Gian nan hành trình tìm thấy con sau gần chục năm mong mỏi
Chị Lê Thảo (sinh năm 1993, sinh sống và làm việc tại Hà Nội) lấy chồng năm 2016, đã từng mang thai tự nhiên nhưng sảy thai sau đó. Nghĩ mình không có bệnh lý gì, chị Thảo cứ để tự nhiên, thế nào rồi một ngày nào đó đủ duyên con cũng sẽ "tìm về" với mình...
Suy nghĩ như vậy nên chị Thảo không quan tâm mình có gặp vấn đề sức khỏe sinh sản hay không. Đến năm 2019, chưa có em bé sau 3 năm kết hôn, chị mới sốt ruột đi khám. Lúc này, chị mới hay mình bị tắc đoạn loa 2 vòi trứng. Sau đó chị cũng được tư vấn mổ thông vòi trứng, vậy nhưng đáng tiếc là 3 tháng sau thả tự nhiên mong mang bầu, chị Thảo vẫn không thấy "động tĩnh gì". Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị... vẫn bị tắc vòi trứng.
Đến lúc này chị Thảo rất bối rối khi tuổi ngày một thêm, khả năng sinh đẻ có nhiều hạn chế. Sau khi được tư vấn các giải pháp, chị và chồng quyết định làm IVF để đảm bảo khả năng có con cao hơn. Hành trình làm IVF của chị bắt đầu từ năm 2019 và cũng trải qua khá nhiều gian nan không lường trước.
Khi làm IVF vào năm 2019, chị Thảo được lấy 36 trứng, trữ được 18 phôi ngày 2. Chuyển phôi lần 1, chị được giã đông 4 phôi ngày 2 nuôi lên ngày 5 thì được một phôi ngày 5, sau đó thai sinh hóa (mất thai xảy ra trước khi siêu âm có thể nhìn thấy hình ảnh túi thai, mặc dù đã có những dấu hiệu mang thai thông thường). Chị Thảo đau buồn nhưng với khát khao có con, chị tuân thủ chế độ kiêng khem, tẩm bổ, bổ sung nhiều thực phẩm để cơ thể nhanh phục hồi.
Lần 2, chị được giã đông 5 phôi, tiếp tục kế hoạch chuyển phôi. Nuôi được 2 phôi ngày 5 thì chuyển nhưng không có beta. Vẫn còn phôi, chưa thể hết hi vọng, chị Thảo tiếp tục tẩm bổ cơ thể, vực dậy sau buồn đau với những món như mía hấp, cháo cá đậu bắp lòng trắng trứng...
Để cơ thể được nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian nhất định, đến năm 2023, chị Thảo bàn với chồng tiếp tục lại hành trình tìm con. Tháng 3 năm 2023, chị Thảo tiếp tục canh ngày, giã đông 9 phôi còn lại, nuôi được một phôi ngày 5 và 2 phôi ngày 6 lần 3. Chị chuyển tiếp một phôi ngày 5. Kết quả vẫn không có beta. Đến lúc này, chị nghĩ phải có cách khác thôi, nếu không, cơ hội tìm con sẽ càng ngày càng giảm.
Chị Thảo đến Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội thực hiện mổ cắt 2 vòi trứng vào tháng 4 năm 2023. Theo bác sĩ chẩn đoán cho chị khi đó, nếu chỉ kẹp vòi trứng thì vẫn có nguy cơ chửa ngoài tử cung và chị chọn cắt luôn để hi vọng có cơ hội cuối tìm thấy con yêu. Sau đó, chị về nhà, đi du lịch, tư tưởng vô cùng thoải mái, sẵn sàng cho "cuộc chiến" mới.
Đến tháng 7 năm 2023, chị Thảo được chuyển phôi vào ngày 25, chuyển nốt 2 phôi ngày 6 lần 3. 10 ngày đầu tiên sau chuyển phôi, chị không có cảm giác gì nên quyết định không thử que. Thật diệu kỳ, em bé đã đến sau bao năm vợ chồng chị chờ đợi. Xét nghiệm có beta thắp lên ngọn lửa hi vọng trong lòng anh chị.
Sau 5 năm với hành trình vất vả, cuối cùng mầm sống đã được ươm trong chị Thảo. Nhớ lại ngày nhận được kết quả mà chị không khỏi xúc động rưng rưng: "Tôi như vỡ òa khi cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, xung quanh là tiếng chúc mừng của bác sĩ, chồng tôi cũng không kìm nén được hạnh phúc, ôm chặt lấy vợ, cảm xúc giờ nhớ lại vẫn như in".
Bắt đầu từ ngày 10, xét nghiệm beta là 33, chị Thảo bổ sung thêm progesterone 2 ống mỗi ngày. Đến ngày 12, beta lên 58, ngày 14 lên 169, ngày 16 lên 569 và bất ngờ ngày 18, beta đã lên 1494, đi siêu âm thì em bé đã vào tổ. Chị Thảo như được tiếp thêm nguồn sức mạnh. Đây là một kết quả quá đỗi kỳ diệu với một người luôn có beta thấp như chị. Chị dừng uống progesterone và tiêm mũi prulton, tiếp tục ăn mía hấp, cao ban long để thai khỏe mạnh hơn.
Đến ngày 25, kết quả siêu âm cho thấy em bé đã có tim thai. Từ mốc đó, chị Thảo đều đặn đi khám thai mỗi tuần một lần. Thế nhưng, khi được 9 tuần 3 ngày, thai có dấu hiệu bong rau 10% nên chị được khuyến cáo hạn chế đi lại.
Sốt ruột, lo lắng, chị sống trong những ngày nơm nớp lo sợ con sẽ lại bỏ mình mà đi như lần trước. "Nghĩ thôi đã thấy đau lòng nhưng cũng may nhờ có gia đình, nhất là chồng an ủi, động viên, mà mình đã vượt qua giai đoạn khó khăn này", chị Thảo nhớ lại.
Đến tuần 20, bất ngờ tử cung mở 5,6mm, cổ tử cung tụt 20mm, chị Thảo lo lắng cầu cứu bác sĩ và nhanh chóng được ThS. BS Hoàng Văn Khanh khâu cổ tử cung ngay hôm sau.
Nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ và luôn ưu tiên sức khỏe bản thân, 37 tuần, chị Thảo cắt chỉ khâu cổ tử cung. 3 tiếng sau, em bé đạp vỡ ối nhưng cổ tử cung không mở nên phải mổ. Em bé chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3,1kg.
Từ trường hợp của bản thân, chị Thảo rút ra bài học quan trọng cho những chị em có beta thấp mong muốn có con
- Chị em nên tìm hiểu mẹo tẩm bổ trước khi làm IVF để có được chất lượng phôi tốt nhất.
- Tin tưởng phác đồ điều trị của bác sĩ. Đừng lên mạng hỏi rồi làm theo linh tinh. Nhiều cách có thể tốt với người này nhưng chưa chắc đã tốt với mình.
- Tinh thần luôn thoải mái, ăn uống đa dạng.
"Vậy là sau gần chục năm đợi con mòn mỏi, mình đã khép lại hành trình 5 năm đi tìm con bằng một cô công chúa siêu yêu. Mình nghỉ ngơi năm sau lại làm IVF từ đầu để tạo phôi trữ trước khi hết tuổi đẻ", chị Thảo chia sẻ dự định tương lai. Chúc các bố mẹ đang mong con sớm có được kết quả như vợ chồng chị Thảo nhé!