Cảnh báo tình trạng thừa cân, béo phì tăng rất nhanh ở khu vực đô thị

Linh Trang |

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn còn ở mức cao (21.6% năm 2016) và có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng miền, nhóm dân tộc.

Mới đây, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong những năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi từ 31,9% năm 2001 xuống còn 13,8% vào năm 2016.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đổi mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cảnh báo tình trạng thừa cân, béo phì tăng rất nhanh ở khu vực đô thị - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Lễ phát động.

Cụ thể như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao chiếm tới 24,3%; tỷ lệ thừa cân - béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện; chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm (như: tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa...)

Để cải thiện tầm vóc của người Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết Bộ đặt ra mục tiêu tăng chiều cao của trẻ em trai và trẻ em gái 5 tuổi từ 1,5cm-2cm so với năm 2010; Tăng chiều cao đạt được của người trưởng thành theo giới 1-1,5cm so với năm 2010.

Về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, Bộ đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi toàn quốc xuống dưới 21,5%, ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 28%; Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gày còm ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 5%;

Giảm tỷ lệ phụ nữ tuổi sinh đẻ thiếu năng lượng trường diễn xuống dưới 12%; khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người trưởng thành ở mức dưới 12%;

Giảm mức tiêu thụ muối trung bình ở người trưởng thành xuống dưới 7 gam/người/ngày.

Để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế, tiến tới bảo đảm 100% bệnh viện tuyến trung ương, 95% bệnh viện tuyến tỉnh và 50% bệnh viện tuyến huyện có cán bộ dinh dưỡng tiết chế và thực hiện tư vấn, kê thực đơn dinh dưỡng cho điều trị một số nhóm bệnh và đối tượng đặc thù...

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh cần phải có sự phối hợp của nhiều ban, ngành, cơ quan đoàn thể; tiếp tục tăng cường truyền thông; phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, đặc biệt là mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở tuyến cơ sở....

Tại lễ phát động, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ngành liên quan đã ký kỷ niệm lễ phát động phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại