Ký sinh trùng di chuyển dưới da bệnh nhân (ảnh Thanh Thanh).
Nội dung chính
- Người phụ nữ 42 tuổi tại Vĩnh Phúc đi khám do ngứa toàn thân, lòng bàn tay có sinh vật di chuyển.
- Người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với giun đũa chó mèo.
- Cách phòng ngừa lây nhiễm giun đũa mèo
Chị T, 42 tuổi tại Vĩnh Phúc, ở nhà ngứa toàn thân, đặc biệt trên lòng bàn tay có sinh vật di chuyển tạo thành 'đường hầm' trên da. Trước đó, chị T nghĩ dị ứng thông thường nên mua thuốc về uống, tuy nhiên không thuyên giảm nhiều.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lòng bài tay trái của bệnh nhân T xuất hiện một vệt dài loằng ngoằng, nổi gồ lên, dài khoảng 5-8 cm. Bệnh nhân đã được chỉ định làm xét nghiệm ký sinh trùng và xét nghiệm kháng thể dị ứng.
Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với giun đũa chó mèo (Toxocara spp).
Khi có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và nhận định vệt gồ trên tay bệnh nhân chính là do sự di chuyển của ấu trùng giun đũa chó mèo dưới da.
Được biết bệnh nhân làm nghề nông và đang nuôi 8 con vật, trong đó có 3 con chó và 5 con mèo.
Bệnh nhân T đã được điều trị tích cực, tình trạng ngứa hoàn toàn biến mất, vết ban trên tay đã liền sẹo hoàn toàn. Bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định và được hẹn tái khám sau 1 tháng để xét nghiệm lại kháng thể giun đũa chó mèo.
TS.BS Vũ Minh Điền – Phó trưởng Khoa Nội tổng hợp - cho biết giun đũa chó mèo là một loại ký sinh trùng thường gặp ở chó và mèo. Chúng có khả năng lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa.
Khi con người tiếp xúc với đất hoặc nước bị nhiễm trứng giun từ phân chó, mèo, trứng giun có thể xâm nhập vào cơ thể qua miệng và phát triển thành ấu trùng. Những ấu trùng này di chuyển qua các mô cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng, phổ biến nhất là ngứa, nổi sẩn và các ban trên da.
Ký sinh trùng di chuyển dưới da bệnh nhân.
"Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó mèo trong cộng đồng hiện nay rất cao, đặc biệt ở các khu vực có nhiều người nuôi chó, mèo làm thú cưng. Trước đây, chó mèo chỉ được nuôi để canh giữ nhà cửa hoặc săn bắt chuột, nhưng hiện nay, chúng trở thành thú cưng phổ biến, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm giun sán cho người", bác sĩ Điền lứu ý.
Việt Nam, một quốc gia nhiệt đới, là môi trường thuận lợi cho nhiều loại bệnh ký sinh trùng phát triển, trong đó có giun đũa chó mèo. Điều này làm cho việc tránh phơi nhiễm hoàn toàn với ký sinh trùng trở nên rất khó khăn.
Theo bác sĩ Điền, người dân khi có các triệu chứng như: ngứa, nổi ban sẩn, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được xét nghiệm và điều trị kịp thời.
"Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh giun đũa chó mèo rất quan trọng, vì nếu không được xử lý kịp thời, ký sinh trùng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Bên cạnh việc điều trị, cần có các biện pháp phòng ngừa như tẩy giun định kỳ cho chó, mèo và giữ vệ sinh cá nhân để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm", bác sĩ Điền cho hay.
Ngoài ra, người dân cần thu dọn, loại bỏ ngay phân của thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm; rửa sạch tay sau khi sờ hay chơi với các thú cưng và vật nuôi trong nhà hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi nguy cơ nhiễm.