Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh đậu mùa khỉ

N.Dung - Hải Yến |

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, bao gồm cả quan hệ tình dục

Ngoài 2 ca bệnh đậu mùa khỉ vừa được phát hiện tại Bình Dương và Đồng Nai, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết ngành y tế TP cũng phát hiện 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị tăng cường giám sát, điều trị, không để lây nhiễm chéo, lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.

Dấu hiệu sớm nhận biết bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh 1.

Một trong những dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ là tổn thương trên da

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có khả năng gây dịch. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, có khả năng lây truyền từ động vật sang người qua tổn thương da, giọt bắn đường hô hấp, dịch cơ thể… Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục.

Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn: Giai đoạn sốt kéo dài 0-5 ngày với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, hạch lympho viêm và sưng đau, kiệt sức. Giai đoạn phát ban ngoài da thường bắt đầu từ 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt. Ban ngoài da đa dạng gồm có: Ban dát sẩn, cục sẩn, mụn nước, mụn mủ.

Ban có xu hướng tập trung vùng mặt và ngọn chi hơn là ở vùng thân mình. Ban mọc chủ yếu ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngoài ra cũng hay gặp niêm mạc miệng, niêm mạc sinh dục và kết giác mạc.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài nốt cho đến vài ngàn nốt. Hầu hết triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong.

Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Phòng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh, thực hành tình dục an toàn. Thường xuyên làm sạch và khử trùng môi trường có thể bị nhiễm virus từ người mắc bệnh.

Bộ Y tế cho biết hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị đậu mùa khỉ. Tiêm vắc-xin đậu mùa có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên hiệu quả vắc-xin đậu mùa giảm dần theo thời gian.

Từ tháng 10-2022 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đậu mùa khỉ được Bộ Y tế xếp vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B - gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm: Bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thủy đậu…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại