Bí ẩn sự phân chia tế bào
Hàng năm Việt Nam có hơn 94.000 người chết vì ung thư và tỷ lệ mắc mới lên tới 200 nghìn người và con số này đang có xu hướng ngày càng tăng lên.
Trong đó, 80% bệnh nhân ung thư đến khám phát hiện ở giai đoạn muộn. Điều đặc biệt, bệnh ung thư có thể dự phòng được. Các bác sĩ chuyên khoa ung bướu cho biết 1/3 bệnh ung thư là hoàn toàn phòng tránh được, 1/3 bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Giáo sư Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K cho biết, cho đến nay, việc điều trị ung thư vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào phát hiện ở giai đoạn nào. Bệnh ung thư là bệnh mãn tính, bệnh phát triển trong giai đoạn lâu dài mà chúng ta không phát hiện ra. Chúng ta chỉ phát hiện khi bệnh đã có các triệu chứng.
Sự phân chia tế bào bị tác động bởi các yếu tố như môi trường, lối sống
Cơ chế sinh ung thư được hiểu là bệnh lý ác tính của tế bào, cơ thể con người có hàng tỷ tế bào tạo nên và mỗi tế bào được ví như viên gạch xây nên cơ thể. Bình thường tế bào sinh trưởng và phân chia để tạo ra tế bào mới khi cơ thể cần chúng. Quá trình này diễn ra tuần tự theo quy luật tự nhiên được xác định giúp cơ thể khoẻ mạnh.
Nếu trong quá trình phát sinh và phát triển, tế bào bị tác động của các yếu tố gây tổn thương để làm rối loạn các thành phần mang tính di truyền trong nhân tế bào thì chúng có thể trở thành ác tính.
Tế bào phân chia không theo quy luật tự nhiên của cơ thể, phát triển không kiểm soát thành bệnh ung thư. Những tế bào này có thể xâm lấn gây tổn thương mô và các cơ quan lân cận hoặc tách khỏi khối u ban đầu đi vào mạch máu hoặc hạch bạch huyết. Khi ấy, ung thư được gọi là di căn.
Những tác nhân gây sự rối loạn này do yếu tố bên trong đó là di truyền còn lại là do các thói quen không có lợi cho sức khoẻ như hút thuốc, bia rượu, chế độ ăn không an toàn, lười vận động, ô nhiễm môi trường.
Điều may mắn, các yếu tố gây ung thư này đều phòng được.
Nguyên nhân do đâu?
Thứ nhất do di truyền chiếm 20% số ca mắc ung thư, đặc biệt với những người phụ nữ có mẹ, chị gái mắc ung thư vú trước đó thì nguy cơ ung thư vú của họ cao hơn người bình thường rất nhiều. GS Thuấn khuyến cáo những người này nên khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng một lần để sàng lọc sớm ung thư vú vì nguy cơ mắc ung thư vú của họ cao gấp 4 - 6 lần.
Nhóm mắc ung thư có nguyên nhân từ bên ngoài chiếm 80% trong đó thuốc lá là tác nhân đầu tiên phải kể đến. Chỉ tính riêng thuốc lá đã chiếm trên 30% nguyên nhân gây ra ung thư. GS Thuấn cho biết để tìm ra thủ phạm hút thuốc lá gây ra ung thư này thì một nhà nghiên cứu đã phải bỏ ra 30 năm để chứng minh.
Theo dõi nhóm người hút thuốc lá và nhóm người không hút thuốc lá, người hút thuốc ung thư cao hơn người không hút thuốc. Không chỉ với riêng ung thư phổi mà thuốc lá cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư bàng quang, ung thư vùng mũi họng…
Trong khói thuốc người ta đã tìm ra 43 chất sinh ung thư bao gồm: benzopyren, nitrosamin, cadmium, niken, toluidin… và những người không hút thuốc sống cùng người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh bệnh liên quan tới thuốc lá, nhất là phụ nữ và trẻ em. Vì vậy biện pháp tốt nhất là không hút thuốc.
Ngoài ra, yếu tố nữa là dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý như lạm dụng rượu bia, ăn ít hoa quả, rau xanh dễ gây ung thư vú, ung thư đại trực tràng…
Thói quen ăn các thực phẩm như cá muối, dưa muối khú, chất bảo quản thực phẩm…
Sử dụng thuốc tránh thai gây ung thư vú đã có cảnh báo nhưng hiện nay chúng ta chưa có nghiên cứu nhiều mà chỉ tập trung điều trị. Tuy nhiên, chị em phụ nữ nên hạn chế thuốc tránh thai, đặc biệt là người sử dụng thuốc tránh thai lâu dài trên 10 năm.
Để phát hiện được ung thư sớm giúp việc điều trị tốt, bệnh nhân nên có thói quen đi kiểm tra bệnh sớm để phát hiện bệnh sớm, chính xác, cơ hội điều trị thành công cao hơn.
Hiện nay, việc sàng lọc, phát hiện sớm ung thư chưa được bảo hiểm y tế chi trả. GS, TS Trần Văn Thuấn hy vọng trong thời gian tới bảo hiểm có thể chi trả phí tầm soát một số bệnh ung thư như: Ung thư vú, cổ tử cung, gan, ung thư đường tiêu hóa…