Tiểu đường được coi là ‘kẻ giết người thầm lặng’ vì có nhiều biến chứng nguy hiểm tới nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể như tim, thận, mắt. Tiến sĩ BM Makkar, Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh tiểu đường Ấn Độ, cho biết: “Đôi khi, các triệu chứng của bệnh tiểu đường rất khó phân biệt với triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác. Chính vì thế, điều quan trọng là phải có những kiến thức về bệnh để phát hiện bệnh kịp thời”.
Theo đó, tiến sĩ Makkar đưa ra một số dấu hiệu của bệnh tiểu đường xuất hiện vào buổi sáng mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy.
5 dấu hiệu của bệnh tiểu đường xuất hiện vào buổi sáng
Khô miệng
Dấu hiệu cảnh báo đáng chú ý nhất của bệnh tiểu đường vào buổi sáng là khô miệng. Nếu bạn thường xuyên bị khô miệng hoặc cảm thấy cực kỳ khát nước ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng, hãy kiểm tra lượng đường trong máu ngay lập tức.
Buồn nôn
Buồn nôn có thể là dấu hiệu khi tiểu đường có biến chứng tại dạ dày (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu nổi bật khác cho thấy lượng đường trong máu đang tăng cao là buồn nôn. Triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy tiểu đường đã có biến chứng, nhưng cũng có thể là triệu chứng của những tình trạng sức khỏe bình thường khác. Lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể làm tổn thương các tế bào thần kinh trong niêm mạc dạ dày, từ đó làm giảm khả năng tiêu hóa, gây đầy hơi, đau bụng và buồn nôn.
Nếu dấu hiệu này chỉ xuất ít ngày, nó có thể vô hại. Nhưng nếu kéo dài, đặc biệt đi kèm các triệu chứng khác của tiểu đường, hãy đi khám sớm.
Nhìn mờ
“Nếu bạn thấy mờ mắt ngay khi thức dậy và buổi sáng, bạn cần nhanh chóng kiểm tra đường huyết của mình. Bệnh tiểu đường cũng có thể khiến cho thủy tinh thể của mắt bị sưng, dẫn tới giảm thị lực”, tiến sĩ Makkar nói. Tuy nhiên, sau khi đường huyết ổn định, thị lực sẽ trở lại bình thường.
Tê chân
Tê chân có thể là dấu hiệu cho thấy đường huyết đang quá cao (Ảnh minh họa)
Lượng đường trong máu tăng cao sẽ khiến dây thần kinh bị tổn thương, đặc biệt là các dây thần kinh nằm xa tủy sống nhất như ở bàn chân. Bệnh nhân có cảm giác ngứa ran, tê, nóng rát ở bàn chân ngay khi thức dậy.
Theo UNC Health Wayne (một hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Mỹ), đây là một dấu hiệu cảnh báo đỏ của tiểu đường.
Mệt mỏi
Mệt mỏi cũng là một triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường. Bệnh nhân có cảm giác thiếu năng lượng và uể oải khi thức dậy.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là các triệu chứng của nhiều vấn đề khác về trao đổi chất, nội tiết, tâm lý,...
Ăn sáng sớm hơn giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2
Nghiên cứu cho thấy ăn sáng trước 8 giờ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 (Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế vào tháng 6 vừa qua đã phát hiện ra rằng những người có thói quen ăn sáng sớm hơn - đặc biệt là trước 8 giờ sáng - có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 thấp hơn so với những người ăn sáng sau 9 giờ.
Tiến sĩ Anna Palomar-Cros, tác giả của nghiên cứu, giải thích: “Nhịp sinh học liên quan đến hầu hết mọi chức năng của cơ thể và chủ yếu được đồng bộ hóa bởi ánh sáng cũng như thức ăn. Khi hệ thống này hoạt động chuẩn xác sẽ đảm bảo quá trình trao đổi chất”.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy nhịp sinh học của cơ thể có thể kiểm soát lượng đường trong máu, insulin, khả năng dung nạp đường và sự thèm ăn. Những hệ thống này có xu hướng đạt đỉnh vào buổi sáng. Do đó, ăn sáng vào lúc này sẽ có lợi.
Tiến sĩ Palomar-Cros nhấn mạnh, ăn sáng sớm hơn không phải là cách duy nhất để giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2. Tập thể dục thường xuyên cũng là giải pháp giúp ngăn ngừa căn bệnh này.
Theo các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe hiện tại, mọi người nên thực hiện 150 phút các hoạt động thể chất cường độ vừa phải mỗi tuần và xen kẽ các bài tập cường độ cao hơn. Việc lựa chọn môn tập cường độ cao cần cá nhân hóa cho phù hợp với điều kiện sức khỏe và mục đích là tăng nhịp tim. Một số bài tập mà bạn có thể áp dụng là đi bộ nhanh, đạp xe, chơi tennis, bơi hoặc chạy bộ.
Ngoài ra, một điều quan trọng nữa mà mọi người cần chú ý đó là chế độ dinh dưỡng. Tiến sĩ Palomar-Cros khuyến cáo mọi người nên tăng cường bổ sung những loại rau không có tinh bột như ớt chuông, súp lơ xanh, nấm cũng như các loại trái cây, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, cần hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường, thực phẩm chế biến và chất béo bão hòa.