Ngành y tế đã lấy mẫu bệnh phẩm (phết bóng nước) của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại TPHCM (nam bệnh nhân 25 tuổi, quê Đồng Nai, tạm trú tại TPHCM) để tiến hành giải mã trình tự gen. Kỹ thuật này được thực hiện bởi Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM và Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford.
Theo Sở Y tế TPHCM, việc giải mã trình tự gen sẽ xác định được sự đa dạng về di truyền của vi rút đậu mùa khỉ. Bộ gen được phân tích sẽ giúp tìm hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của vi rút gây bệnh, từ đó cung cấp những thông tin kịp thời cho chương trình phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Kết quả giải mã trình tự gen xác định, ca bệnh đậu mùa khỉ mang kiểu gen mới được ghi nhận lần đầu tại Việt Nam ảnh: Vân Sơn
Nhóm nghiên cứu đã giải mã bộ gen, kết quả cho thấy, tác nhân gây bệnh là vi rút monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb.
Từ kết quả trên, các chuyên gia chỉ ra đây là chủng vi rút đậu mùa khỉ khác với chủng vi rút kiểu gen A.2.1 từng được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai. Kiểu gen vừa được ghi nhận giống với các chủng vi rút đậu mùa khỉ mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.
Từ ngày 22/9 đến nay, tại khu vực Nam bộ liên tiếp phát hiện 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 25 tuổi (quê Đồng Nai vừa có kết quả giải trình tự gen), quá trình điều tra dịch tễ ngành y tế phát hiện nữ bệnh nhân 21 tuổi (ngụ tại Bình Dương) là bạn gái của trường hợp trên cũng nhiễm đậu mùa khỉ.
Đến ngày 28/9, nam bệnh nhân 34 tuổi, ngụ tại Bình Chánh (TPHCM) cũng được phát hiện mắc đậu mùa khỉ. Hiện cả 3 bệnh nhân được cách ly, điều trị, tình trạng sức khỏe ổn định. Những người tiếp xúc với các ca bệnh đã được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và chưa ghi nhận dấu hiệu nhiễm bệnh.