Theo Newsweek, Vladimir Yermakov, Giám đốc chính sách kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích quyết định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký năm 1987.
Hiệp ước INF có hiệu lực từ năm 1988, theo đó cấm cả Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ phát triển và triển khai các loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
Thỏa thuận được ký kết nhằm giảm căng thẳng ở châu Âu, nơi cả 2 nước đã từng triển khai hàng chục tên lửa, làm dấy lên mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân. Các loại tên lửa này chỉ cần vài phút để có thể trúng mục tiêu, và khiến đối phương chỉ có thời gian ngắn ngủi để đưa ra quyết định và phản ứng.
Động thái rút khỏi INF của Mỹ có thể dẫn tới việc triển khai tên lửa mới của Mỹ trên khắp toàn cầu khi Tổng thống Donald Trump xác định rõ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran là những đối thủ tại văn kiện chiến lược chủ chốt.
Một vụ thử vũ khí của Mỹ
Với những thành viên trong liên minh quân sự phương Tây NATO do Mỹ dẫn đầu ông Yermakov cảnh báo , "an ninh ở châu Âu không thể chia cắt, nếu bạn không muốn gặp rắc rối từ phía chúng tôi, hãy đừng mang rắc rối cho chúng tôi". Ông khẳng định, Nga rất "quan tâm đến việc tránh cuộc khủng hoảng tên lửa mới ở châu Âu và các khu vực khác".
Ông Yermakov cũng cảnh báo sẽ đáp trả một lệnh cấm một chiều về việc triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn tối tân, sau sự sụp đổ của hiệp ước INF.
"Chúng tôi hy vọng cách tiếp cận có trách nhiệm đối với an ninh châu Âu chiếm ưu thế ở Washington và NATO", Giám đốc chính sách kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ngoài từ bỏ việc triển khai tên lửa tầm trung, ông Yermakov cũng khẳng định Nga "cởi mở với bất kỳ sáng kiến đa phương nhằm tăng cường an ninh và ổn định thế giới".
Nguyên nhân chính khiến Mỹ rút khỏi hiệp ước INF là cáo buộc từ phía Washington rằng Moscow đã triển khai một loại vũ khí vi phạm hiệp ước. Mỹ lập luận rằng tên lửa Novator 9M729 có tầm hoạt động hơn 498km nên đề nghị phải phá bỏ hệ thống vũ khí này.
Nga phủ nhận cáo buộc này và lập luận rằng hệ thống phóng tên lửa Mark 41 của Mỹ được kết nối với hệ thống phòng thủ Aegis Ashore ở Romania và có thể kích hoạt tên lửa Tomahawk.
Sau khi Mỹ bày tỏ những quan điểm khác thường về INF tháng trước, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố Lầu Năm Góc nên thể hiện sự tuân thủ của mình bằng cách "loại bỏ hệ thống phóng tên lửa MK-41 được thiết kế để phóng tên lửa hành trình Tomahawk" cũng như "các tên lửa mục tiêu có tính năng giống với tên lửa đạn đạo tầm trung", những vũ khí mà Moscow cho rằng bị cấm theo hiệp ước INF.
Đáp lại, đại sứ Mỹ ở NATO đã ra tuyên bố, những vũ khí này "hoàn toàn tuân thủ" nội dung hiệp ước.
Ông Yermakov cũng cho biết, Nga liên tục đưa ra các biện pháp cụ thể và thực tế để giải quyết các bất đồng "nhưng đáp lại, chúng tôi chỉ nhận được sự khước từ của Mỹ.
Ngày 20/2, trong Thông điệp liên bang thường niên được đọc trước Hội đồng Liên bang Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành một phần nội dung để chỉ trích Mỹ liên quan tới INF khi cho rằng Washington đang sử dụng những "cáo buộc cường điệu" để rút khỏi thỏa thuận có từ thời Chiến tranh Lạnh này.
Tổng thống Putin cho biết ông hiểu được mối quan ngại về thỏa thuận INF, nhấn mạnh các đối tác của Mỹ "cần trung thực... thay vì sử dụng các cáo buộc cường điệu chống lại Nga nhằm biện minh cho việc đơn phương rút khỏi hiệp ước này".
Mặc dù khẳng định Nga sẽ không tìm kiếm xung đột và không khơi mào triển khai các tên lửa tầm trung nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi INF, song ông Putin tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng trước bất kỳ việc triển khai tên lửa này tại châu Âu, bằng cách không chỉ nhắm tới những nước bố trí các tên lửa này mà ngay cả Mỹ.
Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh phản ứng của Nga trước mọi hành động triển khai tên lửa sẽ cương quyết và cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cần tính toán rủi ro trước khi thực hiện bất kỳ bước đi nào.