quyển trực thuộc Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của NASA. Ảnh: NASA.
"Một vài năm bạn không thể bay vào các quốc gia như Bolivia. Vì có quá nhiều khói, nó làm tắc nghẽn tất cả hoạt động giao thông hàng không", ông Adrian Forsyth nói. Khi khói bốc lên, thành phố Sao Paulo với gần 12 triệu dân của Brazil, tối dần vào lúc 3 giờ chiều buộc các phương tiện tham gia giao thông phải bật đèn pha.
Mô hình thời tiết: Rừng mưa nhiệt đới cung cấp nước vào khí quyển khi thực vật giải phóng nước từ lá cây trong quá trình quang hợp. Khi rừng cháy, hơi ẩm vào khí quyển ít đi, điều đó có nghĩa là lượng mưa ít hơn.
Y học: Quinine là loại thuốc hiệu quả đầu tiên để điều trị bệnh sốt rét và có nguồn gốc từ cây cinchona. Các hợp chất từ cây rừng nhiệt đới được sử dụng trong các loại thuốc để điều trị huyết áp cao, bệnh tăng nhãn áp, bệnh lao, bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.
Khi rừng bị chặt phá, chúng ta thường thấy dịch bệnh bùng phát, ví dụ như các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự liên kết giữa việc đốn hạ rừng với bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Sức khỏe tâm thần: "Mọi người đang nhắn tin cho tôi, nói rằng họ cảm thấy vô vọng như thế nào khi nghe tất cả tin tức này", nhà bảo tồn học Rosolie nói. Twitter đang tràn ngập những thông điệp về sự giận dữ và kêu gọi hành động.
Một người đã viết: "Mọi thứ trên Trái đất đang chết dần, rừng Amazon đang cháy, mọi người đều vô vọng". Các hashtag #prayforamazonia (tạm dịch: cầu nguyện cho amazon) đã xuất hiện.
Những sự lo lắng do tình trạng khẩn cấp đối với khí hậu là một vấn đề sức khỏe thật sự. Tiến sĩ Forsyth cho biết: "Ba đứa con của ông được nghe về bảo tồn một cách thường xuyên. Trong độ tuổi từ 18 đến 21, chúng đã bắt đầu nói với ông rằng chúng không có kế hoạch sinh con. Chúng tin rằng hành tinh xanh đang chuyển biến như một vụ đắm tàu".
Ảnh: RoadScholar.
Sống tích cực và hãy hành động
"Đây là một trường hợp bùng phát khẩn cấp và kéo dài, có khả năng tái diễn. Trừ khi có sự thay đổi trong việc thực thi luật pháp ở Brazil, nếu không sẽ lại tiếp tục xảy ra các vụ hỏa hoạn", bà Cesareo nói.
Về lâu dài, ông Morton cho biết, điều cần thiết là "tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn".
"Vấn đề này có khả năng kết nối và cần sự đoàn kết từ mọi người. Chúng ta thực sự không đủ khả năng để nhìn mọi chuyện theo cách khác được nữa", ông Rosolie chia sẻ.
"Tin tốt là, Amazon vẫn còn nguyên vẹn 80%, những gì cần thiết là chính sách của chính phủ để bảo vệ rừng nhiệt đới", tiến sĩ Forsyth nhận định.
Ở góc độ cá nhân, ông Jos Barlow, tiến sĩ, giáo sư Khoa học bảo tồn tại Đại học Lancaster, Anh, người nghiên cứu về tác động của con người đối với các vụ cháy rừng nhiệt đới, cho biết: "Tất cả chúng ta phải giảm tiêu thụ thịt, không phải tất cả các loại thịt đều tệ như nhau, thịt gà không tệ như thịt bò".
Đối với những người đang cảm thấy bất lực, điều quan trọng là phải kiểm soát những suy nghĩ đó và hành động, theo lời một bác sĩ tâm lý học cao cấp tại Northwell Health ở Lake Success, New York (Mỹ).
"Một người có thể chọn thực hiện một thay đổi thân thiện với môi trường trong cuộc sống của họ để giúp bù đắp tác động của sự hủy diệt này". Ví dụ, đặt hàng thực phẩm giao đến khoảng 1 lần mỗi tuần, vì nhựa được sử dụng trong bao bì thực phẩm là một mối lo ngại đáng kể về môi trường.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm tình nguyện cho một nhóm môi trường. "Biến những mục tiêu này trở thành điều gì đó cụ thể hơn mà ta có thể hoàn thành và có liên quan đến môi trường thường sẽ giảm đi cảm giác bất lực trong chính chúng ta trước khủng hoảng này."
*Nguồn: Webmd