Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, luật sư người Mỹ Paul Reichler đã tâm sự về thách thức mà ông phải đối mặt trong 3 năm qua.
"Việc này (Trung Quốc không tham gia vụ kiện) đã biến tòa án, về cơ bản, trở thành luật sư cho phía bên kia (Trung Quốc). Công việc của họ, về cơ bản, là vào vai luật sư của Trung Quốc và cố gắng phát triển các bằng chứng mà Trung Quốc có thể sẽ đưa ra trước tòa".
Ông Reichler cho biết, 5 thành viên của Tòa Trọng tài tham gia xử vụ kiện Biển Đông - Thẩm phán Thomas Mensah người Ghana, Thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, Thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan, Giáo sư Alfred Soons người Hà Lan và Thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức - đều là các chuyên gia về Công ước LHQ về Luật biển.
"Tôi nghĩ, chúng tôi đã phải đấu lại với những luật sư giỏi nhất thế giới".
Ông này lý giải thêm, Trung Quốc không hoàn toàn phớt lờ các thủ tục tố tụng. Trên thực tế, vào tháng 12/2014, Bắc Kinh đã đệ trình một văn bản, trong đó đặt câu hỏi về thẩm quyền của tòa án trong việc thụ lý, giải quyết vụ kiện. "Họ đã đưa ra 4 hoặc 5 điểm. Văn bản đó đã được soạn thảo rất tốt".
"Tòa án đã xem xét văn bản đó... nhưng sau đó họ phát triển một loạt các lập luận khác mà Trung Quốc có khả năng sẽ đưa ra" nếu tham gia vào vụ kiện.
Thông thường, khi 2 bên tham gia quá trình tố tụng, việc trực tiếp đưa ra các lập luận của mình trước mặt bên kia ngay tại tòa sẽ là bước cuối cùng mà đoàn luật sư thực hiện.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi Philippines kết thúc phần tranh tụng trực tiếp tại tòa, PCA vẫn cho phép biện hộ bằng văn bản bổ sung mở rộng. Trong số các văn bản được đệ trình lên PCA sau đó, chủ yếu là các tài liệu và bằng chứng từ phía Đài Loan.
Đài Loan đã lập luận rằng, Ba Bình (thuộc chủ quyền Việt Nam) không chỉ là "đá" và luôn nổi - kể cả ở thời điểm thủy triều lên cao, mà còn là một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống tự nhiên của con người một cách tự nhiên - đồng nghĩa với việc nó được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy nhiên, phán quyết của PCA đã bác lập luận này từ phía Đài Loan.
Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc giúp Đài Loan đệ trình tài liệu của mình lên tòa án quốc tế, dù quan hệ hai bên có nhiều bất đồng, ông Reichler nói: "Không loại trừ khả năng có sự phối hợp ở đây, nhưng cũng không có bằng chứng chắc chắn nào cho việc này".
Ông Reichler cũng bác bỏ những cáo buộc từ phía truyền thông nhà nước Trung Quốc rằng vụ kiện là một phần âm mưu của Mỹ và phương Tây nhằm đưa Trung Quốc vào bẫy và rằng, chính Washington đã dàn dựng để ông trở thành đại diện pháp lý của Manila.
Luật sư người Mỹ khẳng định, ông được phía Philippines lựa chọn bởi chính chuyên môn của mình trong các vụ kiện kiểu như thế này.
Ông nhắc lại, trong những năm 1980, ông đã giúp Nicaragua chiến thắng trong một vụ tương tự chống lại Mỹ. "Một vài người trong chính phủ Mỹ tới giờ vẫn còn phản đối tôi. Chính Mỹ cũng còn ngạc nhiên khi Philippines đâm đơn kiện. Họ không nghĩ sẽ có việc như thế xảy ra".