Không chỉ bản thân chị Đỗ Tuyết Minh làm điều nhân văn ấy mà cả gia đình chị gồm 5 người: bố, vợ chồng chị, hai con của chị đều đăng ký hiến xác, mô tạng.
Sinh ra trong gia đình đều là những nhà giáo, chị Minh thường được đọc sách về tri thức, về nghiên cứu khoa học từ nhỏ. Chị kể, hồi đó, trong một cuốn sách, chị đã biết đến một người mẫu mắc bệnh ung thư, tâm nguyện của cô là muốn hiến xác cho Y học. Khi đọc câu chuyện này, chị cảm nhận được cả vẻ đẹp tâm hồn lẫn vẻ đẹp bên ngoài của cô gái ấy và chị nghĩ đến việc này mình có thể làm được. Lúc đó, thông tin đại chúng, mạng internet chưa phổ biến nên thật khó để tìm kiếm thông tin về việc hiến tạng.
Chị bắt đầu gọi đến Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Quân y 103 để tìm hiểu và nghe tư vấn chuyên môn về vấn đề này. Tuy nhiên lúc đó, Bệnh viện 103 chưa tiếp nhận hiến tạng, hiến xác nên đã tư vấn chị đến Bệnh viện Việt Đức.
Trải qua quá trình tìm hiểu hơn 10 năm, mỗi ngày một chút, chị mới thấm thía hết ý nghĩa và cách làm để mang lại cơ hội sống cho người bệnh.
Năm 2016, chị bắt đầu làm thủ tục đăng ký hiến tạng, chị chia sẻ quyết định này với bố chồng chị và ông cũng quyết định làm đăng ký hiến tạng. Sau đó là đến chồng chị. Nghe những lời bàn bạc của ông và bố mẹ, các con chị cũng bày tỏ mong muốn được làm điều đó. Vậy là trong năm 2018, cả gia đình chị chính thức đăng ký hiến tạng, mô, xác cho Y học.
"Những việc to lớn, vĩ đại thì chúng ta chưa thể làm được những việc trong khả năng của mình, máu của mình, xác của mình, tạng của mình thì mình có thể hiến được", chị chia sẻ.
Theo chị Minh, con người phải sống chân thật, nhẫn nại, thiện lương và bao dung. Đó cũng là điều chị đang muốn hướng đến cho chính bản thân mình, người thân và tất cả mọi người. Chính vì vậy, mặc dù bận rộn với công việc của một nhà thiết kế thời trang nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian tham gia làm từ thiện ở các bệnh viện có bệnh nhân ung thư tại Hà Nội.
Ngoài ra, với những hoàn cảnh khó khăn, chị cũng đến tận nơi tìm hiểu, hỏi bác sĩ về gia đình bệnh nhân để giúp đỡ. Chị từng khóc khi biết những hoàn cảnh từ khi sinh ra đến khi 20 tuổi vẫn phải truyền máu. Mẹ chị từng mất vì căn bệnh ung thư nên khi chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn của người bệnh ung thư, chị không khỏi rơi nước mắt.
Chính từ những việc làm này, chị tiếp xúc với nhiều bệnh nhân ở các bệnh viện. Chị chia sẻ: "Nhiều người bị bệnh không chỉ tốn kém tiền bạc mà tinh thần cũng suy sụp. Tôi được biết nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không đủ nguồn mô, tạng để ghép. Nếu một người khi mất đi có thể hiến một bộ phận nào đó của cơ thể để cứu sống một người khác, đó là điều thật tuyệt vời và chúng tôi sẽ để lại cho đời những gì cần nhất".
Không chỉ đăng ký hiến mô, tạng, hiến xác, chị Tuyết Minh còn hỗ trợ, tư vấn cho những ai có ý định làm việc ý nghĩa này. Việc làm của chị đang dần lan tỏa tới những người xung quanh. Chị Minh mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều người hơn nữa thực hiện điều giống như chị để những người bệnh có cơ hội được "sống thêm lần nữa".