Axit uric được sản sinh thế nào?
Axit uric là một sản phẩm khi cơ thể chuyển hóa purin. Purin là một hợp chất tồn tại trong thực phẩm và đồ uống chúng ta ăn hàng ngày như: thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn...
Khi vào cơ thể, purin sẽ được gan chuyển hóa. Sản phẩm cuối cùng của quá trình này là axit uric. Nồng độ axit uric lành mạnh được thận duy trì trong suốt quá trình tiêu hóa. Sau đó, thận đào thải axit này ra ngoài qua đường nước tiểu.
Tuy nhiên, có trường hợp do thận đào thải kém, rối loạn chuyển hóa purin hoặc cơ thể tiêu thụ quá nhiều chất đạm này sẽ khiến hàm lượng axit uric tăng cao trong máu. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, chúng sẽ lắng đọng thành các tinh thể muối urat ở các khớp, gây ra cơn đau dữ dội.
Đây chính là quá trình hình thành bệnh gút. Nồng độ axit uric tăng cao còn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe khác như kháng insulin, tăng huyết áp và béo phì. Thay đổi lối sống để kiểm soát sự tích tụ quá mức của axit uric là điều cần thiết để điều trị và ngăn ngừa các rối loạn liên quan đến dư thừa axit uric.
Axit uric tăng cao gây bệnh gút.
Ăn uống hợp lý
Trong nhiều căn bệnh liên quan tới sự mất cân bằng trong cơ thể, phương pháp điều trị đầu tiên nên áp dụng là thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý. Để kiểm soát axit uric, nên thực hiện theo một số gợi ý sau đây.
Tăng kali trong chế độ ăn uống. Kali có khả năng trung hòa axit uric và cản trở sự hình thành tinh thể muối urat xung quanh khớp. Chuối là một trong những nguồn cung cấp kali tốt nhất. Tuy nhiên, do mức đường tự nhiên của chuối khá cao, chỉ nên ăn một lượng chuối vừa phải (2 - 3 trái trong ngày).
Bên cạnh đó có thể lựa chọn quả bơ, cam và dưa hấu... đều chứa kali và các chất dinh dưỡng có lợi khác cần thiết cho cơ thể. Bổ sung kali từ rau như bí đỏ, cải bó xôi, cải cầu vồng, khoai tây, atisô, củ cải, các loại đậu như đậu nành tươi, đậu đen, đậu trắng...
Uống nhiều nước. Nước là điều kiện cần thiết để giúp cho thận hoạt động tốt. Những người có tình trạng dư thừa axit uric nên uống 10 đến 12 ly nước lọc (tương đương với 2,5-3l nước mỗi ngày). Nếu cách này không phù hợp (bạn là kiểu người không thích nước lọc), có thể pha chế nước lọc với các loại sinh tố trái cây phù hợp để giảm axit uric như: sinh tố bạc hà, dưa chuột, chanh, dưa hấu, cam, dâu tây, xoài, kiwi,...
Bổ sung thực phẩm giàu quercetin. Chất chống ôxy hóa quercetin được biết với tác dụng kháng viêm do nồng độ axit uric cao.
Quercetin dễ dàng hấp thụ vào cơ thể và có thể thấy trong một số thực phẩm phổ biến như bắp cải, bông cải xanh, các loại rau xanh đậm, táo, hành tây, tỏi, trà xanh và trà đen. Ngoài ra, bổ sung quercetin tự nhiên từ thực phẩm chức năng cũng là một lựa chọn. Nên bổ sung với liều là 250mg, tối đa 4 lần mỗi ngày.
Sử dụng Cream of tartar: Cream of tartar là sản phẩm kết tinh của quá trình lên men khi làm rượu có tác dụng giúp cho quá trình nở của bánh tốt hơn nên được sử dụng trong làm bánh như một thứ nguyên liệu thần kỳ. Nghiên cứu cho thấy, Cream of tartar giúp kích thích tuyến tụy giải phóng một số men tiêu hóa để kiềm hóa máu và nước tiểu, đồng thời hỗ trợ phá vỡ axit uric.
Với những ai muốn kiềm chế chỉ số axit uric, cách đơn giản nhất để sử dụng loại bột này mà không cần phải ăn nhiều bánh là cho 1/4 đến 1/2 muỗng cà phê bột này vào ly nước (khoảng 250ml) khuấy tan và uống 2 lần mỗi ngày. Bột Cream of tartar có thể mua tại siêu thị hoặc các cửa hàng cung cấp nguyên liệu làm bánh.
Những thực phẩm cần tránh
Để kiểm soát axit uric, bạn không chỉ cần biết nên ăn gì, mà còn phải biết những thức ăn cần tránh trong chế độ ăn uống hàng ngày. Sau đây là những gì bạn cần tránh:
Thực phẩm giàu purin. Như đã nói ở trên, nạp quá nhiều purin khiến cơ thể dư thừa axit uric. Nếu nồng độ axit uric trong máu tăng cao, cần tránh các thực phẩm giàu purin bao gồm các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt nai và các loại nội tạng như gan, lưỡi...
Một số loại rau cũng chứa nhiều purin không nên ăn nhiều như nấm, đậu Hà Lan, măng tây, súp lơ và rau bina. Đặc biệt, tránh ăn đồ hải sản như các loại cá (cá tuyết, cá mòi, cá thu, cá cơm...), sò điệp, kể cả cá hồi, trứng cá hồi.
Rượu. Uống rượu góp phần làm mất nước khiến cơ thể khó bài tiết axit uric đúng cách. Đồ uống có cồn cũng là một nguồn purin khiến cơ thể sản sinh nhiều axit uric. Lưu ý, bia và các loại đồ uống lên men khác cũng góp phần vào sự gia tăng axit uric và làm cho bệnh gút bùng phát.
Thực phẩm có hàm lượng purin thấp.
Fructose nhân tạo. Nước trái cây đóng hộp, nước ngọt và nhiều loại đồ uống có hương vị trái cây khác sử dụng chất làm ngọt fructose nhân tạo. Quá trình tiêu hóa chất này có thể dẫn đến việc sản sinh quá nhiều axit uric.
Quá nhiều natri không bao giờ tốt cho cơ thể, do làm tăng huyết áp và nồng độ axit uric. Chế độ ăn uống của người Việt thường nhiều hoặc thừa natri (ăn nhiều đồ kho, đồ muối như dưa, cà...), vì thế nếu kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số axit uric trong máu của bạn cao hơn ngưỡng bình thường, cần kiên trì ăn nhạt hơn, tránh bổ sung thêm natri dưới dạng muối ăn vào bữa ăn của bạn.
Thực phẩm chiên là một loại thực phẩm khác nên tránh. Quá trình chiên rán khiến dầu hydro hóa gây hại cho hệ tiêu hóa. Nếu bạn là tín đồ của những món chiên, có thể chuyển sang nướng sẽ giảm bớt phần nào tác hại. Ngoài ra, nên kiểm soát bằng cách làm tại nhà thay vì mua các mặt hàng chiên, nướng sẵn.
Hãy giảm thực phẩm tinh chế: Carbs tinh chế có thể góp phần vào mức axit uric cao và có thể dẫn đến kháng insulin gây ra đái tháo đường.
Dùng thuốc
Nếu axit uric cao quá mức dẫn tới nguy cơ bị bệnh gút, cần đi khám bác sĩ để được kiểm tra. Một số loại thuốc có thể được kê đơn để ngăn chặn việc sản xuất axit uric như ulocic, zyloprim, lopurin và aloprim. Một số thuốc cũng có tác dụng cải thiện khả năng loại bỏ axit uric của cơ thể. Tuy nhiên, thuốc điều trị tăng axit uric có thể có tác dụng phụ bao gồm sỏi thận, đau dạ dày, phát ban và buồn nôn.