Chia sẻ bên lề hội nghị khoa học phẫu thuật nội soi và ngoại khoa 2017 ngày 10-11, bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hoá, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, cho biết các bác sĩ tại đây vừa phẫu thuật tạo hình dạ dày bằng nội soi cắt 2/3 dạ dày cho nam bệnh nhân N.V.N. (30 tuổi ở Nghệ An) để chữa bệnh béo phì.
Bệnh nhân nam 30 tuổi được cắt dạ dày chữa bệnh béo phì - Ảnh: bác sĩ cung cấp
Trước đó, tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân có cân nặng 120 kg với chiều cao 175 cm, đi lại khó khăn và được xác định béo phì độ 3. Không những thế, cách đây 5 năm, bệnh nhân này cũng được xác định mắc bệnh trầm cảm.
Với thân hình quá khổ, bệnh nhân đã sử dụng nhiều biện pháp giảm cân (luyện tập thể thao, uống thuốc giảm béo) nhưng không hiệu quả. Chính điều này khiến bệnh nhân càng chán nản và hầu như không giao tiếp với ai ngoài những thành viên trong gia đình. Hàng ngày, cứ 2 tiếng bệnh nhân lại ăn 1 bữa nên càng khiến việc kiểm soát cân nặng trở nên khó hơn.
Tại Bệnh viện Việt Đức, sau khi thăm khám, bệnh nhân đã được chỉ định nội soi tạo hình dạ dày. Theo bác sĩ Phúc, bệnh được tạo hình dạ dày ống đứng (bỏ đi 2/3 dạ dày theo chiều dọc) để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói.
Đến thời điểm này, 4 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã giảm được gần 4 kg và đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại khoa. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ được tái khám 1 tháng/lần đánh giá tình trạng giảm cân, đồng thời tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt, luyện tập thể thao để sau 6 tháng đến 1 năm, cân nặng trở về mức bình thường (khoảng 80- 90 kg).
Cũng theo bác sĩ Phúc, trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cũng nội soi tạo hình dạ dày cho một bệnh nhân nữ 55 tuổi cao 150 cm, nặng 70 kg. "Dù cân nặng của bệnh nhân này không phải quá "khủng", tuy nhiên, lượng mỡ thừa lại tập trung chủ yếu ở phần bụng và đùi gây trạng thái thoái hoá cột sống và thoái khớp gối, khiến bệnh nhân đau đớn, đi lại khó khăn và thiếu tự tin trong công việc"- bác sĩ Phúc nói.
Sau phẫu thuật 1 tháng, nữ bệnh nhân đã giảm được 6 kg. Không những thế, tình trạng đường huyết cũng ổn định, chỉ phải uống thuốc 1 lần/ngày, trong khi trước đó, bệnh nhân phải uống thuốc 2 lần một ngày và tiêm nhưng vẫn không kiểm soát được đường huyết.
Theo bác sĩ Phúc, chỉ những bệnh nhân béo phì nhưng không thể giảm cân bằng các phương pháp thông thường hoặc kèm theo một bệnh lý khác mới được chỉ định nội soi chữa giảm béo. Với những bệnh nhân phẫu thuật béo phì tại Bệnh viện Việt Đức, các kết quả đánh giá cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg.
Có trường hợp sau 2 năm cân nặng đã giảm từ 160 kg xuống còn 78 kg. Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo thì các bệnh phối hợp gần như biến mất. Đặc biệt, 2 bệnh nhân nữ lập gia đình nhiều năm không có con nhưng 2 năm sau phẫu thuật đều đã làm mẹ.