Tưởng ung thư hóa ra hóc xương
Khi ăn cá, gà, các món có xương cần hết sức cẩn thận (Ảnh minh họa)
Mới đây, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Quảng Ninh đã cấp cứu trường hợp bệnh nhân bị hóc xương, xương chui vào phế quản gây bệnh nặng gia đình còn tưởng bệnh ung thư nên xin về nhà điều trị.
Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn B. trú tại Hoành Bồ, Quảng Ninh. Ông B. cho biết gần đây ông thường xuyên ho nhiều, ho sốt liên tiếp có đợt kèm theo đau ngực bên phải, có lúc ho cả ra máu.
Người nhà đã đưa ông đi khám tại rất nhiều bệnh viện với kết luận là lao phổi. Sau khoảng thời gian chữa trị theo hướng lao phổi xong bệnh tình của ông vẫn không thuyên giảm.
Suốt thời gian chữa lao, tác dụng phụ của thuốc cộng thêm bệnh nặng nên tình trạng càng nguy kịch hơn. Ông đi khám ở một số nơi bác sĩ nghi ngờ ung thư phế quản.
Nghĩ đến bệnh ung thư, gia đình quyết định xin về nhà để tiện chăm sóc. Song tình trạng bệnh của ông ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nhìn ông B. chìm trong những cơn ho, ho dai dẳng ra cả máu, ho rút cả ngực vào họ lại đưa ông đi viện với tâm lý trông cậy được ngày nào hay ngày đó.
Ông được gia đình đưa tới khám tại bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh. Sau khi tiến hành thăm khám lâm sàng và xác định bằng nội soi phế quản bằng ống soi mềm các bác sĩ phát hiện 1 dị vật bít gần hết phế quản phân thùy 9.
Dị vật đã gây sùi lòng phế quản, nhiễm trùng trong lòng phế quản. Người bệnh được chỉ định nội soi ống cứng gắp dị vật. Dị vật được lấy ra khỏi phế quản của người bệnh là một mảnh xương cá kích thước 12x10x8mm.
Theo BSCKII – Phạm Quang Thiện- Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt – Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh cho biết, trường hợp của ông B. là rất nguy hiểm.
Nếu dị vật không được gắp bỏ kịp thời thì sẽ gây viêm phế quản, phổi, áp xe phổi gây nguy hiểm tới tình mạng của người bệnh.
Bởi dị vật là một mảnh xương sắc, có nhiều góc cạnh và đã tồn tại rất lâu trong phế quản, trong quá trình gắp mảnh dị vật rất dễ gây xước, tổn thương các tổ chức xung quanh khiến chảy máu ồ ạt gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Sau thời gian gắp dị vật, đến nay sức khỏe của ông B. đã phục hồi, người nhà ông vô cùng vui sướng khi căn bệnh ung thư đã không gõ cửa nhà ông.
Xương, dị vật đi "lạc" vào cơ thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Chảy máu thực quản vì hóc xương
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đừng trú tại Phú Xuyên, Hà Nội đang điều trị ung thư thực quản tại Bệnh viện K 2. Sau khi xạ trị tự ăn uống được ông Đừng về nhà được vợ con giết gà ra để liên hoan.
Cả gia đình đang vui vẻ vì bệnh đỡ, người khỏe bỗng dưng ông Đừng nôn ra máu.
Cả nhà lại tức tốc đưa đến bệnh viện bác sĩ cho biết ông bị hóc xương gà, cứa đứt thực quản vốn mỏng manh sau xạ trị khiến vỡ thực quản chảy máu và chỉ hơn ngày sau chiếc xương gà đã gây tử vong cho bệnh nhân.
Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Ph. Huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế bị hóc xương cá ngạnh ngày thứ nhất.
Trong bữa cơm ăn với canh cá ngạnh không may bị hóc. Ông Ph. đã cố gắng nuốt thêm nhiều miếng cơm, rau, uống nước nhưng không khỏi.
Ông Ph. tìm đến các mẹo dân gian như bà đẻ ngược vuốt, rồi đủ kiểu khác mà không đỡ.Sau đó đến Trung tâm y tế huyện soi gắp không thấy xương nên chuyển lên bệnh viện TW Huế.
Lúc đó, ông Ph. đã khạc ra ít máu, nuốt đau, không nuốt cũng đau vùng cổ lan ra sau bả vai, nhưng vẫn ăn được. Khám ấn máng cảnh trái đau nhói, dấu hiệu chạm cột sống bình thường.
X quang thực quản cổ nghiêng có dị vật đoạn C3-C4. Soi hạ họng - thanh quản: Thấy miệng nhiều máu bầm ứ đọng, hút sạch kiểm tra thấy có vết thủng thành sau họng tại điểm 7 giờ vùng hạ họng, phía trên miệng thực quản 2-3 cm.
Kích thước vết thủng bằng hạt đạu xanh, kiểm tra lấy thử bằng pince không có dị vật. Vùng xoang lê bình thường. Ngừng soi đặt sonde thực quản qua mũi.
Sau đó bác sĩ phải mổ cạnh cổ, qua hố mổ sờ lên hướng đáy sọ thấy chạm xương và lấy được một dị vật xương cá dài 3 cm to, mảnh như một que tăm xỉa răng đầu nhọn hướng lên trên gần ngang tầm mõm chũm.
Lúc ấy, bệnh nhân mới lấy được hết các dị vật.
Khi bị học xương hoặc mắc dị vật, người bệnh phải can thiệp y tế sớm (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Chu Nhật Minh – Khoa Nội soi, BV Việt Đức, hóc dị vật, hóc xương cá, xương gà, vịt rất nguy hiểm nếu không kịp thời gắp dị vật.
Tại Bệnh viện Việt Đức từng có trường hợp bệnh nhân tử vong vì hóc xương cá. Nguyên nhân do sau hóc xương, bệnh nhân chủ quan không đến viện, mãi đến khi xuất hiện tình trạng đau nhức vùng mũi ức, đau ngực mới đến viện.
Tại viện, các bác sĩ chưa kịp can thiệp thì bệnh nhân bất ngờ nôn ồ ạt ra máu tươi không thể cầm được và đã tử vong, do bị vỡ động mạch chủ vì hóc xương cá gây áp xe trung thất.
Vì thế, khi hóc xương, hóc dị vật, người bệnh không nên chủ quan, nếu thấy bất thường do dị vật không trôi, gây đau, nhức tại vùng hầu học cần đến viện kiểm tra để được can thiệp.
Nhiều trường hợp đến viện sớm, bác sĩ chỉ làm thủ thuật đơn giản là có thể lấy được dị vật.