Trong ba kỳ trước, BS Phạm Lương Giang đã chia sẻ các phương thức bồi dưỡng cơ thể và tinh thần. Trong bài cuối này, xin giới thiệu phương thức tăng cường vận động cho người bệnh ung thư qua sinh hoạt thường ngày, qua lao động, tập thể dục và chơi thể thao, trong phòng tập phục hồi chức năng.
------------
Vận động là điều cực kỳ quan trọng vì nó là phương tiện để điều chỉnh công việc bồi dưỡng thể chất và bồi dưỡng tinh thần. Các bác sĩ trẻ không có kinh nghiệm thường không biết bồi dưỡng về thể chất và tinh thần bắt buộc phải gắn liền với bồi dưỡng vận động, nên khi tư vấn bồi dưỡng cho bệnh nhân thường thiếu phần này.
Điều quan trọng nhất của vận động cơ bắp là sẽ đánh thức hoạt động của toàn cơ thể: Tim phổi gan ruột thận…, trong đó tuyệt vời nhất là kích thích hoạt động của hệ miễn dịch. Càng vận động cơ bắp nhiều càng tăng cường sức mạnh các hệ cơ quan khác và tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng khả năng cơ thể tự diệt vi trùng hoặc tế bào ung thư.
Điều hai: Vận động để đốt chất dinh dưỡng và chất dự trữ.
Vận động nhiều sẽ giảm hoặc không còn chất dư thừa, sẽ không tăng cân, không béo phì, không cao đường trong máu, không dư chất cho tế bào ung thư sử dụng.
Kinh nghiệm bản thân tôi – người bị cao huyết áp và tiểu đường nhưng vận động tốt nên ăn đường rất nhiều cứ như người không bệnh vậy, mà đường huyết vẫn luôn bình thường. Một người bị tiểu đường khác mà tôi biết thì chơi thể thao tích cực và tập thể dục mỗi ngày, hiện không uống thuốc trị tiểu đường nữa.
Kinh nghiệm từ những người bệnh ung thư: những người tôi thấy đã chiến thắng bệnh ung thư là những người tích cực vận động và không béo phì. Vì vậy, tôi khuyên bệnh nhân ung thư, cứ ăn khỏe vô (bồi dưỡng thể chất tích cực lên), và nhớ càng ăn nhiều thì vận động tăng lên.
Ăn uống nhiều mà không tăng hay giảm cân là đã vận động đúng mức.
Nếu thấy tăng cân, hãy giữ nguyên mức độ ăn uống và tăng vận động nhiều hơn nữa.
Nếu thấy giảm cân, hãy giữ nguyên vận động và ăn uống nhiều hơn nữa.
Khi đạt được tình trạng cân bằng một thời gian, tiếp tục nâng cao vận động nhiều hơn nữa.
Điều ba: Cơ thể vận động, đầu óc thảnh thơi
Khi chăm chú vận động, đầu óc tránh được suy nghĩ tiêu cực, không có thời gian để mà buồn. Trong khi vận động, rèn luyện tập trung suy nghĩ vào vận động có ý nghĩa là thực hành chánh niệm – một biện pháp cụ thể bồi dưỡng tinh thần.
Điều bốn: Vận động để ngủ ngon.
Tích cực vận động ban ngày, ban đêm cơ thể sẽ đòi hỏi nghỉ ngơi theo nhịp sinh lý. Nhờ vận động tích cực mà sự nghỉ ngơi, thư giãn sẽ đến như một nhu cầu tự nhiên, dễ có giấc ngủ tự nhiên, giúp tránh thức trắng đêm và suy nghĩ tiêu cực về đêm.
Điều năm: Vận động để tự tin ăn uống
Vận động giúp tự tin và tích cực bồi dưỡng chất mà không sợ làm lợi cho tế bào ung thư. Do đó cơ thể mới có đủ chất để phục hồi những tế bào bình thường, giúp chịu đựng tốt các vũ khí điều trị, đảm bảo theo đủ quy trình điều trị.
Điều sáu: Vận động giúp tăng khả năng chống và chịu đau
Bồi dưỡng vận động giúp nâng cao ngưỡng đau, làm tăng khả năng chống và chịu đau tự nhiên của cơ thể. Người bệnh nằm yên một chỗ, hoặc bướu ung thư xâm nhiễm, tàn phá mô lành của cơ thể thường gây đau.
Tập nâng ngưỡng đau bằng bồi dưỡng vận động sẽ giúp bệnh nhân không thấy đau với những tổn thương nhỏ, hoặc biết là đang có đau như bị đâm bị cắt nhưng không khó chịu khổ sở vì đau.
Điều bảy: Qua vận động, tăng sự gắn kết tình cảm con người với con người
Tập theo nhóm, theo câu lạc bộ thì có bạn tập. Tập với sự hỗ trợ của điều dưỡng, kỹ thuật viên y khoa thì cũng có mối quan hệ người- người. Người bệnh sẽ có cảm giác được thương yêu, chăm sóc, hỗ trợ. Không có cảm giác cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi như khi một mình nằm liệt giường trong một căn phòng vắng lặng.
Hoạt động, hoạt động tối đa!
Cố gắng hoạt động như người bị phạt lao động khổ sai!
Trong sinh hoạt hàng ngày: vận động tay chân liên tục. những công việc cần di chuyển (đi chợ chẳng hạn) có quãng đường ngắn hơn 2 km nên đi bộ. Trong nhà bỏ hết những bộ điều khiển từ xa (tắt mở TV, đóng mở cửa) để làm gì cũng phải đứng dậy, bước đi và làm bằng tay. Không nhờ ai lấy giúp thứ gì mà tự mình đi tìm kiếm và lấy. Gửi xe ở nơi xa để bắt buộc phải đi bộ nhiều. Người nằm liệt giường vì tổn thương ở cột sống thì vẫn năng vận động tay chân, xoay đầu cổ.
Trong tập thể dục: các môn tập thể dục càng đòi hỏi gắng sức càng tốt như chạy bộ, bơi lội, nâng tạ, võ thuật, kéo xà đơn, xà kép…
Trong chơi thể thao: những môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng đá đều là những thực hành bồi dưỡng vận động hữu ích và hiệu quả. Thực hiện ngoài trời được thêm tắm nắng và bồi dưỡng khí thở. Vui vẻ với bạn bè được thêm bồi dưỡng tinh thần.
Vận động tinh thần qua chơi cờ vua cờ tướng, làm thơ, viết văn, chơi nhạc….
Trong tập phục hồi chức năng: ngoài việc tăng hiệu quả phục hồi những nơi yếu kém, còn tăng thêm tính an toàn nhờ sự hướng dẫn của chuyên viên kỹ thuật.
Một tuần nằm bất động, ba tuần vận động tích cực mới hồi phục như cũ
Luôn nhớ, càng bất động là càng nghiêng về xu hướng cái chết, vận động mạnh chứng tỏ sức sống mạnh. Bên Mỹ thấy người ta tập thể dục rất tích cực, trời lạnh độ âm vẫn thấy có người chạy buổi sáng. Trời lạnh 1-2 độ và mưa gió vẫn có người chạy tập thể dục. Tập thể dục, thể hình, bơi lội ở các trung tâm được các hãng bảo hiểm y tế chi trả tiền cho các trung tâm đó – người mua bảo hiểm được khuyến khích và hỗ trợ tập thể dục.
Cơ quan nào bất động, cơ quan đó sẽ teo và yếu đi. Cơ thể 1 tuần nằm bất động, cần 3 tuần vận động tích cực để phục hồi sức khỏe như trước kia. Trừ một số ít có chống chỉ định, mọi người phải tích cực vận động, vận động sớm sau mổ, sau khi hóa trị (vô thuốc).
Tốt nhất là cố gắng vận động chủ động, bất quá mới vận động thụ động (nhờ kỹ thuật viên y tế xoa bóp, xoay trở các khớp, gấp duỗi các chi).
Người trong gia đình (vợ hoặc chồng, con cái) chủ động cùng tham gia, lôi kéo bệnh nhân vào các hoạt động thì bệnh nhân mới dễ hăng hái vận động.
Một suy nghĩ sai lầm thường gặp là cảm giác yếu quá, sợ đứng lên vận động sẽ xỉu (sau mổ, sau hóa trị, người già 70-80 tuổi). Phải suy nghĩ ngược lại! Vì cảm thấy yếu mà phải ráng đứng lên vận động sớm để hết yếu. Yếu quá thì có người kè phụ. Bên Mỹ này, chúng tôi thường thấy mấy cụ già 80 tuổi hay hơn được các điều dưỡng kè cho đi trong hành lang, thậm chí leo cầu thang. Bệnh nhân vừa truyền dịch vừa đi xông xổng tới lui trong khoa.
Một hình thức vận động thường ngày hữu ích là làm nghề lao động tay chân. Vừa duy trì hoạt động cơ bắp cùng tập trung suy nghĩ làm việc, lại vừa kiếm tiền chi tiêu. Lý tưởng là sau giờ làm việc vẫn có tối thiểu 2 giờ tập thể lực tích cực (nhấn mạnh). Vận động tích cực mới có hiệu quả nâng sức cơ thể cao.
***
Loạt bài này là tổng kết kinh nghiệm công việc bồi dưỡng trong thời gian là bác sĩ điều trị ung thư ở Việt Nam và làm việc trong bệnh viện trên nước Mỹ của tôi. Nhớ điều gì viết lại điều ấy, lớn tuổi hay quên, cho nên sẽ còn nhiều thiếu sót, rất mong và vui mừng được các bạn đồng nghiệp và bệnh nhân bàn bạc, trao đổi, bổ sung. Đặc biệt mong các Bác sĩ, Tiến sĩ đọc tham khảo và viết lại một bài mới hệ thống hơn, đầy đủ hơn, khoa học hơn.
Tôi viết bài này với tất cả niềm yêu thương con người, nhất là những bệnh nhân ung thư. Chỉ mong giúp ích được cho mọi người một chút gì đấy cho cộng đồng. Nếu phần trình bày trên dài dòng quá thì bạn đọc có thể chỉ cần nhớ rằng bồi dưỡng cho một người để sống lâu sống khỏe, hoặc để chiến thắng bệnh ung thư là công việc đồng bộ bao gồm:
- Tích cực ăn uống, hít thở, nghe, nhìn, tắm nắng.
- Tích cực tham gia những sinh hoạt tinh thần, hoạt động từ thiện.
- Tích cực vận động, vận động và vận động thể xác và trí não tối đa.
Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Chẩn đoán ung thư thực quản không cần nội soi