"Nước cờ" của Philippines được đánh giá là thông minh và đã đẩy Trung Quốc rơi vào thế "kẹt". Như tiến sĩ Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, phân tích, dù có chấp nhận tham gia tố tụng hay không, thì Trung Quốc cũng có thể sẽ là kẻ thua cuộc.
Khi quyết định theo đuổi vụ kiện chống lại quốc gia láng giềng quan trọng của mình, Philippines, sau một quá trình dài tìm kiếm, đã có được "người giỏi nhất" - một luật sư được mệnh danh là "Dũng sĩ diệt khổng lồ" hay "Quý ngài Tòa án Quốc tế".
Chỉ nghe những cái tên này thôi đã có thể hình dung vì sao không chỉ Philippines hay giới chuyên gia, mà chính bản thân người được nhắc tới tự tin sẽ cầm chắc phần thắng trong tay.
Đó là một luật sư người Mỹ. Paul Reichler.
Đến với vụ kiện Biển Đông
Paul Reichler chính thức nhận lời trở thành trưởng đoàn luật sư, đại diện cho Philippines tại Tòa Trọng tài Thường trực PCA ở The Hague (Hà Lan) vào tháng 10/2013, không lâu sau khi nước này gửi hồ sơ tố tụng chống lại Trung Quốc theo Phụ lục 7 của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) "liên quan đến tranh chấp với Trung Quốc về quyền tài phán trên biển của Philippines" tại Biển Đông.
Suốt 3 năm, ông Reichler đã tham gia hoàn thành đầy đủ các tài liệu mà PCA yêu cầu theo đúng quy trình, và cùng đoàn Philippines - gồm khoảng 60 người - dự các phiên tranh tụng ở Cung điện Hòa Bình.
Trong hồ sơ khởi kiện, Philippines đệ trình tòa án quốc tế xem xét giải quyết 15 điểm, liên quan tới cái gọi là "Đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, các vấn đề về quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của bãi cạn Scarborough cũng như 8 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa.
Phán quyết của PCA ngày 29/10/2015 khẳng định, tòa này có thẩm quyền giải quyết 7 điểm, 8 điểm còn lại sẽ được tòa tiếp tục đánh giá, nghiên cứu thêm.
(Ảnh: Getty Images)
"Dũng sĩ diệt khổng lồ"
Cái tên Paul Reichler bắt đầu xuất hiện trên khắp các mặt báo lớn nhỏ vào năm 1984, 11 năm sau khi ông nhận bằng Tiến sĩ Luật tại Đại học Havard.
Năm đó, báo Mỹ Washington Post viết: "Chiến thắng sơ bộ của Nicaragua trước Mỹ tại Tòa án Quốc tế được đạo diễn bởi một luật sư Washington ít tên tuổi, người đã bỏ việc tại hai công ty luật danh giá để nhất quyết đại diện cho chính phủ Sandinista".
Tại vụ kiện được nhắc tới ở trên, Nicaragua cáo buộc Mỹ cung cấp tài chính cho lực lượng nổi dậy (contra) nhằm lật đổ chính phủ Sandinista, đồng thời đặt mìn tại các vùng biển, bến cảng thuộc chủ quyền quốc gia này.
Hai năm sau, tháng 6/1986, Reichler - khi đó mới 38 tuổi - đã thành công trong việc thuyết phục Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đứng về phía Nicaragua. Với một trong những lý do được đưa ra là Mỹ đã vi phạm "các nguyên tắc sử dụng vũ lực", ICJ tuyên cường quốc này thua cuộc và phải bồi thường cho Nicaragua số tiền 370,2 triệu USD.
Giúp một quốc gia nghèo khó ở Mỹ La-tinh đánh bại chính quê hương mình tại tòa án quốc tế, vị luật sư người Mỹ đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, nước lớn không thể cứ tự cho mình cái quyền coi thường luật pháp quốc tế.
Reichler từng tuyên bố: "Có một vấn đề về mặt nguyên tắc mà tôi rất quan tâm - vấn đề đó là cuộc chiến mà Mỹ đã hỗ trợ tài chính và chỉ đạo chống phá Nicaragua qua các lực lượng contra…
Trên tất cả, với tư cách một công dân Mỹ, tôi cho rằng cuộc chiến này phải chấm dứt. Đó là cuộc chiến bất hợp pháp, vô đạo đức và đi ngược lại những lợi ích cao nhất của đất nước tôi.
Nó làm tổn hại thẩm quyền về mặt đạo đức của một quốc gia giữ vai trò lãnh đạo thế giới như chúng tôi, và với việc làm suy yếu hệ thống luật quốc tế, hành động này của Mỹ chỉ đường dẫn lối cho các quốc gia khác coi thường luật pháp mà không bị trừng phạt".
Đại diện nước bé trong cuộc chiến pháp lý chống lại nước lớn dường như là sứ mệnh của Reichler, và ông đã thực hiện nó một cách xuất sắc tới mức được người ta phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt khổng lồ".
Trước khi nhận vụ kiện Trung Quốc, ông từng đứng ở bên kia "chiến tuyến" với các nước lớn - Mỹ, Nga, Anh, và có 3 thập kỷ đại diện cho nhiều quốc gia - Thái Lan, Chile, Kenya, Tanzania, Venezuela, Liberia, Bolivia, Nicaragua và Guyana - chiến thắng tại những tòa án tiểu bang cũng như liên bang ở Mỹ.
Năm 2010, hãng Chambers Global chuyên xếp hạng các công ty luật trên thế giới đánh giá, Paul Reichler là "một trong những người hành nghề trong lĩnh vực công pháp quốc tế đáng kính và có kinh nghiệm nhất thế giới, với hơn 25 năm chuyên đại diện cho các quốc gia độc lập trong những tranh chấp với những quốc gia khác, cũng như tranh chấp với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông thuộc nhóm các luật sư ưu tú, dày dặn kinh nghiệm đại diện cho các quốc gia độc lập tranh tụng trước Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague và Tòa Quốc tế về Luật Biển ở Hamburg".
Một lý do nữa khiến người ta tin tưởng vào khả năng chiến thắng của Philippines trước Trung Quốc là bởi, theo hãng luật Foley Hoag - nơi Reichler đang làm việc, vị luật sư này đặc biệt có kinh nghiệm đại diện và cố vấn cho các quốc gia trong các tranh chấp đất đai và ranh giới hàng hải với nước láng giềng, bao gồm vụ kiện Nicaragua với Colombia (2007 - 2012), Bangladesh với Myanmar, Mauritius với Anh (2012 - 2015), Bangledesh với Ấn Độ (2009 - 2014)...
Một phiên điều trần vụ kiện biển Đông giữa Philippines-Trung Quốc tại PCA
4.000 trang tài liệu và hồ sơ 900 năm
Ngoài kinh nghiệm có được từ những đấu trường pháp lý quốc tế, để vững vàng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng, Reichler đã dành thời gian nghiên cứu các tài liệu cũ, nghiên cứu lịch sử khu vực cũng như tình hình thực tế đang diễn ra ở Biển Đông.
Bản ghi nhớ dài 4.000 trang mà Philippines đệ trình lên PCA chính là công sức và kiến thức của luật sư Reichler, sau quá trình phân tích hồ sơ từ 900 năm trước. Trong tài liệu này, ông lập luận, các triều đại ở Trung Quốc sau thế kỉ thứ 12 chỉ tuyên bố chủ quyền tới khu vực đảo Hải Nam.
"Các Hoàng đế Trung Hoa đã cấm hoạt động đi lại, di chuyển vượt ra ngoài khoảng cách ngắn - tính từ bờ biển Trung Quốc, nhằm ngăn chặn tác động ngoại lai. Tuyên bố về quyền lợi mang tính lịch sử (của Trung Quốc) là hoàn toàn không phù hợp với lịch sử".
Theo dõi rất sát sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, vị luật sư này chỉ ra, việc nạo vét trái phép tại đây đang giết chết san hô và tác động xấu tới hệ sinh thái toàn cầu, vi phạm UNCLOS.
Chưa hết, ông tiếp tục phối hợp với Philippines hoàn thành bản tài liệu bổ sung dài 3.000 trang, giải đáp rõ ràng 26 câu hỏi từ PCA liên quan tới các vấn đề quyền tài phán và các luận chứng được nguyên đơn đưa ra trong vụ kiện.
Reichler phát biểu: "Chính Trung Quốc sẽ tự quyết định việc, liệu họ sẽ trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa đế quốc, hay là một quốc gia tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng".
Tin rằng Trung Quốc sẽ phải tuân thủ phán quyết
Về phần mình, kể từ sau khi vấn đề tranh chấp ở Biển Đông được đưa ra quốc tế, Trung Quốc đã có nhiều động thái ngang ngược, chối bỏ trách nhiệm trong vụ kiện: Trả Philippines văn bản thông báo, gửi công hàm ngoại giao đưa ra "Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông", thách thức thẩm quyền của PCA, giở thủ đoạn lôi kéo một số quốc gia đứng về phía mình, tuyên bố không chấp nhận vụ kiện, không tuân thủ phán quyết của tòa án.
Song, đây không phải là lần đầu tiên Reichler đối diện với những việc như thế này, và nếu Trung Quốc không nhớ, thì xin được nhắc lại diễn biến tiếp sau của vụ kiện lịch sử giữa Nicaragua và Mỹ, khi Washington từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình.
Với sự trợ giúp của Reichler, Nicaragua đã đệ đơn khiếu nại lên LHQ, buộc Mỹ phải tuân thủ phán quyết, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của nhiều quốc gia khác.
Phó Chánh án cấp cao Antonio Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines cho biết, tình thế lúc đó đã đẩy Mỹ tới nguy cơ bị tổn tại danh tiếng nghiêm trọng.
"Họ tự nhận là người ủng hộ sự thật, đi đầu trong việc thúc đẩy pháp trị, thế mà lại ngang nhiên vi phạm luật pháp quôc tế. Cộng đồng quốc tế cũng phải nói với Mỹ rằng: "Các vị vi phạm luật pháp quốc tế'".
Cuối cùng, Mỹ đã phải chịu khuất phục và đề nghị cung cấp cho nước này gói hỗ trợ kinh tế trị giá 500 triệu USD, đổi lấy việc Nicaragua hủy yêu cầu đòi bồi thường.
Trong vụ kiện Biển Đông lần này, ngay từ khi mới nhận hồ sơ từ Philippines, luật sư Reichler đã luôn tin tưởng rằng, mình sẽ chiến thắng, và dù Trung Quốc có "cứng" tới đâu thì rồi cũng sẽ tuân thủ phán quyết của tòa án, bởi có "ít nhất 2 lý do cho việc này".
"Đầu tiên là danh tiếng và ảnh hưởng đi kèm với nó. Thứ hai là, rất nhiều quốc gia hiểu rằng, việc sống trong một hệ thống vận hành dựa trên các luật lệ là vì lợi ích cho họ, và cả lợi ích cho cả các quốc gia khác.
Trong trường hợp của Trung Quốc, chúng ta thấy một quốc gia - một cường quốc, đang mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ra khắp cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc cũng tự xưng là cường quốc chống chủ nghĩa đế quốc. Hãy suy nghĩ về lợi ích kinh tế mà quốc gia giàu có, hùng mạnh nhất khu vực có được nếu các tranh chấp này được giải quyết".
Ông Reichler cho rằng, Trung Quốc lẽ ra nên quyết định tham gia vào vụ kiện.
"Họ đã có cơ hội để chứng minh cam kết tuân thủ trật tự pháp lý quốc tế, thể hiện sự tôn trọng của mình đối với các thủ tục pháp lý của nó và đồng ý để được ràng buộc bởi các quy tắc.
Nếu họ nắm bắt cơ hội này (tham gia vụ kiện), thì họ đã có thể chứng minh được rằng mình không chỉ là một nước lớn, mà còn là một nước có trách nhiệm".
"Có thể, cuối cùng... người Trung Quốc rồi sẽ nhận ra rằng, tình thế hỗn loạn, vô luật lệ khiến họ mất nhiều hơn là được".
"Họ là người rất thông minh. Và tôi nghĩ rằng họ sẽ hiểu, về lâu dài, lợi ích cao nhất của họ sẽ đạt được khi trở thành một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".