Dự kiến, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng sẽ có mặt trong cuộc họp lần này.
Đây sẽ là dịp để Trung Quốc và Philippines, cũng như các nước có liên quan tới vụ kiện biển Đông bày tỏ suy nghĩ trực tiếp với nhau. Sự kiện này hiện đang nhận được sự kỳ vọng và trông đợi của giới phân tích, cũng như cộng đồng quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định:
"Khi sự việc và những phát ngôn lắng xuống, phán quyết này sẽ mở đường cho những cuộc đàm phán thiết thực và hữu ích giữa các bên có liên quan, một phần là bởi phán quyết đã thu hẹp phạm vi khu vực được quan tâm một cách đáng kể".
Ông cũng khẳng định, Mỹ khuyến khích các bên sử dụng phán quyết lần này để làm bàn đạp cho các cuộc đàm phán ngoại giao, tiến tới giải quyết những tranh chấp còn tồn đọng.
Quan chức này cũng kỳ vọng vào khả năng các bên tiến tới giai đoạn đánh giá, bàn thảo và tham vấn trong tương lai gần.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo ngày hôm nay, 13/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, Philippines sẽ tiến hành tham vấn các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có liên quan tới vụ tranh chấp trên biển Đông.
"ASEAN, cộng đồng đã hỗ trợ chúng tôi trong giai đoạn tranh tụng cũng sẽ được tham vấn. Phán quyết không chỉ ảnh hưởng tới một mình Philippines".
Ông Lorenzana cũng lặp lại quan điểm mà Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay Jr đưa ra trước đó, khi kêu gọi các bên kiềm chế sau phán quyết. Tuy nhiên, ông Lorenzana cho rằng, Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài.
"Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ. Nếu tất cả các bên đều tuân thủ luật pháp, điều đó sẽ có lợi cho khu vực".
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, một ngày sau khi phán quyết được đưa ra, tình hình tại các khu vực gần biển Đông vẫn giữ nguyên hiện trạng. Philippines không thay đổi lực lượng quân sự thiết lập trong khu vực.
Khi được hỏi, liệu Hải quân Philippines có sẵn sàng hộ tống ngư dân ra bãi cạn Scarborough hay không, ông Lorenzana nói: Vẫn chưa có chỉ đạo chính thức từ Tổng thống.
Từ sau khi PCA công bố phán quyết, nhiều nước đã ra thông cáo nêu rõ quan điểm của mình. Dưới đây là thông điệp của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương: