Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn
Nguyên nhân thường gặp nhất là do salmonela, tụ cầu vàng và do rotavirus. Salmonela là nguyên nhân hay gặp nhất trong các nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn, bệnh gặp khắp nơi trên thế giới. Vi khuẩn này thường có trong thịt, sữa, trứng.
Khi nhiễm vi khuẩn, sau 12 – 36 giờ sẽ xuất hiện các biểu hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, đôi khi đau lan tỏa khắp bụng; buồn nôn và nôn nhiều lần, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân thối, nhiều nước, không mót rặn, trong phân có thể có lẫn thức ăn chưa tiêu; kèm theo có sốt cao 38 – 40 độ, có rét run, nhức đầu mệt mỏi, khát nước, môi khô, mắt trũng…
Điều trị chủ yếu bổ sung nước và điện giải, hạ sốt, an thần và cân nhắc khi sử dụng kháng sinh.
Thức ăn đường phố, không đảm bảo vệ sinh là một nguyên nhân gây tiêu chảy cấp
Tiêu chảy do tụ cầu vàng thường từ nguyên nhân ban đầu bị viêm họng, viêm xoang đang có ổ mủ trên da do tụ cầu. Lây chủ yếu qua đường tiêu hóa do thực phẩm bị ô nhiễm.
Sau khi nhiễm từ 30 phút - 6giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị nhiều hơn vùng rốn, đau quặn từng cơn; buồn nôn và nôn nhiều lần trước khi đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước. Thường không có sốt hoặc sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, có thể rối loạn nước và điện giải… Điều trị chủ yếu là bổ sung nước và điện giải, trợ tim mạch.
Rotavirus là tác nhân chính gây ỉa chảy cấp ở trẻ em dưới 3 tuổi và cũng là nguyên nhân gây tử vong chính trong các virus rota. Lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống nhiễm virus. Bệnh thường xuất hiện sau 24 - 48 giờ, khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt cao hoặc không sốt, nôn nhiều, ỉa chảy nhiều lần trong ngày, phân nhiều nước.
Bệnh nhi mất nước điện giải và suy dinh dưỡng nhanh. Điều trị chủ yếu là điều chỉnh cân bằng nước và điện giải.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc
Các thuốc trị tiêu chảy có rất nhiều loại, tuy nhiên khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần hiểu rõ về các tác dụng cũng như cách sử dụng để mang lại hiệu quả.
Bù nước và điện giải: Tiêu chảy cấp chỉ kéo dài dưới 2 tuần, lúc này phải hết sức chú ý vấn đề mất nước và điện giải. Mặc dù không điều trị được nguyên nhân nhưng đây là biện pháp căn bản để tránh được các rối loạn do mất nước và điện giải gây ra.
Thuốc thường dùng là oresol với nhiều hàm lượng khác nhau, tuy nhiên phải chú ý pha thuốc đúng tỷ lệ được hướng dẫn, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải… Nên uống dung dịch này liên tục trong ngày.
Thuốc làm giảm nhu động ruột: Trong nhóm này các thuốc thường được dùng là loperamid, diphenoxynat. Đây là loại thuốc làm giảm sự co bóp của ruột nên nước và chất điện giải di chuyển trong ruột chậm hơn, từ đó làm tăng sự hấp thu nước và điện giải trong lòng ruột vì thế làm tăng độ đặc của phân.
Tuy nhiên, nhóm thuốc này không dùng thuốc trong các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn, chỉ dùng trong các trường hợp như tiêu chảy do chế độ ăn, do dị ứng… Nếu dùng thuốc này trong trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh.
Thuốc kháng tiết ở ruột non: Thuốc có tác dụng ức chế men encephalinase, làm ức chế tiết ở ruột do độc tố của vi khuẩn tả hoặc do viêm mà không làm giảm dịch tiết cơ bản khác. Thuốc hấp thu nhanh qua ống tiêu hóa, đạt đỉnh điểm sau khi uống 1 giờ, thời gian tác dụng khoảng 8 giờ. Thuốc đôi khi gây buồn ngủ, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Thuốc dẫn xuất từ nấm men và vi khuẩn: Antibiophilus, byosybtin… các nấm men không gây bệnh, đề kháng với kháng sinh, cung cấp các enzyme, các acid amin và các vitamin nhóm B, nó ức chế sự phát triển của Candida albica và một số vi khuẩn khác (đặc biệt là các vi khuẩn xuất hiện khi dùng kháng sinh). Với đa số các thuốc này không nên dùng chung với các kháng sinh đường uống nhất là các kháng sinh phổ rộng.
Các chất hấp phụ: Là những silicat thiên nhiên hoặc nhựa polyacryl thán nước, có khả năng hút nước rất nhiều làm tăng độ đặc của phân. Thuốc không được hấp thu vào máu và được đào thải theo phân mang theo các chất mà chúng đã hấp phụ, do đó không dùng chung với nhóm làm giảm nhu động ruột.
Ngoài ra cần chú ý dùng các thuốc khác cách xa thuốc này khoảng 2 tiếng. Một số thuốc hay dùng của nhóm này như gelopectose (pectin, cellulose, silice, dextrin - maltose, natri clorit); sacolen (thành phần có lactoprotein methylelic),…
Ngoài ra trong đông y còn hay sử dụng thuốc berberin là alcaloit chiết xuất từ các cây vàng đắng, hoàng liên, hoàng bá, hoàng đằng. Thuốc có tác dụng diệt lỵ amíp, một số vi khuẩn gây bệnh đường ruột.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp do nhiễm khuẩn
Trước hết, mỗi người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm. Bảo quản tốt thức ăn, nước uống trước, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong và sau khi chế biến thức ăn.
Không ăn đồ sống, gỏi, tiết canh; tạo lập thói quen rửa tay trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh; quản lý tốt chất thải sinh hoạt ra môi trường, đặc biệt quản lý tốt chất thải của con người nhất là của những bệnh nhân tiêu chảy cấp.
Tiết canh là máu sống, nhiều vi chứa nhiều vi khuẩn đặc biệt là bệnh tiêu chảy
Điều trị tiêu chảy cấp có rất nhiều thuốc và cũng có rất nhiều chú ý kèm theo. Trước khi tính đến việc dùng thuốc cầm tiêu chảy bao giờ cũng phải nghĩ đến việc bù nước và điện giải nhất là với trẻ em.
Cần đến khám tại các cơ sở y tế khi đã dùng thuốc mà các triệu chứng không cải thiện hoặc tiêu chảy có kèm theo sốt, nôn, người bệnh có tình trạng mất nước mắt trũng, môi khô, ít nước tiểu, lú lấn, lơ mơ…