Cận vệ bước vào, rút súng bắn tử vong vị Tổng thống quốc gia châu Phi

Đăng Nguyễn |

Tổng thống CH Dân chủ Congo Laurent Kabila mất mạng ngay tại phủ tổng thống vào đầu năm 2001, khi bị một trong những người mà ông coi như con bất ngờ xả súng.

Tổng thống CH Dân chủ Congo, Laurent Kabila bị ám sát năm 2001.

Tổng thống CH Dân chủ Congo, Laurent Kabila bị ám sát năm 2001.

Laurent Kabila là Tổng thống CH Dân chủ Congo từ năm 1997 cho tới khi bị bắn chết vào ngày 16.1.2001. Ông lên nắm quyền sau cuộc binh biến lật đổ cựu Tổng thống Mobutu Sese Seko.

Điều kỳ lạ là những kẻ tham gia ám sát Tổng thống Kabila lại chính là các tay súng trẻ tuổi được tuyển chọn làm cận vệ (gọi là Kadogo) cho ông. Các tay súng này ra tay vì nghĩ rằng đã bị ông Kabila phản bội.

Các tay súng này đặc biệt trung thành với ông Kabila kể từ cuộc đảo chính năm 1997. Kabila từng nói về đội cận vệ của mình với một doanh nhân nước ngoài: “Chúng không bao giờ chống lại tôi, theo chân tôi ngay từ những ngày đầu. Chúng như con tôi vậy”.

Tuy nhiên, ai là kẻ trực tiếp bắn chết Tổng thống Kabila cho đến nay vẫn còn là bí ẩn.

Theo báo Anh Guardian, sát thủ trẻ tuổi lạnh lùng bước vào phủ tổng thống ở cung điện Marble, thủ đô Kinshasa vào ngày 16.1.2001.

Ở thời điểm đó, ông Kabila đang thảo luận với các cố vấn kinh tế về hội nghị thượng đỉnh sắp tới với Pháp, sự kiện mà ông hy vọng sẽ là chìa khóa cứu rỗi sự nghiệp chính trị đang lung lay của mình.

Nhìn thấy cận vệ bước vào phòng họp, Tổng thống Kabila không một chút hoài nghi, tưởng có việc cần bàn nên liền quay sang để nói chuyện.

Sát thủ liền rút súng ngắn và bắn liên tiếp 4 phát vào người ông Kabila, sau đó tẩu thoát cùng các đồng phạm trong khi cung điện vang lên những tiếng súng.

Cận vệ bước vào, rút súng bắn tử vong vị Tổng thống quốc gia châu Phi - Ảnh 1.

Ông Kabila là người đặc biệt ưa thích sử dụng các chiến binh trẻ tuổi vì sự trung thành.

Sau 15 phút, Tổng thống Kabila được đưa lên trực thăng tới bệnh viện. Lệnh giới nghiêm cũng được ban hành ở Kinshasa, người dân bị cấm ra ngoài từ 6 giờ tối cho tới sáng hôm sau.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, ông Kabila được đưa tới Harae, Zimbabwe để tiếp tục điều trị nhưng qua đời vào 10 giờ sáng ngày 18.1.2001.

Trong khi đó, nhà chức trách CH Dân chủ Congo có cách lý giải khác về vụ ám sát Tổng thống Kabila. Theo Bộ trưởng Tư pháp Mwenze Kongolo, ông Kabila bị bắn chết bởi một cận vệ tên Rashidi Kasereka, 18 tuổi.

Nhưng theo tờ Le Monde, Kasereka chỉ là một thành viên trong nhóm sát thủ. Một người giấu tên gọi là “A.L”, cũng tham gia vào vụ ám sát, nói trên báo Pháp rằng Kasereka bị các vệ sĩ tại phủ tổng thống bắn chết, trong khi kẻ thực sự nổ súng bắn gục ông Kabila là người khác.

“A.L” cùng với 35 người khác chịu trách nhiệm cảnh giới bên ngoài phủ tổng thống. Hai người mang vũ khí tiến vào bên trong, được 4 người khác hỗ trợ.

“Rashidi là một trong nhóm 4 người có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực. Nhưng Rashidi không thoát ra ngoài được. Chúng tôi chạy tới nơi có 6 chiếc xe chờ sẵn, chia làm nhiều hướng rời thành phố”, “A.L” nói.

Âm mưu ám sát Tổng thống Kabila hình thành từ đầu tháng 1.2001, khi một nhóm Kadogo tới thành phố Brazzaville, lập kế hoạch gọi là Chiến dịch Mbongo Zero.

Dựa trên các tài liệu viết tay do báo Pháp Le Monde thu thập, nhóm tay súng bao gồm 75 cận vệ của Tổng thống Kabila không chỉ tham gia ám sát ở phủ tổng thống, mà còn lên kế hoạch chiếm nhiều mục tiêu quan trọng ở thủ đô Kinshasa, gồm đài phát thanh quốc gia, đài truyền hình và trụ sở công ty điện lực.

Nguồn gốc của sự thù hận dẫn đến vụ ám sát gây chấn động đã hằn sâu từ rất lâu. Năm 1996, ông Kabila thành lập Liên minh Dân chủ Giải phóng Congo. Liên minh có sự tham gia của các lực lượng hậu thuẫn đến từ Rwanda, Uganda và nhóm các tay súng trẻ tuổi do Andre Kisase Ngandu, đồng sáng lập liên minh, lãnh đạo.

Không lâu sau, ông Kabila củng cố quyền lực bằng cách sát hại Ngandu và thu nhận các tay súng dưới quyền.

Abdoul, một thành viên trong lực lượng cận vệ, từng giúp ông Kabila đảo chính thành công năm 1997, nói mình không bao giờ tha thứ vì cái chết của Ngandu. “Tôi chiến đấu cho Kabila, nhưng tôi biết ông ta là kẻ phản bội”, Abdoul nói.

Tháng 6.2000, ông Kabila càng khoét sâu thêm bất đồng khi đồng ý gặp Tổng thống Rwanda, tướng Paul Kagame, kẻ thù của các Kadogo. Kết quả là sự chia rẽ ngày càng gia tăng trong hàng ngũ cận vệ Tổng thống.

Cận vệ bước vào, rút súng bắn tử vong vị Tổng thống quốc gia châu Phi - Ảnh 2.

Lễ tang Tổng thống CH Dân chủ Congo, Laurent Kabila

Cũng vào thời điểm này, ông Kabila còn gây bất đồng nội bộ. “Khi tới Kinshasa, chúng tôi không quen biết ai, chỉ theo chân Kabila. Nhưng ông ta đối xử tệ với chúng tôi. Chúng tôi không được trả lương, đôi khi ông ta cho tiền, cảm giác giống như đi ăn xin”, Abdoul nói.

Ngày càng hoang tưởng, Kabila bắt đầu trừng phạt những người từng giúp ông lên nắm quyền. Tháng 11.2000, Kabila tin rằng mình phát hiện âm mưu lật đổ, nên đã bắt giữ, tra tấn và sát hại các tay súng trung thành với tư lệnh Anselme Masasu Nindaga.

Một ngày trước khi vụ ám sát xảy ra, ông Kabila chứng kiến cuộc hành quyết 47 Kadogo, được cho là những người có âm mưu tạo phản.

Đây được coi là giọt nước tràn ly khiến các thành viên khác trong đội ngũ cận vệ quyết định ra tay.

Sau cái chết của ông Kabila, nhà chức trách CH Dân chủ Congo bắt giữ 135 người, đưa ra xét xử ở tòa án binh.

Chủ mưu vụ ám sát, đại tá Eddy Kapend và 25 người khác, bị kết án tử hình vào tháng 1.2003. 64 người bị kết án từ 6 tháng đến tù chung thân. 45 người còn lại được miễn tội.

Tròn 20 năm sau, tháng 1.2021, Tổng thống CH Dân chủ Congo đương nhiệm, Felix Tshisekedi quyết định ân xá cho 26 người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án.

Nhiều người đã chết trong tù nhưng những người còn sống được trả tự do để thể hiện sự nhân đạo và hòa giải dân tộc, Tổng thống Tshisekedi phát biểu trên truyền hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại