Cẩn trọng trước dịch đau mắt đỏ

Hải Yến - Ngọc Dung |

Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát khiến nhiều người bị biến chứng viêm loét giác mạc, nguy cơ suy giảm thị lực lâu dài, nhất là trẻ em.

Số bệnh nhân tới khám và điều trị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong tháng 7 và 8-2023 cao gấp đôi so với những tháng trước đó với khoảng hơn 2.600 bệnh nhân.

Giảm thị lực do đau mắt đỏ

PGS-TS Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa Giác mạc - Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết hằng năm, vào dịp hè nắng nóng, ở những nơi đông dân cư lại xuất hiện các đợt dịch viêm kết mạc cấp do Adenovirus (vi khuẩn vừa gây viêm hô hấp vừa gây đau mắt). Viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn.

Cẩn trọng trước dịch đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ tại Bệnh viện Mắt TP HCM.Ảnh: HẢI YẾN

Khoảng 1 tháng nay, tại Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi Trung ương ngày nào cũng trong tình trạng chật kín bệnh nhi. Đa phần trẻ đến khám vì đau mắt đỏ.

Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết mỗi ngày, khoa tiếp nhận 40 - 50 trẻ có biểu hiện của viêm kết mạc cấp, trong đó 80% là do Adenovirus. Ở trẻ em, bệnh đau mắt đỏ có thêm biểu hiện của viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng.

"Số ca đau mắt đỏ tăng đột biến khoảng 1 tháng trở lại đây chủ yếu ở trẻ trong độ tuổi mầm non (dưới 5 tuổi). Có gia đình 4 - 5 người đều mắc do trẻ tiếp xúc với bạn bè bị đau mắt đỏ ở trường rồi về nhà lây cho người thân" - bác sĩ Quỳnh Anh thông tin.

Theo Sở Y tế TP HCM, qua báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, số lượt bị đau mắt đỏ là 71.740. Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Trong đó, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học.

Sáng 6-9, bà Nguyễn Thị Nga (41 tuổi, giáo viên) phải xin nghỉ làm để đến Bệnh viện Mắt TP HCM khám vì mắt bỗng đau khó chịu sau khi ngủ dậy.

"Ngày khai giảng, tôi nhận thông tin có một số trẻ bị đau mắt đỏ phải nghỉ học. Nên khi có biểu hiện đau mắt, tôi đến bệnh viện khám để phòng ngừa lây lan trong gia đình cũng như học sinh" - bà Nga nói.

Cũng với triệu chứng trên, bà Trương Cẩm Thúy (47 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) cho biết trước đó vài ngày, chồng bà bị đau, đỏ mắt. Dù đã rất cẩn thận làm theo những khuyến cáo của các bác sĩ nhưng bà vẫn có biểu hiện bị lây nhiễm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Diệu Thơ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 - 70 ca đau mắt đỏ.

Tương tự, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) cũng tiếp nhận khoảng 60 - 70 trẻ đau mắt đỏ đến khám. Ngồi chờ lấy thuốc với đôi mắt sưng đỏ, ông T.Q.K (40 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết trước đó gần 1 tuần, con gái ông đi học về bị sưng mắt. Sau đó, mắt bé đỏ nhưng không đau, không đổ ghèn. Vì vậy, ông tự mua thuốc nhỏ cho con nhưng tình trạng không cải thiện, mắt càng đỏ nên ông đưa con đến bệnh viện khám. "Bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bé bị đau mắt đỏ. Tôi cũng bị lây" - ông K. nói.

Không tự điều trị đau mắt đỏ

Theo bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, đau mắt đỏ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như trầy xước giác mạc, thậm chí mất thị lực. Bệnh khởi phát 3 - 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, triệu chứng là xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn xanh - vàng.

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh nguy cơ xuất hiện giả mạc là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, khiến bệnh lâu khỏi hoặc gây tổn thương giác mạc. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét, ảnh hưởng thị lực lâu dài của trẻ.

"Thông thường, đau mắt đỏ sẽ khỏi sau 5 - 7 ngày điều trị. Tuy nhiên năm nay, nhiều trường hợp bị nặng hơn ở thể viêm kết giác mạc phải điều trị từ 10 - 20 ngày. Có những bệnh nhân tự mua thuốc điều trị dẫn đến loét giác mạc, tăng nhãn áp, thậm chí sẹo giác mạc làm suy giảm thị lực" - bác sĩ Quỳnh Anh lo ngại.

PGS Lê Xuân Cung cho biết khi điều trị bệnh viêm kết mạc cấp cho trẻ, đặc biệt là những trường hợp nặng thì vai trò của cha mẹ và người thân vô cùng quan trọng vì trẻ không thể tự dùng thuốc. Với trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cấp nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt vì có thể đưa vi khuẩn bám ở tay nhiễm vào mắt gây bội nhiễm. Cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ trẻ không khóc để không bị trôi thuốc.

Ngoài ra, người bệnh không đeo kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc; sử dụng riêng các vật dụng cá nhân, hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người; không nên tự mua thuốc về tra; không nên sử dụng những biện pháp chữa dân gian như xông, rửa mắt bằng lá trầu không, vì hơi lá bốc lên có thể gây tổn thương biểu mô giác mạc - PGS Lê Xuân Cung khuyến cáo.

Rửa tay phòng ngừa

Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thơ khẳng định hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh đau mắt đỏ. Do đó, phương pháp điều trị vẫn là theo dõi và sử dụng kháng sinh để ngừa bội nhiễm.

Biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Bác sĩ Thơ lưu ý đau mắt đỏ có thể nhầm lẫn với các bệnh như tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào… Đây là những bệnh lý nguy hiểm cần được chẩn đoán, điều trị sớm. Do đó, khi có các biểu hiện đau mắt đỏ, người bệnh nên đến chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Nếu dùng không đúng cách sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí loét giác mạc, ảnh hưởng thị lực.

"Tại bệnh viện, khi thăm khám, bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi để chẩn đoán, phân biệt các thể gây đau mắt đỏ. Từ đó có các phương án điều trị phù hợp" - bác sĩ Thơ phân tích.

Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng, Sở Y tế TP HCM đã phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU) thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ.

Sở Y tế cũng có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại