Chẩn đoán sai trong y tế: Chuyện có thực tại Nhật, bài học để không "quăng lưới" nhầm chỗ

BS. TS. Phạm Nguyên Quý |

Bài viết dưới đây nói về câu chuyện chẩn đoán sai có thật, cho thấy các bác sĩ có thể bị "định hướng sai" do lời khai bệnh của người bệnh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sai sót trong y khoa, từ chẩn đoán đến điều trị, cho đến sơ suất nhỏ trong giao tiếp với bệnh nhân là không hiếm. Hi vọng rằng những bài học trong series "Chẩn đoán sai trong y tế" sẽ góp phần giúp cộng đồng y bác sĩ lẫn bệnh nhân và người thân hiểu hơn về các loại sai sót và biết cách phòng ngừa để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe.

(Đọc bài trước: Chẩn đoán theo đà: Chuyện tai hại có thật ở Nhật, 12 triệu người là nạn nhân mỗi năm ở Mỹ!)

Một câu chuyện có thực

Đây là câu chuyện có thực tại một phòng khám ngoại trú ở Nhật.

Người bệnh nữ 50 tuổi được chỉ tới phòng khám để tìm nguyên nhân thiếu máu. Bác sĩ tại phòng khám Nội khoa (khá chuyên về bệnh tiêu hóa) hỏi bệnh và thăm khám khá chi tiết nhưng không phát hiện thấy bất thường nào rõ rệt. Xét nghiệm tìm máu lẫn trong phân cho ra kết quả dương tính, nhưng bản thân người bệnh lại không thấy có phân lẫn máu đỏ hay phân chuyển màu đen.

Sau khi có kết quả xét nghiệm máu phù hợp với chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên nội soi đại tràng và cả dạ dày-tá tràng để loại trừ khả năng bị ung thư đại trực tràng.

Chẩn đoán sai trong y tế: Chuyện có thực tại Nhật, bài học để không quăng lưới nhầm chỗ - Ảnh 3.

Sai sót trong y khoa, từ chẩn đoán đến điều trị, cho đến sơ suất nhỏ trong giao tiếp với bệnh nhân là không hiếm. (Ảnh minh họa)

Xét nghiệm được thực hiện vào các ngày tiếp theo chỉ cho thấy người bệnh bị viêm teo dạ dày nhẹ và có vài polyp đại tràng kích thước một cm. Vì đây là những thay đổi tiền ung thư (để lâu năm sẽ có thể chuyển thành ung thư) nên chúng đã được cắt bỏ qua nội soi vào 2 tuần sau đó.

Tuy nhiên, vì các polyps quá nhỏ, do đó không hẳn là nguyên nhân chính gây thiếu máu như vậy, các bác sĩ đã tiếp tục tìm kiếm các nguyên nhân khác. Vì xét nghiệm nước tiểu cho thấy có xuất huyết nhẹ và sau khi hỏi kỹ hơn, người bệnh khai thỉnh thoảng cũng "có đi tiểu ra máu", người bệnh được giới thiệu tới khoa Tiết niệu để xét nghiệm thêm.

Chẩn đoán sai trong y tế: Chuyện có thực tại Nhật, bài học để không quăng lưới nhầm chỗ - Ảnh 4.

Tại đây, siêu âm bụng, nội soi bàng quang, xét nghiệm nước tiểu kèm phân tích tế bào học đã được thực hiện nhưng không hề thấy dấu hiệu của ung thư, viêm nhiễm hay xuất huyết ở thận và bàng quang.

Bác sĩ nội khoa kê thuốc viên bổ sung sắt cho người bệnh và hẹn tái khám sau vài tháng.

Ba tháng sau, xét nghiệm cho thấy tình hình thiếu máu có cải thiện nhưng người bệnh nói vẫn "đi tiểu ra máu" và ngày càng nhiều hơn! Bác sĩ bắt đầu nghi ngờ và thấy khó hiểu vì lời kể của chị. May thay, một y tá có kinh nghiệm tương tự đã nhắc tới khả năng xuất huyết bất thường ở tử cung có thể bị nhầm thành "tiểu ra máu".

Người bệnh được giới thiệu tới bác sĩ phụ khoa và chẩn đoán sau đó đã phát hiện ra ung thư tử cung giai đoạn II-vẫn còn khá sớm để xử trí!

Lỗi "suýt sai" đến từ đâu?

Đây là một câu chuyện thực cho thấy các bác sĩ có thể bị "định hướng sai" do lời khai bệnh của người bệnh.

Phòng khám Nội khoa nói trên đã cố gắng thực hiện các xét nghiệm đúng chỉ định (vì có máu lẫn trong phân) và phát hiện-xử trí polyps đại tràng cho bệnh nhân qua kỹ thuật nội soi, NHƯNG bác sĩ cũng đã rất sáng suốt khi không dừng quá trình chẩn đoán tại đó mà tiếp tục tìm kiếm thêm nguyên nhân gây thiếu máu do chảy máu hợp lý hơn.

Tuy nhiên, lời khai "đi cầu ra máu" hay "đi tiểu ra máu" của bệnh nhân đã vô tình làm bác sĩ chỉ nghĩ tới bệnh lý đường ruột (như ung thư đại tràng) hay đường tiết niệu (như ung thư bàng quang).

Điều này càng dễ xảy ra ở những phòng khám chuyên khoa, nơi bác sĩ thường quen với một dạng bệnh nhất định (như bác sĩ về tiêu hóa chỉ nghĩ tới ung thư đại tràng) mà ít khi dành thời gian suy nghĩ về các khả năng khác. Đây là một yếu tố nguy cơ dẫn tới sai sót do "hiệu ứng mỏ neo", khi nhân viên y tế không thu thập đầy đủ thông tin của bệnh nhân mà chỉ dựa vào một vài mẩu thông tin để xử trí theo thói quen và trực giác.

Chẩn đoán sai trong y tế: Chuyện có thực tại Nhật, bài học để không quăng lưới nhầm chỗ - Ảnh 6.

"Hiệu ứng mỏ neo" là khi nhân viên y tế không thu thập đầy đủ thông tin của bệnh nhân mà chỉ dựa vào một vài mẩu thông tin để xử trí theo thói quen và trực giác. (Ảnh minh họa)

Nếu không có cô y tá nhắc, có thể vị bác sĩ kia đã quên nghĩ tới khả năng bệnh nhân bị ung thư tử cung và tiếp tục theo dõi vài tháng nữa.

Tại Nhật Bản, tỉ lệ mắc ung thư tử cung tăng nhẹ sau tuổi 45 và hay gặp nhất trong độ tuổi 50-60 tuổi. Bài học từ câu chuyện này là cần nghĩ tới bệnh lý phụ khoa khi tìm kiếm nguyên nhân thiếu máu và ung thư tử cung là một nguyên nhân tiềm năng có thể gây chảy máu vùng kín bệnh nhân nhầm thành "đi tiểu ra máu".

Bài học về giao tiếp với người bệnh

Giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ là cực kỳ quan trọng để định hướng chẩn đoán đúng bệnh, giảm thiểu tiền bạc làm những xét nghiệm vô ích. Tuy nhiên, sự xác thực của thông tin do bệnh nhân khai báo cũng cần được kiểm chứng khách quan để không..."quăng lưới" nhầm chỗ. 

Việc giới thiệu tới bác sĩ chuyên khoa tiết niệu là hoàn toàn cần thiết khi bệnh nhân nói về "đi tiểu ra máu" nhưng chúng ta cũng cần hỏi lại liệu lời khai của người bệnh có đúng hay không, khi các xét nghiệm trả về không khớp với thông tin đó.

Chẩn đoán sai trong y tế: Chuyện có thực tại Nhật, bài học để không quăng lưới nhầm chỗ - Ảnh 8.

Giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ là cực kỳ quan trọng để định hướng chẩn đoán đúng bệnh. (Ảnh minh họa)

Trong câu chuyện này, việc hỏi thêm bệnh nhân về triệu chứng, ví dụ "Có ra máu khi không đi tiểu?", "Có ra máu khi quan hệ tình dục?"... có thể giúp làm rõ vấn đề của người bệnh và xác minh điều mà bệnh nhân đang kể. Bệnh nhân cũng cần biết cách chủ động mô tả chi tiết hơn vì nhỡ gặp bác sĩ không biết hỏi bệnh thì coi như "móc neo" nhầm chỗ.

Đương nhiên, bác sĩ sẽ khéo léo hỏi thêm bệnh sử để người bệnh không cảm thấy mình bị nghi ngờ, khiến có thể ảnh hưởng tới quan hệ về sau giữa bệnh nhân và bác sĩ. Việc có thêm điều dưỡng (nhất là điều dưỡng nữ) ở giữa khai thác thêm thông tin kín đáo của bệnh nhân nữ cũng rất hữu ích trong quá trình chẩn đoán. Phối hợp đa khoa và đa ngành nghề là những từ khóa quan trọng để cải thiện an toàn y tế và tăng hiệu quả điều trị.

Tác giả: BS. TS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Trưởng Dự án Y học cộng đồng.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Tài liệu tham khảo

Croskerry P. The importance of cognitive errors in diagnosis and strategies to minimize them. Acad Med. 2003;78(8):775-80.

https://storyforme.com/8-symptoms-of-cancer-you-should-not-ignore/

Derek Hicks, Chi-Ying Li. Management of macroscopic haematuria in the emergency department. Emerg Med J. 2007 Jun; 24(6): 385–390.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại