BS Trương Hữu Khanh: Không cần hoảng loạn vì thứ vi khuẩn đang được cho là "ăn thịt người"

Ngọc Minh |

Những ngày vừa qua thông tin xuất hiện vi khuẩn ‘ăn thịt người’ gây bệnh Whitmore xuất hiện tại Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh… khiến cho người dân lo lắng.

Liên tiếp các ca mắc bệnh

Mới đây, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã phát hiện và điều trị cho 3 bệnh nhi bị bệnh Whitmore. Ba bệnh nhi được người nhà đưa đến viện với tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai, tình trạng chuyển biến nặng.

Trước đó, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận 20 ca mắc Whitmore từ đầu năm. Riêng trong tháng 8, các bác sĩ đã điều trị cho 12 bệnh nhân nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Trong đó, bệnh nhân ở Hà Tĩnh đã bị vi khuẩn "ăn" mất cánh mũi.

Vào ngày 12/9, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân (61 tuổi, ngụ huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) mắc bệnh Whitmore bị "ăn" mất ngón chân. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao liên tục, hai ngón chân phải sưng, nóng, chảy dịch có mùi hôi…

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore, dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng nặng. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến trên để được điều trị.

BS Trương Hữu Khanh: Không cần hoảng loạn vì thứ vi khuẩn đang được cho là ăn thịt người - Ảnh 1.

Vi khuẩn gây bệnh bệnh Whitmore có trong đất và nước không sạch, ảnh minh hoạ.

Thực hư có bệnh "vi khuẩn ăn thịt người"

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM cho hay: "Vi khuẩn "ăn thịt người" có được nhắc tới trong y khoa. Loại vi khuẩn được biết tới 3 từ "ăn thịt người" có tên là Aeromonas hydrophila. Loài vi khuẩn này tiết ra 2 độc tố gây "thối rửa thịt".

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về căn bệnh Whitmore hay bệnh melioidosis, bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh và vi khuẩn không được dịch sang tiếng việt, do vậy nó không phải là loại "vi khuẩn ăn thịt người" nhưng mọi người đang lo ngại".

Bệnh Whitmore đã có từ rất lâu, ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Việt Nam là tại Viện Pasteur, Hồ Chí Minh vào năm 1925.

Bệnh xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử. Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em.

Bác sĩ Khanh khẳng định: "Bệnh Whitmore không có lây từ người sang người và cũng không dễ mắc bệnh nếu sinh hoạt vệ sinh sạch sẽ. Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có trong đất và nước không sạch.

Triệu chứng bệnh có thể cấp tính: sốt, triệu chứng hô hấp, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử 1 hay nhiều vùng da trên người".

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết: "Vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore không phải là "vi khuẩn ăn thịt người", gọi tên bệnh như vậy là không chính xác gây hoang mang cho người dân.

Bệnh ít gặp ở người có sức khỏe bình thường, bệnh không lây trực tiếp từ người sang người vì vậy người dân cũng không nên quá lo lắng".

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore sống trong đất, vì thế con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có có vi khuẩn.

Bệnh có thể lây qua đường hô hấp do hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra những bằng chứng nhiễm bệnh khi ăn các thức ăn có vi khuẩn.

Cho đến nay khoa học chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục nào về lây bệnh giữa người với người hoặc từ động vật sang người qua con đường không khí. Vì thế, nhiễm bệnh Whitmore thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Để phòng ngừa bệnh Whitmore các chuyên gia khuyến cáo, khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng hay, ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại