Cách sơ cứu khi con hóc dị vật cha mẹ nhất định phải biết

Tiểu Nhã |

Việc trẻ bị hóc dị vật có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu hóc dị vật vào đường thở thì cực kỳ nguy hiểm có thể gây ngừng thở, chết não trong vài phút đầu tiên.

Chết vì hạt nhãn

Cả gia đình cúng rằm tháng 7 vì không để ý đến con khiến cháu ăn nhãn và bị hóc vào đường thở. Cha mẹ không biết sơ cứu đã dẫn đến cái chết tức tưởi của bé.

Tin từ BV A Thái Nguyên cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cháu bé 23 tháng tuổi bị tử vong trên đường đến Bệnh viện vì hóc hạt nhãn.

Cách sơ cứu khi con hóc dị vật cha mẹ nhất định phải biết - Ảnh 1.

BSCK II Đỗ Minh Thịnh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, cháu bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngưng thở, các bác sĩ hồi sức cấp cứu bệnh viện A với tinh thần "còn nước còn tát" đã nỗ lực hết sức nhưng cháu bé vẫn không qua khỏi.

Bé Nguyễn Minh H. 6 tuổi, trú ở Vân Đình, Hà Nội ăn vải bị sặc, quả vải chui vào cổ họng khiến bé H. khó thở, tím tái và bé tử vong ngay sau khi đưa đến viện cấp cứu là bài học cho nhiều ông bố, bà mẹ về việc hóc dị vật các loại hạt của trẻ nhỏ mùa vải, mùa nhãn.

Dị vật đường thở là tai nạn thường xuyên gặp trong sinh hoạt từ các vật dụng nhỏ, đồ chơi đặc biệt là thức ăn như thạch, hạt nhãn, hạt vải rất dễ chui vào đường thở.

Bịt hết đường thở của trẻ khiến trẻ không có ôxy gây nên ngừng tuần hoàn và có tổn thương não.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hầu như mùa vải, mùa nhãn nào bệnh viện cũng tiếp nhận vài trường hợp bị dị vật đường thở do hạt nhãn, hạt vải trôi vào họng nhưng rất ít phụ huynh có cách sơ cứu được cho con.

Trường hợp may mắn như bé Bùi Gia H. 2,5 tuổi, Hòa Bình nhập cấp cứu bệnh viện Nhi trung ương hồi tháng 7 vừa qua được mẹ sơ cứu đúng cách sau khi thấy con ăn vải và bị tím tái sau ăn.

Mẹ của bé H. khi đang ăn quả vải cùng mọi người, đột nhiên cháu H. ho sặc sụa, tím tái và khó thở. Mẹ cháu hoảng hốt theo phản xạ vội móc tay vào miệng con, vô tình khiến cháu càng khó thở, tím tái và chảy máu vùng miệng.

Mẹ của bé H. cho biết dù khi ấy vô cùng sợ hãi nhưng mẹ cháu chợt nhớ đến kỹ thuật xử trí dị vật đã từng được xem trên ti vi nên đã cho bé H. nằm sấp đầu thấp đồng thời vỗ vào lưng.

Sau đó cho cháu nằm ngửa và ấn vào vùng ngực của bé mấy nhát. Sau khi thực hiện 2 động tác trên, hạt vải đã bật ra ngoài, sau đó cháu khóc to, đỡ khó thở và tím tái.

Thạc sĩ Lương Quốc Chính – Khoa cấp cứu A 9 Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, dị vật đường thở là một dị vật cực kỳ nguy hiểm có thể cướp mất mạng sống của bất cứ ai trong vài phút.

Vì thế mọi người cần phải học cách sơ cứu để có tình huống xảy ra có thể sơ cấp cứu.

Cách sơ cứu khi con hóc dị vật cha mẹ nhất định phải biết - Ảnh 2.

Các cách sơ cứu phải ghi nhớ

Theo thạc sĩ Chính, dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi trẻ bị sặc, đó là "hội chứng xâm nhập" như trẻ đang ăn, đang chơi đột ngột ho sặc sụa, mặt tím tái, vã mồ hôi, thở gắng sức.

Nếu dị vật gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn (dị vật thanh quản) trẻ có thể ngừng thở ngay lập tức, tiếp đó là hôn mê và tử vong nếu không được xử trí đúng cách.

Hội chứng xâm nhập cũng có thể chỉ kéo dài một vài phút thì hết do dị vật đã di chuyển sâu vào bên trong đường thở gây tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn.

Tuy nhiên, sau khi vào sâu vào trong đường thở, tùy thuộc vào vị trí mắc kẹt dị vật mà trẻ có các biểu hiện khác nhau: nói khàn, thở rít, thở khò khè và khó thở (dị vật hạ thanh quản, khí quản);

Ho và thở khò khè, ho ra máu, khó thở, nghẹt thở, suy hô hấp, thở yếu, sốt và tím tái (dị vật phế quản).

Thói quen của các bậc cha mẹ là khi thấy con khóc sẽ móc họng để nôn ra dị vật, tuy nhiên, thạc sĩ Chính cảnh báo việc này là không nên.

Vì khi móc họng vô tình sẽ kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng.

Cách sơ cứu khi con hóc dị vật cha mẹ nhất định phải biết - Ảnh 3.

Bị hóc dị vật, cấp cứu là thời gian vàng vì trong nhiều trường hợp, trẻ có thể bị mất não sau 3 - 5 phút khi bị tắc nghẽn đường thở hoàn toàn. Việc sơ cứu kịp thời sẽ quyết định việc có cứu sống được trẻ hay không.

Với những trẻ bị sặc đường thở do dị vật có kích thước lớn và nhiều góc cạnh thường dễ gây suy hô hấp, ngừng thở và có nguy cơ tử vong cao.

Trong trường hợp này cha mẹ cần khẩn trương gọi ngay người hỗ trợ đồng thời tiến hành ngay các thao tác sau:

Đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng, mở miệng trẻ và thử móc họng trẻ lấy những dị vật nhìn thấy được ra, nâng cằm và/hoặc đẩy hàm để làm thông thoáng đường thở.

Cách thức thực hiện nâng cằm là dùng các ngón của một bàn tay được đặt dưới hàm dưới và nhẹ nhàng nâng lên để di chuyển cằm ra phía trước, ngón tay cái của bàn tay đó nhẹ nhàng ấn môi dưới để mở miệng.

Ngón tay cái cũng có thể được đặt phía sau răng cửa hàm dưới để nâng nhẹ cằm lên sao cho các răng cửa trung tâm hàm dưới ra trước hơn các răng cửa trung tâm hàm trên.

Tay còn lại có thể đặt lên trán của trẻ và nhẹ nhàng đẩy đầu ngửa ra sau nếu không có nghi ngờ chấn thương cột sống cổ. Đối với trẻ nhũ nhi hoặc trẻ nhỏ, có thể chỉ cần dùng một ngón trỏ để nâng cằm.

Với kỹ thuật đẩy hàm, ôm chặt các góc của hàm dưới bằng bàn tay ở cả hai bên và di chuyển hàm dưới ra trước (lên trên) sao cho các răng cửa trung tâm hàm dưới lên trước (cao hơn) các răng cửa trung tâm hàm trên.

Nếu không nghi ngờ tổn thương cột sống cổ thì nhẹ nhàng đẩy ngửa đầu khi thao tác đẩy hàm đơn thuần không làm đường thở thông thoáng được.

Nếu các thao tác trên không có hiệu quả thì hãy cố gắng sử dụng ngay các biện pháp tống dị vật ra ngoài như: nghiệm pháp vỗ lưng và ấn ngực.

Cách sơ cứu khi con hóc dị vật cha mẹ nhất định phải biết - Ảnh 4.

Cha mẹ nên cẩn thận khi cho trẻ tiếp xúc với vật cứng dễ gây hóc (Ảnh minh họa)

Việc vỗ lưng và ấn ngực là những phương pháp nhiều bậc cha mẹ sử dụng khi con trẻ bị hóc, sặc di vật nhằm tống bỏ dị vật ra ngoài và làm thông thoáng đường thở.

Tuy nhiên thao tác này nên thực hiện sau khi không thể dùng tay móc họng lấy dị vật ra ngoài và khi thao tác nâng cằm và/hoặc ấn hàm không có hiệu quả.

Ngược lại, không nên áp dụng các nghiệm pháp này cho trẻ bị sặc nếu có biểu hiện tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn, tức là trẻ vẫn có thể nói hoặc ho được, nhằm tránh dị vật di chuyển ngược lên làm tắc nghẽn hoàn toàn đường thở.

Với nghiệm pháp vỗ lưng, đặt trẻ dọc theo cánh tay người cấp cứu, đầu trẻ thấp. Người cấp cứu đặt tay dọc lên đùi mình, bàn tay giữ vào cằm trẻ giúp cho đường thở của trẻ luôn được mở thông thoáng và dùng gót bàn tay còn lại vỗ lên lưng trẻ 5 lần liên tiếp.

Nếu là trẻ lớn, đặt trẻ nằm ngang qua 2 đùi người ngồi cấp cứu và làm cùng biện pháp trên.

Với nghiệm pháp ấn ngực, nếu dị vật không bật ra sau khi vỗ lưng, lật ngược trẻ lại, đặt nằm dọc trên đùi vẫn ở tư thế đầu thấp, ấn ngực ở 1/2 dưới xương ức 5 lần liên tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại