Cấp cứu thành công cho bệnh nhân ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng

Khánh Chi |

Các bác sỹ phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương đã cấp cứu thành công bệnh nhân Đinh thị X. (28 tuổi) trú tại Đoan Hùng – Phú Thọ bị ngộ độc thuốc tê Lidocain sau nhổ răng.

Cấp cứu thành công cho bệnh nhân ngộ độc thuốc tê khi nhổ răng - Ảnh 1.

Bệnh nhân sau khi gây tê bằng thuốc Lidocain để nhổ răng 46 xuất hiện tình trạng đau đầu, tức ngực, khó thở, ý thức giảm dần ngay lập tức bệnh nhân được đưa lên phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Tại phòng cấp cứu bệnh nhân lơ mơ, phản ứng rất chậm, tim nhịp rời rạc Mạch dao động rất thấp 35-45l/p, huyết áp 110/70 mmHg.

Chẩn đoán nhanh bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê Lidocain. Ngay lập tức Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam ra y lệnh truyền tĩnh mạch thành dòng nhũ dịch Lipofudin 20% với tác dụng cấp cứu giải độc nhanh.

Một phút sau truyền, nồng độ bão hòa oxi máu tăng lên 95%, bệnh nhân có dấu hiệu hồi tỉnh, có thể phản ứng khi được gọi, nhịp tim ổn định, không cảm thấy khó thở và tức ngực.

Sau 10 phút, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, các triệu chứng khó chịu không còn. Tim nhịp đều, huyết động ổn định.

Theo các Bác sỹ phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương: Thuốc tê Lidocain là một thuốc được sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện, các chuyên khoa: Răng – hàm - mặt, sản khoa …. cũng như các phòng khám tư nhân.

Ngộ độc Lidocain là một biến chứng hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm, khi bị ngộ độc nếu không được sử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong là rất cao, nếu có cứu sống được thì chi phí điều trị là rất lớn.

Vì vậy, mỗi nhân viên y tế cần trang bị tốt cho mình kiến thức về sử trí ngộ độc thuốc tê.

Thuốc tê là thuốc được tổng hợp và được sử dụng rộng rãi trong y khoa.

Do đặc tính ức chế tạm thời có hồi phục dẫn truyền thần kinh trong đó có các dẫn truyền về cảm giác đau nên thuốc tê được dùng rộng rãi trong các phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp từ nhỏ đến lớn.

Ngoài ra, thuốc tê còn là loại thuốc dùng để giảm đau rất hiệu quả trong các loại đau cấp liên quan đến phẫu thuật, sinh nở cũng như dùng để điều trị đau trong nhiều bệnh lý khác nhau.

Khi đưa thuốc tê vào cơ thể, thuốc sẽ được hấp thu vào mạch máu. Tính độc của thuốc tê sẽ ảnh hưởng các cơ quan trong cơ thể, ít hay nhiều tuỳ thuộc vào nồng độ thuốc tê trong máu, cũng như phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh.

Ngộ độc thuốc tê biểu hiện chính ở hai cơ quan quan trọng: hệ thần kinh trung ương và hệ tuần hoàn. Biểu hiện của ngộ độc thuốc tê trên hệ thần kinh trung ương có thể ở hai dạng, kích thích thần hoặc ức chế.

- Ở trạng thái kích thích: thường là các dấu hiệu sớm của ngộ độc thuốc tê. Người bệnh có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, thay đổi vị giác, nhìn đôi, nói nhảm, co giật một cơ hay nhóm cơ (hay gặp nhất là cơ vùng đầu mặt cổ).

Nặng hơn nữa sẽ có tình trạng co giật toàn thân.

- Ở trạng thái ức chế : bệnh nhân ngủ gà, thờ ơ, nặng hơn là hôn mê và ngưng thở.

Cũng như hệ thần kinh, các biểu hiện ngộ độc thuốc tê trên hệ tuần hoàn thể hiện ở hai trạng thái.

- Trạng thái kích thích: thường là xuất hiện trong giai đoạn đầu, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng.

- Trạng thái ức chế: xuất hiện ở giai đoạn muộn. Người bệnh có các dấu hiệu rối loạn nhịp tim, nhịp tim chậm, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, tụt huyết áp, và nặng nhất ngưng tim.

Với các bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức được đào tạo bài bản thì, việc chẩn đoán và xử lý một trường hợp ngộ độc thuốc tê cũng như phân biệt được với các biến cố khác hiếm gặp hơn không khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại