Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, tại khoa Truyền nhiễm mỗi ngày 3-15 bệnh nhân cúm/ ngày.
Trong những năm trước đây Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương một năm chỉ gặp một bệnh nhân bị biến chứng viêm não do virus cúm. Tuy nhiên, năm nay từ đầu năm khoa đã tiếp nhận 3-4 bệnh nhi biến chứng viêm não.
Điển hình là trường hợp bệnh nhi 5 tuổi nhập viện với triệu chứng trạng sốt cao, nôn khan và đau đầu các bác sĩ khám thì đã bị viêm não sau cúm. Tương tự một bệnh nhi khác bị biến chứng viêm não sau cúm đang phải điều trị tại khoa.
Theo gia đình bệnh nhi, 3 ngày đầu bệnh nhi sốt cao liên tục. Bước sang ngày thứ 4, bệnh nhi hạ sốt gia đình nghĩ con đã đỡ bệnh.
Tuy nhiên, bé lại ngủ rất nhiều, ngủ cả ngày không ăn uống. Ngay sau đó, bệnh nhi được đưa tới bệnh viện Nhi Trung ương và được chẩn đoán viêm não sau cúm. Nhờ được điều trị kịp thời hiện sức khỏe các bệnh nhi đã hồi phục và xuất viện.
Tại Khoa Truyền nhiễm vẫn đang điều trị cho 1 bệnh nhi biến chứng viêm não sau cúm.
Theo các chuyên gia y tế, vào mùa Xuân độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện thuận lợi bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển. Đặc biệt ở những nơi đông người như nhà trẻ, cơ quan đông người, chung cư đông người. Ở người lớn bệnh hay gặp nhất là cúm, ở trẻ có thêm sởi, quai bị …
Theo BS Hải, "Biến chứng viêm não sau khi mắc cúm năm nay tần xuất gặp nhiều hơn các năm khác. Biến chứng xuất hiện vào ngày 2-3 sau sốt cao trẻ ngủ nhiều, buồn nôn, nôn khan, co giật… và có những biểu hiện của nhiễm khuẩn thần kinh trung ương (li bì, co giật…).
Một số biến chứng khác gặp khi mắc cúm như viêm phổi do vi rút cúm hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn có sẵn trong hầu, họng của bệnh nhân".
Người dân nên tiêm vaccine để phòng tránh cúm và các biến chứng khi mắc.
Cúm là bệnh lây lan rất nhanh, triệu chứng giống như các trường hợp sốt virus nói chung. "Điểm đặc biệt sốt do cúm thường rất cao 39-40 độC. Khi bệnh nhân sốt cao nếu xử lý sốt không tốt dễ xảy ra tình trạng co giật.
Ngoài triệu chứng sốt, bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các triệu chứng ho nhiều, chảy nước mắt, chảy nước mũi, khám họng có thể viêm đỏ có thể viêm phế quản…", bác sĩ Hải nói.
Điều trị cúm cần phải lưu ý tới vấn đề hạ sốt và và chăm sóc phòng biến chứng. Dùng thuốc hạ sốt 6 tiếng/ lần, vệ sinh mũi, miệng, họng hàng ngày, nếu trẻ ho dùng thuốc giảm ho tránh biến chứng viêm phổi.
"Việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ rất quan trọng khi trẻ sốt 1 độ nhu cầu dinh dưỡng phải tăng thêm 10% giúp hồi phục cơ thể rất nhanh. Khi trẻ bị ốm phải tăng nhu cầu dinh dưỡng lên 20-30%", bác sĩ Hải cho biết thêm.
Hầu hết các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà, tuy nhiên phải theo dõi một số dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục không hạ, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, khó thở, không chịu chơi…phải đưa trẻ đi viện để tránh biến chứng.
Biến chứng viêm não sau cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong.
Các chủng cúm thông thường ở Việt Nam là H1N1, H3N2 đều có vaccine phòng ngừa, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm ở nước ta còn rất ít. Sở Y tế các tỉnh, thành phố khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine để phòng tránh cúm và các biến chứng khi mắc.
Triệu chứng viêm não là sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm từ 2- 3 ngày, trẻ bắt đầu chậm chạp, ngủ nhiều, có trẻ buồn nôn, nôn khan, co giật, có trẻ lại có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật. Sau 48h chủ yếu chỉ điều trị hạ sốt và chăm sóc cho bé để phòng biến chứng.
Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6h/lần để giảm nguy cơ co giật.