Báo chí Ba Lan kêu gọi chính phủ nước này ra quyết định thay thế ngay lập tức những cỗ máy này bằng các chiến đấu cơ của Mỹ.
Hôm thứ hai vừa qua, ở ngoại ô Warsaw, một chiếc tiêm kích MiG-29 do Liên Xô sản xuất đã gặp nạn và đây là trường hợp thứ ba sau hai vụ trước đó từng xảy ra vào năm 2017 và 2018. Phi công đã phóng ghế thoát hiểm và sống sót.
Theo thông tin của kênh TVN 24, các máy bay MiG-29 của Ba Lan được chế tạo cách đây 30 năm và ban đầu thuộc biên chế của Lực lượng Không quân Cộng hoà Séc và Slovakia, sau đó là của Cộng hoà Séc, tiếp đó được Ba Lan mua lại.
Sau vụ tai nạn mới nhất này, các chuyến bay trên những tiêm kích MiG-29 đã bắt đầu bị cấm tạm thời ở Ba Lan.
"Những máy bay MiG-29 là một trong các tiêm kích tốt nhất trong lịch sử, nhưng thời gian của nó đã điểm.
Nếu đất nước của chúng ta không thể quan tâm tới công tác tu sửa những máy bay tiêm kích này, thì các chính khách sẽ phải ra quyết định phù hợp, bởi mạng sống của các phi công phụ thuộc vào điều đó", tờ Gazeta Wyborcza (Ba Lan) nhấn mạnh.
Tờ báo này nhắc lại rằng, vào tháng 7 năm ngoái, một phi công đã thiệt mạng trong vụ tai nạn tương tự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mariush Blashak, người đang bị buộc tội vì không thể lý giải được một loạt các vụ tai nạn hoặc không bảo đảm an toàn của phi công, lên tiếng kêu gọi mua các máy bay tiêm kích F-35 của Mỹ, mặc dù chưa rõ khi nào, và kinh phí ở đâu.
"Điều còn tồi tệ hơn đó là chúng tôi cho đến nay vẫn không biết nguyên do của các vụ tai nạn trước đây: Đó là kết quả của cuộc chiến thương mại với Nga và tình trạng thiếu phụ tùng, mà vì thế phải thay bằng phụ tùng nhái, hoặc đó là kết quả từ sự ra đi của các chuyên gia tốt nhất?", tờ báo này đặt câu hỏi.
Gazeta Wyborcza nhắc nhở rằng, Bộ quốc phòng trong tháng trước đã tuyên bố các máy bay MiG-29 an toàn và có thể hoạt động tới năm 2030.
Bulgaria cũng đang sở hữu các cỗ máy tương tự mà Nga là nhà thầu thực hiện công tác tu sửa, còn Hungaria đã dừng sử dụng những máy bay này từ năm 2010. Người Séc và Đức, theo Gazeta Wyborcza, đã bán các máy bay của mình cho Ba Lan.
Tờ Rzeczpospolita (Ba Lan) về phần mình thông báo rằng, các lực lượng chủ lực của Không quân Ba Lan đang sở hữu 48 máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ, nhưng trong biên chế vẫn còn "hàng chục máy bay tiêm kích bom Su-22 và MiG-29 trẻ trung hơn đôi chút".
Những lời hứa của Bộ trưởng Quốc phòng về việc ưu tiên mua sắm các máy bay mới là quá ít, đã đến lúc phải hành động, "các chính khách phải nhận thức được rằng, nếu không ra quyết định bây giờ thì lực lượng Không quân của chúng ta sẽ nhanh chóng đánh mất khả năng hoạt động hiệu quả", tờ Rzeczpospolita viết.
Các máy bay tiêm kích MiG-29 được nghiên cứu chế tạo vào thập niên 70, nó được bàn giao cho quân đội Liên Xô vào năm 1983. Vào tháng 4/1989, chiếc máy bay đầu tiên đã có mặt tại Séc và Slovakia. Năm 1995, chúng được chuyển lại cho Ba Lan để đổi lấy các trực thăng "Chim ưng" chuyên phục vụ hoạt động cứu hộ.
Trong Không quân và không quân hải quân Nga có gần 200 chiếc máy bay MiG-29 các phiên bản. Vào tháng 1/2016 Không quân Nga không còn chiếc MiG-29 dòng 9-12 và 9-13 (do Liên Xô chế tạo) nào.
Việc sử dụng một cách thành công các máy bay tiêm kích MiG-29SMT tối tân của Nga tại Syria khẳng định sự ổn định và tính hiệu quả của chúng. Đó là tuyên bố của kiến trúc sư trưởng Tập đoàn hàng không thống nhất Nga (UAC) Sergei Korotkov.
Ông còn bổ sung thêm rằng, trong 2,5 tháng vận hành, các máy bay này đã thực hiện hơn 140 lần cất cánh chiến đấu để thực hiện các nhiệm vụ phá huỷ hạ tầng của quân khủng bố.
Theo lời ông Korotkov, MiG-29SMT tại Syria "đã thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu để nghiền nát những căn cứ của quân khủng bố một cách độc lập, cũng như phối hợp với các máy bay Su-34 và Su-35". Ông còn bổ sung thêm rằng, MiG-29SMT còn thực hiện các nhiệm vụ hộ tống những máy bay ném bom Tu-22M3.