BS Trương Hữu Khanh: Bất lực nhìn bệnh nhân ra đi vì không còn kháng sinh nào chữa được

Tiểu Nhã |

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, tình hình kháng kháng sinh ở nước ta không hề cải thiện mà ngày một gia tăng.

Không còn thuốc để "xài"

Tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 1, các thầy thuốc đã nhiều lần khoanh tay đứng nhìn bệnh nhân ra đi vì không còn kháng sinh nào chữa được.

Ngay cả những kháng sinh mới nhất có mặt ở Việt Nam cũng không giải quyết được. Đây là hậu quả của việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh như cơm bữa ở Việt Nam.

Bác sĩ Khanh gắn bó với chuyên ngành truyền nhiễm Nhi nhiều năm đau xót khi chứng kiến bệnh nhi bị bệnh do vi khuẩn thông thường cũng không cứu được, lúc này bác sĩ thường cho rằng do "hên – xui".

Bác sĩ Khanh cho biết đây là hồi chuông rất lớn cảnh báo cho toàn xã hội.

Theo ghi nhận của ông, thoạt đầu là kháng thuốc thế hệ cũ, sau đó là kháng cả thuốc thế hệ mới.

Đơn cử, theo nhiều chuyên gia bệnh nhiễm, trước đây K.pneumoniae (vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi bệnh viện) chỉ kháng thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ 1 v à 2, nay kháng cả Cephalosporin thế hệ 3.

Bác sĩ Khanh cho biết ông gặp nhiều người mắc bệnh hô hấp thông thường, khi vào bệnh viện cháu đã uống thuốc ở ngoài toàn kháng sinh mới nên dù ở bệnh viện cũng không còn thuốc kháng sinh nào để xài. Vào bệnh viện bác sĩ cũng tìm đủ cách để cứu bé.

Bác sĩ Khanh ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, có cháu bé điều trị ở bệnh viện huyện rồi đến bệnh viện tỉnh, khi đến bệnh viện thành phố cháu đã kháng tất cả thuốc kháng sinh.

Có cháu may mắn phối hợp thuốc thì qua khỏi nhưng cũng có những cháu không thể có cách nào chữa được. Điều bác sĩ trăn trở, tiếc nuối nhất là thực tế này càng ngày càng nhiều, càng kháng kháng sinh tốn tiền thêm, nguy cơ bệnh nhẹ cũng không có thuốc chữa sẽ gia tăng hơn.

Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh không chỉ kháng thuốc cho người dùng mà hiện nay vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh sẽ kháng thuốc, những vi trùng này có khả năng lây cho vi trùng khác tính kháng kháng sinh.

Vì vậy, có người chưa xài kháng sinh lần nào tiếp xúc với vi khuẩn kháng thuốc cũng bị kháng theo dù bản thân họ không trực tiếp dùng kháng sinh.

BS Trương Hữu Khanh: Bất lực nhìn bệnh nhân ra đi vì không còn kháng sinh nào chữa được - Ảnh 1.

Rất khó thay đổi

Tình trạng kháng kháng sinh hiện nay chỉ bác sĩ vào cuộc thôi chưa đủ mà ngay cả phụ huynh, nhân viên bán thuốc cũng phải góp tay may ra mới thay đổi được – bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Khanh, để xảy ra tình trạng kháng kháng sinh như hiện nay đó chính là thói quen của các bậc phụ huynh.

Mọi người đều nghĩ bệnh nào cũng cho kháng sinh là khỏi nên các bậc phụ huynh thấy con ốm là phải có kháng sinh mà không biết rằng ở trẻ nhỏ các bệnh sốt, viêm hô hấp, chảy nước mũi chủ yếu là do vi rút.

Nếu do vi rút thì bệnh thường có cơ chế tự khỏi nếu dùng kháng sinh không thể điều trị được mà vô tình làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh.

Đến khi mắc bệnh do vi khuẩn thông thường cũng không điều trị kháng sinh được vì nó đã nhờn với kháng sinh.

Ngay cả với các bác sĩ cũng không phải ai cũng biết bệnh do vi rút hay do vi khuẩn nên cứ thấy sốt, viêm hô hấp nghĩ rằng do vi khuẩn về kê thuốc kháng sinh. Điều này đòi hỏi sự nhạy cảm của bác sĩ.

Quan điểm sai lầm thứ 2 mà ai cũng nghĩ đó là kháng sinh càng mới là tốt, đắt tiền là tốt. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh kháng sinh không có được định nghĩa rõ ràng là mạnh hay yếu mà sử dụng phải đúng.

Chính vì thế, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua kháng sinh nào đắt nhất, mới nhất mà quên đi rằng trên thế giới họ xài kháng sinh kinh điển chữa được bệnh chứ không phải kháng sinh thế hệ mới.

Chính vì thế, việc người dân cố gắng tìm kháng sinh mới chỉ là cách làm nguy hiểm gây nên tình trạng kháng thuốc hiện nay.

BS Trương Hữu Khanh: Bất lực nhìn bệnh nhân ra đi vì không còn kháng sinh nào chữa được - Ảnh 2.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân kháng kháng sinh thứ 3 đó là người dân tự mua thuốc mà không biết trong đó có kháng sinh. Điều này cần thay đổi ở người bán thuốc.

Phụ huynh, bác sĩ điều trị để có thể dụng kháng sinh phù hợp còn người bán thuốc phải kiểm soát, khi ra tiệm thuốc phải biết cái đó là thuốc gì, chính điều này người ta đã nói lâu lắm rồi.

Cách đây từ lâu, người ta đã cảnh báo nếu cứ sử dụng kháng sinh như hiện nay sẽ đến lúc không còn kháng sinh để xài và thực tế điều đó đã thể hiện ra ngay bây giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại