Khổ sở, ngại "yêu" vì "chuyện khó nói" sau sinh

Anh Thư thực hiện |

Sau khi sinh bé thứ 2, tôi bắt đầu gặp chuyện khó nói là thỉnh thoảng có ít nước tiểu tự nhiên thoát ra, nhất là khi vận động mạnh, quan hệ tình dục…

Bạn đọc N.T (32 tuổi; TP HCM) hỏi: Sau khi sinh bé thứ 2 (nặng 3,8 kg, bé trai, sinh thường) tôi bắt đầu gặp chuyện khó nói : thỉnh thoảng có ít nước tiểu bị thoát ra mà không kiểm soát được, có lần leo cầu thang xong còn bị nhiều đến nỗi làm ướt cả váy. 

Vấn đề này cũng ảnh hưởng lớn đến quan hệ vợ chồng vì đôi khi hiện tượng này xảy ra cả khi gần gũi, làm tôi ngại và thiếu tự tin. Chuyện tôi đang gặp chữa được không và chữa như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trả lời:

Theo mô tả thì chuyện khó nói bạn đang gặp chính là chứng són tiểu sau sinh rất thường gặp. Đa số gặp trong những trường hợp đẻ thường (sinh ngả âm đạo); tuy nhiên, một số trường hợp sau sinh mổ vẫn có thể bị són tiểu.

Són tiểu là tình trạng nước tiểu chảy ra không tự chủ qua đường niệu đạo do có sự mất cân bằng giữa lực giữ nước tiểu của niệu đạo với lực co bóp để thải nước tiểu của bàng quang. Són tiểu thường xuất hiện khi hoạt động gắng sức làm tăng áp lực bên trong bụng như khi ho, hắt hơi, cười, đi lại, tập luyện thể thao, nâng vật nặng, thay đổi tư thế từ ngồi hoặc nằm sang đứng, sinh hoạt tình dục…

Nguyên nhân của chứng này là do sau quá trình mang thai, tử cung lớn dần và đè vào bàng quang cũng như toàn bộ lớp cân cơ đáy chậu (sàn chậu); hoặc do quá trình đẻ: khi thai nhi đi qua ống đẻ thoát ra ngoài ảnh hưởng đến trương lực cơ bàng quang hoặc làm giãn, suy yếu hay tổn thương lớp cân cơ sàn chậu, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế cầm giữ nước tiểu, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hoạt động co thắt cơ vùng hậu môn và âm đạo dẫn đến són phân hoặc suy giảm cảm giác tình dục.

Tuy nhiên, một số phụ nữ dù không sinh đẻ nhưng vào tuổi trung niên, mãn kinh vẫn có thể gặp phải cơ chế trên và bị són tiểu.

Són tiểu gây nhiều phiền toái cho phụ nữ như làm mất vệ sinh, viêm nhiễm, mất tự tin, lo âu, trầm cảm, chất lượng sống suy giảm nghiêm trọng. Nếu són tiểu nhẹ thì có thể vài tháng sau sinh (2-3 tháng) tình trạng sẽ giảm và mất hẳn; nếu nặng hơn do cơ sàn chậu bị giãn, tổn thương nhiều sau sinh thì tình trạng không giảm đi mà còn có khi tăng thêm, cần được điều trị tích cực .

Để điều trị chứng này, bạn cần đến khám ở cơ sở y tế chuyên sản phụ khoa để được đánh giá tình trạng và có cách điều trị thích hợp. Nếu nhẹ, bạn sẽ được các BS hướng dẫn tự tập tại nhà theo phương pháp tập phục hồi chức năng cơ sàn chậu (bài tập Kegel).

Trường hợp nặng hơn hoặc việc tập luyện không hiệu quả thì có thể can thiệp bằng phẫu thuật để phục hồi và nâng đỡ sàn chậu. Ngoài ra, hiện nay còn có thêm những phương pháp khác như dùng thuốc, dùng tia laser. Bạn không nên vì xấu hổ mà cam chịu hoặc giấu bệnh, cần nhanh chóng điều trị để lấy lại chất lượng cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại